Tất cả chuyên mục

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Vũ Tiến Mác sinh năm 1960, tuổi Canh Tý, quê ở Thái Bình, từng theo học khóa đào tạo diễn viên cải lương tại Trường Trung cấp Sân khấu Điện ảnh. Năm 1996, ông chuyển về hoạt động tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh (nay là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh) và gắn bó với Đoàn từ đó cho đến lúc nghỉ hưu. Theo đánh giá của giới chuyên môn, có thể nói ở miền Bắc hiếm thấy một nghệ sĩ cải lương nào hát bằng đúng chất giọng, âm sắc phương Nam thành thục như NSND Vũ Tiến Mác.
Bên thềm xuân Canh Tý, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện thân tình với NSND Vũ Tiến Mác về nghề diễn và cuộc đời nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Tiến Mác thời trẻ. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
- Cơ duyên nào đã đưa một chàng trai ở quê lúa Thái Bình, một trong những nơi mà chèo rất phát triển, đến với cải lương và gắn bó cả đời với cải lương, thưa ông?
+ Phải nói là duyên nghiệp. Tổ nghề đã chọn tôi hơn là tôi chọn nghề. Tôi nghe cải lương từ khi mới lên 7, 8 tuổi. Tôi còn nhớ, có lần được nghe một chị cán bộ Đoàn hát bài cải lương ngợi ca chị Võ Thị Sáu. Tôi mê lắm nên đã nghe lại nhiều lần và thuộc rồi hát được bài này.
Đây cũng là bài hát tôi đem dự thi vào Trường Trung cấp Sân khấu Điện ảnh và đã trúng tuyển. Vào trường, tôi thường ngồi trên bãi cỏ tranh thủ nghe cải lương mỗi buổi chiều ở loa công cộng. Cứ thế cải lương ngấm vào máu tôi. Những ngày ấy, tôi phải lấy dây buộc bụng mình lại để nhả cho được đủ 100 chữ; phải đứng vào góc nhà luyện sao cho âm mình vang hơn thì mới thôi. Và cuối cùng, có thể nói một cách tự hào, tôi đã thành công.
Không biết vì sao tôi lại gắn bó với cải lương, chỉ biết, nó hút hồn tôi, làm tôi say mê, không thể nào cưỡng nổi. Cải lương là cuộc sống của tôi, của cả vợ chồng tôi. Cứ sáng mở mắt ra là tôi mở cải lương để nghe. Đêm, tôi cũng nghe cải lương để ngủ. 8 giờ sáng, mọi người chưa thể hát, tôi đã hát rồi. Bảo tôi hát bất cứ lúc nào cũng được. Hát mà không cần luyện giọng vì cái cổ của mình đã chai rồi. Ai hát bằng hơi miệng, hơi cổ thì tôi không biết, riêng tôi luôn hát bằng hơi bụng của mình. Hát bằng hơi bụng dù tốn sức nhưng nó truyền cảm hơn. Cũng may, trời phú cho mình có sức khoẻ tốt. Nhờ trời, giờ đây tôi vẫn có thể hát cặp cùng những diễn viên trẻ mà không có sự khác biệt gì về chất giọng.
- Người ta bảo hát cải lương là phải hát thật, hát bằng hơi bụng, phương tiện âm thanh chỉ là hỗ trợ thôi, đúng không thưa ông?
+ Đúng như thế. Hát cải lương tốn hơi, tốn sức lắm. Hát phải đúng nhạc, đúng hơi, không thể dùng nhạc to để át tiếng hát đi được. Do đó, hát cải lương tối kỵ hát nhép, hát đớp, người ta sẽ nhận ra ngay. Trong cả đời nghệ sĩ đứng trên sân khấu, duy nhất có một lần tôi hát nhép. Lần đó, do mới tập bài mới, sợ quên lời nên hát đớp. Tự mình thấy vô duyên, xấu hổ với khán giả. Từ đấy trở đi, tôi tự nhủ và không cho phép mình hát nhép, cả đời tôi không bao giờ hát nhép nữa. Lại nhớ có nghệ sĩ cải lương lẫy lừng miền Nam ra Bắc hát (tôi xin được giấu tên), mùa rét cổ họng khản đặc không sao hát nổi nên đành hát đớp, khán giả nghe giọng thật quen rồi, họ tinh họ nhận ra. Những câu chuyện đó ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Bài học về tôn trọng khán giả cả đời tôi không bao giờ quên.
