Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:01 (GMT +7)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Mạnh Hùng với những tác phẩm trước gương than
Chủ nhật, 30/01/2022 | 13:20:44 [GMT +7] A A
Không sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh, nhưng vùng đất đầy nắng gió, cùng nỗi vui buồn người thợ mỏ đã cuốn hút và trở thành đề tài không vơi cạn đối với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Mạnh Hùng. Mỗi khuôn hình của anh luôn lấp lánh hơi thở miền vàng đen của Tổ quốc.
Năm 2021 vừa qua có thể coi là một năm “được mùa” trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Mạnh Hùng khi anh cùng lúc có 3 tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi ảnh “Nụ cười Than - Khoáng sản Việt Nam” do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức, có 1 tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Hopa lần thứ nhất của Hội nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh và 4 tác phẩm được chọn triển lãm ảnh quốc tế "Balkan Frame 2021".
Chia sẻ cảm xúc về một năm thành công trong sự nghiệp sáng tác của mình, Phạm Mạnh Hùng chỉ cười hiền hậu như nụ cười tôi đã gặp ở anh cách đây tròn 15 năm khi anh đạt Huy chương Vàng tại Triển lãm ảnh Khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2006 với tác phẩm “Trở về từ lòng đất”. Anh chỉ đơn giản cho rằng, đó là do may mắn nên đã chớp được những khoảnh khắc đắt giá về những người thợ mỏ và do có thể đã chụp nhiều về người thợ nên cũng “quen tay, quen mắt”.
Anh nói giản dị vậy, nhưng tôi hiểu, để chớp được những khoảnh khắc đắt giá ấy là hàng chục năm anh gắn bó với vùng than, đã cùng chiếc máy ảnh lăn lộn lên tầng cao, xuống lò sâu hòa mình cùng cuộc sống, công việc của người thợ. Quan trọng hơn cả là tình yêu, sự rung cảm mãnh liệt của người nghệ sĩ trước những vất vả, gian nan, cũng như niềm hạnh phúc được cống hiến của họ.
Phạm Mạnh Hùng quê ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Năm 1975, anh ra Quảng Ninh học lớp kỹ thuật khai thác hầm lò rồi về làm thợ lò bậc 4/6 tại Công ty Than Mạo Khê. Năm 1982, không may bị tai nạn lao động, điều trị xong anh được chuyển sang phụ trách công tác thi đua và Câu lạc bộ Thanh niên của Công ty chuyên phục vụ loa máy và chủ hôn cho các đám cưới của công nhân mỏ. Năm 1988, anh học thêm nghề ảnh và những bức ảnh chụp người công nhân, các đám cưới và phục vụ các hội nghị của Công ty chính là cơ duyên ban đầu để anh gắn bó với nhiếp ảnh, trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam sau này.
Bén duyên nhiếp ảnh, rồi tự mày mò, học hỏi, bằng những nỗ lực của bản thân và niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật ánh sáng, Phạm Mạnh Hùng ngày một trưởng thành hơn trong nghề. Tác phẩm của anh đã có mặt trên nhiều sách báo, tạp chí, cũng như gặt hái hàng loạt giải thưởng uy tín của tỉnh, khu vực, toàn quốc. Mạnh Hùng còn sở hữu Triển lãm ảnh cá nhân “Khoảnh khắc vùng than” tại Hà Nội, giới thiệu 81 tác phẩm nhiếp ảnh phản ánh chân thực và sinh động những khoảnh khắc trong lao động, sản xuất, văn hóa văn nghệ và đời sống của thợ mỏ trong suốt gần 30 năm cầm máy. Bên cạnh đó là nhiều tác phẩm tham dự một số triển lãm ảnh quốc tế.
Kể từ Huy chương Đồng Triển lãm ảnh khu vực đồng bằng Sông Hồng (2004) với tác phẩm “Mùa than”, Phạm Mạnh Hùng đã liên tục giành được các giải thưởng uy tín khác. Có thể kể đến như tác phẩm “Trở về từ lòng đất” giành Huy chương Vàng Triển lãm Ảnh khu vực đồng bằng Sông Hồng và Huy chương Vàng Kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Than (2006), “Thép chống lò”, giải ba ảnh báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam (2009), “Thợ mỏ với môi trường”, giải nhất Cuộc thi “Vinacomin - Đổi mới và phát triển” (2011), “Trở về từ lòng đất”, giải nhất Văn nghệ Hạ Long (2006-2010), “Công nhân mỏ”, triển lãm tại Cuộc thi ảnh quốc tế Việt Nam (2011)…
Năm 2021, Phạm Mạnh Hùng cùng lúc giành 3 giải thưởng tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật Nụ cười Than - Khoáng sản Việt Nam với tác phẩm “Phút giải lao” giành Huy chương Vàng, “Thợ mỏ tan ca” giành Huy chương Đồng và “Niềm vui người thợ” giành giải Khuyến khích. Tác phẩm “Công nghệ mới” giành giải Khuyến khích Cuộc thi ảnh quốc tế Hopa lần thứ nhất do Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh tổ chức. Tại Cuộc thi ảnh quốc tế "Balkan Frame 2021", Phạm Mạnh Hùng có 4 tác phẩm được chọn treo là “Người thợ mỏ”, “Trước gương than”, “Thợ mỏ” và “Mẹ con”.
Xuyên suốt trong các tác phẩm của Phạm Mạnh Hùng là chân dung những người thợ mỏ, tuy lấm lem bụi than, mồ hôi còn ướt đẫm nhưng vẫn ngời lên niềm vui, tình yêu với công việc dẫu nhọc nhằn. Họ có thể là những chàng trai đang cần mẫn dưới lò sâu với le lói ánh đèn lò chỉ lối, là ánh mắt và nụ cười rạng rỡ khi bắt gặp gương than, là những cô gái nhà sàng hân hoan sau giờ tan ca, hay nụ cười nồng ấm của người thợ mỏ già. Ở bất cứ khuôn hình nào, những người thợ mỏ cũng là tâm điểm, là đối tượng duy nhất được tập trung đặc tả bằng một sự thấu hiểu đặc biệt.
Xuất phát điểm là thợ mỏ và suốt quá trình sáng tác chỉ tập trung khai thác đề tài người thợ, có thể coi đó là mối lương duyên mà Phạm Mạnh Hùng đã may mắn có được. Có lẽ, chính vì mối lương duyên ấy nên dù đã sở hữu gia tài hàng ngàn bức ảnh chụp thợ mỏ và hàng loạt giải thưởng, anh vẫn miệt mài theo đuổi đam mê với khát khao truyền hơi thở vùng than vào mỗi khuôn hình để tạo nên những tác phẩm đẹp, đầy tính nhân văn về người thợ mỏ, về Vùng mỏ Quảng Ninh trong công cuộc xây dựng và phát triển sôi động hôm nay.
Thanh Nga
Liên kết website
Ý kiến ()