Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:24 (GMT +7)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Huấn: Góp nhặt những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống
Thứ 2, 20/06/2022 | 13:21:47 [GMT +7] A A
Như rất nhiều văn nghệ sĩ của Quảng Ninh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Huấn trưởng thành trong môi trường công nhân mỏ. Ông gắn bó với nhiếp ảnh với tâm niệm muốn ghi lại một cách sống động, chân thực cuộc sống, lao động của con người Vùng than. Gần 30 năm chuyên tâm với nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Huấn đã tạo được cho mình những dấu ấn riêng trên sân chơi nhiếp ảnh.
Nguyễn Ngọc Huấn sinh ra và lớn lên tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Từ nhỏ, ông đã yêu văn chương, làm thơ, vẽ tranh. Khi đang học cấp hai, Ngọc Huấn đã được cử đi học lớp năng khiếu hội họa do huyện tổ chức rồi về địa phương tham gia làm công tác tuyên truyền phục vụ công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1973, Nguyễn Ngọc Huấn theo học ngành mỏ, ra trường, ông về công tác ở mỏ than Vàng Danh (nay là Công ty CP Than Vàng Danh) cho đến năm 2009 nghỉ hưu.
Bước chân vào ngành Than, ngay từ khi còn rất trẻ, những tấm gương thợ mỏ hăng say trong lao động sản xuất luôn thôi thúc Nguyễn Ngọc Huấn làm thơ, viết tin, bài ngợi ca và ngọn lửa ấy theo cùng ông suốt chặng đường 36 năm gắn bó với nghề mỏ. Tuy nhiên, như Nguyễn Ngọc Huấn trải lòng, những câu thơ, những bài viết vẫn chưa đủ để lột tả những khó khăn vất vả của người thợ mà như lời dạy của Bác Hồ “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Vì thế, ông đã luôn mong sao có được chiếc máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc diễn ra hàng ngày về họ, tuy công việc vất vả nhưng vẫn ngời lên niềm tin yêu cuộc sống. Năm 1997, từ tiết kiệm mua được chiếc máy ảnh cũ, Nguyễn Ngọc Huấn mày mò tự học qua sách báo và bắt đầu dấn thân vào môn nghệ thuật ánh sáng.
Khi những bức ảnh đầu tiên chụp phong cảnh thác Lựng Xanh (Uông Bí) được đăng trên tạp chí Nhiếp ảnh, rồi ảnh chụp Yên Tử đăng trên báo Nhân Dân, Nguyễn Ngọc Huấn càng có thêm động lực theo đuổi niềm đam mê chụp ảnh báo chí, nghệ thuật. Năm 1999, sau khi bán chiếc máy ảnh cũ để “lên đời” chiếc máy ảnh Nikon mới, biết tin cô giáo Bàn Thị Đào (xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ - nay là TP Hạ Long) đạt giải giọng hát hay và Á khôi Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật vùng Đông Bắc lần thứ nhất tại Lạng Sơn, ông đã lặn lội sang tận nơi chụp ảnh, viết tin, bài giới thiệu đăng trên báo Tiền Phong và báo Quảng Ninh. Cũng nhờ cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ngọc Huấn đã có được tác phẩm “Em bé người Dao” giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ 7 năm 2000 tại tỉnh Ninh Bình. Với giải thưởng này, ông đã được đặc cách kết nạp hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 2001.
Trong gần 30 năm cầm máy, Nguyễn Ngọc Huấn đã đi qua nhiều nơi, chụp nhiều đề tài khác nhau, nhưng hứng thú và say mê hơn cả là ảnh chân dung và phong cảnh. Ông luôn cảm thấy may mắn khi được sống, làm việc và gắn bó với những người thợ mỏ để có thể ghi được những khoảnh khắc sống động về họ. Trên chặng đường góp nhặt những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống một cách kiên trì, bền bỉ, Nguyễn Ngọc Huấn đã mang về vô số giải thưởng. Có thể kể đến giải xuất sắc ACCU với tác phẩm “Em bé người Dao” tại cuộc thi ảnh quốc tế chủ đề “Trang phục và con người” tại Tokyo Nhật Bản năm 2001; giải khuyến khích ngành than năm 2014 với tác phẩm “Mùa than”; Huy chương Đồng cuộc thi ảnh quốc tế Tramontana Circuit 2021 chủ đề thiên nhiên với tác phẩm “Nốt nhạc tình yêu”…
Ngoài ra, còn có vô số giải thưởng khác như: Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long lần thứ V (1996-2000); giải thưởng Văn học nghệ thuật Trần Nhân Tông TP Uông Bí lần thứ nhất (2011-2018) cùng nhiều bằng danh dự FIAP, PSA và rất nhiều bằng chứng nhận triển lãm trong nước và quốc tế...
Chia sẻ về quan điểm nghệ thuật nhiếp ảnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Huấn cho rằng, mỗi người có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về một bức ảnh đẹp. Với ông, cái đẹp trong nhiếp ảnh phải hội tụ được các tiêu chí bố cục, đường nét, ánh sáng và đặc biệt là khoảnh khắc bấm máy.
“Bản thân tôi mỗi khi tác nghiệp luôn chú trọng điều đó, luôn tự hỏi mình chụp bức ảnh này để làm gì, mang ý nghĩa và thông điệp mà mình muốn gửi gắm ra sao? Có người ví rằng: “Mỗi bức ảnh mang theo một câu chuyện”, hay “Mỗi bức ảnh đẹp giống như một bài thơ” tôi nghĩ không phải không có lý” - Nguyễn Ngọc Huấn bày tỏ.
Cũng theo Nguyễn Ngọc Huấn, ngày nay, những người đam mê nhiếp ảnh có rất nhiều điều kiện thuận lợi theo đuổi môn nghệ thuật này. Phương tiện máy móc hiện đại, nguồn tư liệu để nghiên cứu cũng phong phú, dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hàng năm có vô số các cuộc thi, triển lãm cả trong nước và quốc tế, là cơ hội thuận lợi để các tay máy thỏa sức sáng tạo và “thi thố”.
Tuy nhiên, theo Ngọc Huấn, cùng với thuận lợi ấy, người cầm máy cũng gặp phải nhiều thách thức như: Làm thế nào để tác phẩm không bị lặp lại và có cá tính sáng tạo riêng? Nói cách khác, để có được một tác phẩm ảnh nghệ thuật đích thực, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải mang đến những góc nhìn mới mẻ, độc đáo và không là bản sao của người đi trước, thậm chí của chính mình...
Gần bước sang tuổi thất thập, nhưng khi nhắc đến nhiếp ảnh, Nguyễn Ngọc Huấn vẫn đầy hào hứng say mê với những chuyến đi sáng tác. Ông vẫn mong muốn Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh tiếp tục là cầu nối tạo điều kiện cho anh em nhiếp ảnh được đến với đồng bào và các chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, nơi công trường, hầm mỏ… Những chuyến thực tế sáng tác sẽ vô cùng hữu ích để anh em nhiếp ảnh có được nhiều tác phẩm mới phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống. Đây cũng là dịp để anh em nhiếp ảnh giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, tạo nên sân chơi lành mạnh, góp phần thúc đẩy bộ môn nhiếp ảnh của Quảng Ninh tiến xa hơn.
Thanh Nga
Liên kết website
Ý kiến ()