Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:16 (GMT +7)
Nghề thêu thổ cẩm của phụ nữ Dao Thanh Phán
Thứ 7, 19/12/2020 | 12:26:36 [GMT +7] A A
Trong cộng đồng người Dao Ba Chẽ, thổ cẩm là một nét văn hóa đặc trưng có từ lâu đời. Ngày nay, phụ nữ Dao Ba Chẽ không chỉ thêu thổ cẩm để trang phục trong gia đình, mà với định hướng của địa phương, còn phục vụ mục đích thương mại, tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo.
Lớp học nghề thêu thổ cẩm ứng dụng của phụ nữ Dao Thanh Phán xã Đồn Đạc. |
Đối với những người phụ nữ ở tuổi trung niên như bà Triệu Kim Thành (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc), thêu thùa là một trong những hoạt động quen thuộc. Trước kia, cũng như những phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán khác, bà thường tự thêu cho mình những chiếc khăn đội đầu, tô điểm cho những bộ trang phục truyền thống mặc trong những dịp đặc biệt. Được học thêu từ những ngày còn nhỏ, hầu như phụ nữ Dao Thanh Phán ở đây khá thuần thục nghề thêu thổ cẩm. Những năm trở lại đây, khi cuộc sống phát triển hơn, hình ảnh những người phụ nữ Dao Thanh Phán ngồi thêu bên bậc thềm nhà ngày càng ít dần, nhất là với lớp trẻ.
Hưởng ứng lời kêu gọi "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao" của UBND huyện, với việc mở lớp truyền dạy nghề thêu thổ cẩm ứng dụng trên chất liệu hiện đại, bà Triệu Kim Thành là một trong 25 phụ nữ Dao Thanh Phán đầu tiên của xã Đồn Đạc tham gia lớp học này. Bà Triệu Kim Thành chia sẻ: "Sau khi tham gia lớp học thêu, chúng tôi càng thêm yêu nghề thêu truyền thống của dân tộc mình. Trước kia chúng tôi chỉ thêu khi cần, thì nay chúng tôi thêu vì đam mê, thêu vào buổi tối, ngày cuối tuần, hoặc bất kỳ lúc nào rảnh".
Bà Triệu Kim Thành (bên phải) cùng các chị em phụ nữ Dao Thanh Phán (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc) thêu thổ cẩm ứng dụng tại Nhà văn hóa thôn. |
Những hoa văn thêu thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán mang ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với đời sống, tín ngưỡng, sản xuất nông nghiệp, ước mong cuộc sống có được mọi điều viên mãn, như: Hình lưỡi bừa, con đường, con chim, chân chó, hoa 8 cánh, mặt trời, lá cây… Những biểu tượng truyền thống ấy được phụ nữ Dao khéo léo phối màu, cân đối các họa tiết linh hoạt cho phù hợp với những sản phẩm có chất liệu, kích thước, mục đích sử dụng khác nhau, như: Miếng lót ly, cốc; áo nam, nữ; túi xách, túi đựng điện thoại, ví đựng đồ dùng… Mỗi sản phẩm lại toát lên những ý nghĩa, nét đẹp khác nhau.
Hiện nay, khi các chất liệu thổ cẩm truyền thống ngày càng được du khách chú ý, với khoảng cách khá gần với các khu du lịch nổi tiếng như Vân Đồn, Quan Lạn, Móng Cái, Hạ Long..., các sản phẩm thổ cẩm thêu tay truyền thống của phụ nữ người Dao Thanh Phán nơi đây được kỳ vọng sớm tìm được chỗ đứng trên thị trường hàng lưu niệm truyền thống tại các khu du lịch.
Những hoa văn biểu tượng truyền thống của dân tộc Dao Thanh Phán được khéo léo kết hợp linh hoạt trong các sản phẩm ứng dụng. |
Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Chẽ, cho biết: Làm thế nào để bà con thực sự thay đổi thói quen, cách nghĩ, từ việc thêu hoa văn thổ cẩm chỉ để phục vụ mình, hướng tới mục đích sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch, không phải là việc làm một sớm, một chiều. Với việc mở các lớp dạy thêu ứng dụng hiện đại tại xã Đồn Đạc, chúng tôi đang xây dựng các thôn Nà Bắp, Làng Cổng trở thành vệ tinh để cung ứng sản phẩm thổ cẩm, cũng là điểm đến để du khách tham quan, trải nghiệm.
Ba Chẽ đang hướng tới xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đưa thêu thổ cẩm ứng dụng trên chất liệu hiện đại trở thành mặt hàng OCOP của huyện; hỗ trợ tiêu thụ rộng rãi, gắn với quảng bá một số phong tục, tập quán của người Dao Thanh Phán đã được khôi phục, như lễ nhảy lửa, múa rùa..., qua đó, thu hút sự chú ý của du khách. Đây là những cơ sở quan trọng giúp bà con có thêm thu nhập chính đáng từ chính bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()