Nghệ sĩ Vũ Tiến Mác đón nhận danh hiệu NSND vào năm 2016. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
- Theo quan sát của tôi, có rất nhiều nghệ sĩ miền Bắc khi vào miền Nam đã thành danh, có thu nhập khá. Nghe nói, ông cũng từng có lần nhận được lời mời vào trong đó. Tại sao lúc ấy ông lại không "quẩy gánh ra đi" mà lại quyết tâm gắn bó với Quảng Ninh?
+ Đúng là có chuyện đó. Tôi được mời vào đó và được tạo điều kiện làm việc rất tốt. Nhưng tôi nghĩ, quê hương mình, vợ con mình ở ngoài này, khó mà dứt ra được. Tôi ví gia đình như một toa tàu đang vận hành vậy. Tôi không thể ra đi vì cả một toa tàu, cả gia tài và tình yêu của tôi ở Vùng mỏ này. Gia tài mà tôi có được ở trong lòng khán giả Vùng mỏ này cũng thật đáng quý biết bao. Như trên tôi đã nói, khán giả trọng mình, yêu tiếng hát của mình, sao mình nỡ ra đi. Và trên hết, tôi yêu và gắn bó với mảnh đất này lắm. Dứt áo ra đi sao đành...
- Nói thật là lần đầu tiên ra Quảng Ninh, nghe ông hát cải lương, nếu chỉ nghe mà không nhìn thì dễ nhầm đây là “anh Hai Nam Bộ” thứ thiệt? Chắc vẫn phải có điểm gì khác giữa anh Hai Nam Bộ với anh Hai Bắc kỳ khi hát cải lương chứ?
+ Chắc chắn là có chứ. Tôi nghĩ, mỗi vùng, mỗi đoàn cải lương có một phong cách khác nhau. Cải lương Quảng Ninh chúng tôi có tiết tấu nhanh, khỏe, tốc độ cao, tránh được cái vẻ ủy mị không cần thiết, không phù hợp với đời sống công nghiệp. Cái này cũng xuất phát từ nhịp sống Quảng Ninh và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả Vùng mỏ.
Tuy nhiên, đúng như anh nói, khi khán giả nghe tôi hát, nhiều người vẫn bảo giọng hát của tôi không khác gì so với giọng cải lương miền Nam. Nhiều khán giả hỏi quê tôi, tôi nói tôi ở Quảng Ninh chả ai tin cả. Đặc biệt, khi tôi hát một số bài cải lương, ví dụ bài “Đuốc sáng ngàn năm”, nhiều khán giả miền Nam đã rơm rớm nước mắt. Họ vẫn thường liên lạc động viên tôi cố gắng hơn nữa. Đời nghệ sĩ cũng có được hạnh phúc như thế đấy. Không phụ lòng khán giả miền Nam, hằng năm tôi vẫn thu xếp thời gian hai vợ chồng cùng bay vào đó diễn phục vụ bà con.
- Mấy năm trước, xem ông vào vai nhân vật Lãng trong vở cải lương “Người đàn bà 13 bến nước”, tôi không thể nào quên được. Để có được vai diễn xuất sắc đoạt huy chương vàng này, ông có gặp khó khăn gì không?
+ Không có gì khó khăn lắm. Bởi vì đây là một vai diễn khá thuận lợi với cái gu của tôi. Tôi đã từng đóng những vai bộ đội, đóng Lý A Sầu và một số vai diễn dạng này rồi. Nhân vật Lãng mà tôi đóng trong vở diễn là một người lính trở về sau chiến tranh với nỗi đau da cam. Anh đã trở về từ lửa đạn chiến tranh khốc liệt và mong muốn một cuộc sống hạnh phúc bên người vợ hiền. Nhưng anh không tìm được hạnh phúc, anh trở về mà lòng đau đớn với tin đồn vợ mình ngoại tình; khi thanh minh được cho vợ thì hai vợ chồng lại chỉ toàn sinh ra những đứa con dị dạng. Mỗi khi nhập vai, tôi như bị nhân vật ám ảnh… Đến nỗi ở ngoài đời, nhiều khi mọi người không gọi tên tôi mà gọi bằng tên nhân vật, như Lý A Sầu, Trạng Quỳnh v.v.. Sau vở cải lương này, có khán giả lại nhầm gọi tên tôi là tên của nhân vật Lãng.
