Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 18:30 (GMT +7)
Nghè thờ Trần Khánh Dư trên đảo Quan Lạn
Chủ nhật, 11/06/2023 | 13:49:14 [GMT +7] A A
Nghè Trần Khánh Dư nằm trong Cụm Di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn, thuộc thôn Thái Hoà, xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) đã được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1990. Nơi đây là một trong các điểm đến của du khách khi tới tham quan Quan Lạn - Minh Châu.
Nghè thờ Trần Khánh Dư nên nhân dân còn gọi nghè Trần Khánh Dư. Nghè được xây dựng vào thế kỷ XVIII ở bến Cái Làng, cùng thời với đình Quan Lạn. Thời Nguyễn, dân làng chuyển về bên Quan Lạn nên đình, nghè, miếu, chùa cũng được chuyển theo. Trải qua thời gian, nghè cũ bị hỏng, năm 2011, nghè được xây dựng lại với quy mô lớn như hiện nay với tổng kinh phí khoảng 28 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương khoảng 12 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hoá hợp pháp. Các công trình chính của nghè gồm nghè chính, nhà tả vu, hữu vu, miếu Tứ vị Thánh Nương, hồ bán nguyệt, sân, vườn, tường bao... Trong đó, bái đường có ba gian, hai chái, bốn mái, lợp ngói mũi hài, các đầu đao góc mái uốn cong đầu rồng. Hậu cung có ba gian, hai chái. Toàn bộ hệ thống cửa ra vào và kiến trúc bên trong được làm bằng gỗ lim, chạm khắc mô phỏng theo phong cách thời Trần. Tuy mới được trùng tu tôn tạo, nhưng nghè mang dáng dấp cổ kính trang nghiêm, vẫn còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ giá trị, có niên đại từ thời Hậu Lê, thời Nguyễn.
Nghè Trần Khánh Dư có mối liên quan mật thiết với đình Quan Lạn. Nghè là nơi thờ Thành hoàng Trần Khánh Dư. Đình là nơi thờ vọng. Hàng năm, đến ngày lễ hội truyền thống Vân Đồn (16-20/6 âm lịch), dân làng lại đến nghè rước bài vị Thành hoàng về đình Quan Lạn, tổ chức các nghi lễ cúng tế trang nghiêm. Kết thúc lễ hội, dân làng Quan Lạn lại rước Thành hoàng trở về nghè.
Theo ghi chép của sử sách, Trần Khánh Dư là một vị tướng tài, có nhiều đóng góp trong cả ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân Đại Việt thế kỷ XIII. Đặc biệt, tên tuổi của Trần Khánh Dư nổi bật với chiến thắng Vân Đồn (1288), dưới sự chỉ huy của ông, quân nhà Trần và dân binh địa phương đã đánh tan đoàn thuyền lương của tướng Nguyên là Trương Văn Hổ chỉ huy trên vùng biển Vân Đồn, góp phần làm thay đổi tình thế chiến tranh. Do thiếu lương thực, lại thêm thời tiết khắc nghiệt, không quen thung thổ khiến quân Nguyên phải rút chạy về nước. Từ đó, là cơ sở để quân dân Đại Việt lập nên chiến công trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Để tưởng nhớ công lao của Trần Khánh Dư, nhân dân xã Quan Lạn cũng như một số xã ở khu vực luồng sông Mang như Minh Châu và Bản Sen đã tôn ông làm Thành hoàng làng cùng với một số vị thành hoàng khác, thờ ở đình và có miếu, nghè thờ riêng. Hàng năm vào dịp tháng 6 âm lịch, nhân dân các xã mở hội rước tế rất linh đình, cầu đảo rất linh ứng.
Hiện nay tại đình Quan Lạn vẫn còn lưu giữ được sắc phong của vua Thành Thái năm 1889 phong thần cho Thành hoàng Trần Khánh Dư với nội dung: Xã Quan Lạn, huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên thờ thần Đông Đạo Tiết Chế Thành Quốc Công Cảm Ứng giúp nước, giúp dân rất linh ứng nhưng từ trước đến nay chưa được dự phong, nay vâng mệnh trời phong là Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng chi thần, cho phép thờ thần như trước, thần hãy phù hộ cho dân.
Những gì mà hậu thế đã làm hôm nay trên đất Quan Lạn thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với Trần Khánh Dư, vị tướng tài của dân tộc. Cùng với đình Quan Lạn, miếu Đức Ông, nghè Trần Khánh Dư là nơi lưu niệm sự kiện vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thế kỷ XIII, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Phan Thị Thuý Vân (Bảo tàng Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()