![]() |
NSND Vũ Tiến Mác hạnh phúc bên gia đình của mình. |
- Đã nhiều lần, tôi thấy ông nhắc đến vai diễn Trạng Quỳnh. Dường như vai diễn kiểu tích tuồng dân gian cũng là những vai diễn mà ông rất tâm đắc?
+ Cùng với các vai kiểu hiện đại như Lãng vừa kể, các vai nhân vật dân gian như anh khoá còm trong vở Trạng Lợn, vai diễn Trạng Quỳnh là những vai tôi không thể nào quên. Hầu hết những vai diễn ấy của tôi đều được khán giả nhớ đến. Đó là niềm hạnh phúc của một nghệ sĩ sân khấu như tôi.
Những vai kép chính như kiểu Trạng Quỳnh rất phù hợp với khuôn mặt và tính cách của tôi. Có lẽ khuôn mặt mình hiền lành, nhân hậu (cười). Có những lớp diễn của tôi đã được đánh giá là làm sống lại nhân vật Trạng Quỳnh, một nhân vật đại diện cho khát vọng của nhân dân lao động. Mình cũng là từ người dân lao động mà trưởng thành, từ nông dân mà được đi học, thành nghệ sĩ rồi ra mỏ phục vụ công nhân. Mình không nói tiếng nói của người lao động thì còn nói tiếng nói của ai.
![]() |
NSND Vũ Tiến Mác trong một vai diễn cải lương. |
- Người lao động thì đúng rồi, nhưng giọng hát của ông còn có cái chất nghệ sĩ rất đậm nét. Tôi rất xúc động mỗi lần nghe ông hát bài cải lương “Đời nghệ sĩ” do ông sáng tác. Vậy điều gì làm một người nghệ sĩ như ông trăn trở sau khi bước ra khỏi tấm rèm nhung với hào quang của ánh đèn sân khấu để trở về đời thực vậy?
+ Đó là nỗi lòng chung của nghệ sĩ chứ không chỉ riêng tôi. Nhìn lại ánh đèn sân khấu, quả thực nhiều lúc tôi cũng thấy mủi lòng. Khi mình đứng trên sân khấu, mình thành ông vua, bà chúa, ông quan hay trạng nguyên, toàn là những nhân vật danh giá; khán giả thì hồ hởi đón nhận mình. Thế nhưng, khi mình bước xuống sân khấu thì cuộc đời thực lại trái ngược hoàn toàn. Người nghệ sĩ sân khấu như chúng tôi lại phải đối diện với cuộc sống thường nhật, với những toan lo, vất vả, cơm áo gạo tiền, bươn trải trong cơ chế thị trường. Anh biết rồi đấy, cuộc sống thực đâu theo ý mình, đâu như những gì mình mơ ước. Trong khi đó, nghệ sĩ thì thường sống lãng mạn và mộng tưởng.
- Nhưng cuộc sống của một NSND sau khi nghỉ hưu chắc cũng không có gì khiến mình không hài lòng? Tôi cũng như nhiều bạn đọc rất tò mò muốn biết điều đó?
+ Hiện tại, tôi rất hài lòng với những gì mình có. Vợ chồng tôi đã nghỉ hưu, có lương hưu. Nhà cửa vẫn thế. Nhà xây trên miếng đất nhà nước cấp cho từ hồi mới ra vẫn ở đến giờ. Con cái ổn định. Nhà cửa cũng tạm được, cứ thế ở thôi. Sự quan tâm của tỉnh tới đời sống các nghệ sĩ như ở tỉnh ta cũng là đáng quý, không phải địa phương nào cũng làm được như thế. Ra Quảng Ninh lập nghiệp, tôi có đất xây nhà, được phong Nghệ sĩ Vùng mỏ, Nghệ sĩ Ưu tú, rồi NSND. Nói chung là tôi bằng lòng với cuộc sống mà mình có. Đến tuổi hưu rồi, tôi buông bỏ hết, thanh thản để sống với nghề, không lo toan vướng bận gì. Mà nói thật là mình cũng chẳng còn gì phải ham hố hay ganh đua nữa.
Cặp đôi Tiến Mác - Bích Liên đều là diễn viên cải lương. |
- Phải chăng đó cũng là lý do ông xin về nghỉ hưu sớm?
+ Đúng thế. Tôi đơn thuần chỉ là người nghệ sĩ làm nghề thôi. Danh hiệu mình có đủ rồi, đến danh hiệu cao nhất rồi, phải nhường cho các em, các cháu trẻ có đất diễn chứ. Thỉnh thoảng, đoàn cũng mời tôi ký hợp đồng diễn vở nhưng tôi lại từ chối chính vì lẽ đó. Tôi muốn dành cơ hội ấy lại cho lớp trẻ, để họ được vào vai, có cơ hội toả sáng...
- Thanh thản mà buông bỏ như thế nhưng ông vẫn hát đều chứ?
+ Thì tôi vẫn hát hằng ngày. Hai vợ chồng tôi đều là nghệ sĩ nên hát cho nhau nghe, cùng nhau lên mạng hát cho bạn bè, phát trực tiếp trên facebook cùng nghe. Chúng tôi còn lên sân khấu không chuyên nữa vì tôi vẫn tham gia các câu lạc bộ, nhận các lời mời diễn lẻ. Thậm chí có đợt vợ chồng tôi còn vào Nam để tham gia các suất diễn.
- Nhưng sân khấu thoái trào chắc chắn là thù lao đi diễn rất thấp, thưa ông?
+ Đương nhiên là rất thấp. Nhưng tôi vì yêu nghề mà đi hát, vì khán giả mà hát. Nói thật, tôi bây giờ chả còn vướng bận chuyện kinh tế nữa. Hợp đồng tôi vẫn đi hát, trả ít nhiều bao nhiêu tôi cũng nhận, không phàn nàn. Được đi hát cho khán giả nghe đã là một niềm hạnh phúc rồi.
- Ông nghĩ gì về sân khấu Quảng Ninh và đời sống của anh em nghệ sĩ sân khấu trẻ hiện nay?
+ Sân khấu thoái trào, đó là thực tế không ai chối bỏ được. Vì thế, đời sống nghệ sĩ, diễn viên cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi tự thấy mình may mắn, danh hiệu có đủ cả rồi, lương hưu cũng đủ sống, nhưng nhìn anh em ở lại thấy thương vì họ vất vả lắm. Dù vậy, tôi tin rằng anh, chị, em diễn viên trẻ vẫn rất yêu nghề và vì yêu nghề mà vẫn "lấy ngắn nuôi dài", vẫn xoay xở được trong cơ chế thị trường để trụ vững. Anh em vẫn đi hát nhạc dân tộc, tham gia biểu diễn rối nước, hát nhạc cho rối biểu diễn, chơi cả dàn nhạc hiện đại... Không ít nghệ sĩ vẫn sống đàng hoàng. Thêm nữa, tỉnh cũng rất quan tâm đến anh em nghệ sĩ. Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh vừa được trang bị dàn âm thanh, ánh sáng sân khấu rất quy mô, hiện đại, giá trị lớn. Tôi vừa sang thử giọng rồi, tốt lắm. Có phương tiện hiện đại rồi, anh em đi diễn các nơi chắc chắn sẽ tốt hơn thôi.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc ông và gia đình một mùa xuân ấm áp, an lành!
Phạm Học (Thực hiện)
NSND Vũ Tiến Mác là kép chính trong các vở cải lương, như: “Phù Vân”, “Sắc phù dung”, “Người đàn bà 13 bến nước”, “Trạng Lợn”. Giai đoạn 1985-2001, ông đã giành được 2 HCV, 4 HCB tại các hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp các tỉnh miền duyên hải và toàn quốc. Nghệ sĩ Vũ Tiến Mác được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ năm 2001, Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007, NSND năm 2016. Ông còn tích cực nghiên cứu, tham gia cùng với lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh trước đây xây dựng chương trình, tiết mục để nâng cao chất lượng các vai diễn, vở diễn; tận tình kèm cặp, hướng dẫn kỹ năng ca hát cho các diễn viên trẻ... |
Ý kiến (0)