Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 22:49 (GMT +7)
Nghỉ hè - niềm vui, nỗi lo...
Chủ nhật, 10/06/2012 | 05:35:20 [GMT +7] A A
Hình như đã khá lâu rồi, trong tâm tưởng các bậc phụ huynh, học sinh, khái niệm “nghỉ hè” không còn được hiểu là thời gian để các em nghỉ ngơi, “xả hơi” sau một năm học vất vả, bận rộn nữa. Ngay từ khi các trường học chuẩn bị kết thúc năm học, ở nhiều gia đình, bố mẹ đã rục rịch những dự định cho con cái học thêm môn này, môn khác, ở cơ sở này, cơ sở khác, với giáo viên này, giáo viên khác v.v.. Mà không chỉ học sinh các lớp trên, lớp cuối cấp, ngay cả các em nhỏ ở bậc tiểu học, nhu cầu “được đi học” trong dịp hè cũng trở nên “rất bức xúc”. Đây là một thực tế và thực tế này là có căn nguyên của nó!
Trước hết, với một số gia đình có điều kiện, các phụ huynh thường có ý nghĩ muốn nhân dịp “nghỉ hè” để “bổ túc” cho con mình những kiến thức còn bị “hổng” trong năm học trước; (hoặc nếu không “hổng” thì làm cho nó “dày” thêm). Đây là một mong muốn chính đáng; tuy nhiên, họ quên rằng kỳ nghỉ hè chính là thời gian để các em được nghỉ ngơi thật thoải mái, nhằm “tái sản xuất sức lao động” cho năm học tới!
Nhưng cũng có những gia đình, việc cố tìm cách cho con đi học thêm chưa hẳn đã là vì muốn “bổ sung kiến thức” cho chúng, mà chẳng qua cũng chỉ là chuyện “cực chẳng đã”; nếu không cho con đi học thêm trong dịp hè thì chúng sẽ lêu lổng, khó kiểm soát nổi! Đây là tâm lý chung của nhiều phụ huynh học sinh, nhất là ở những gia đình công nhân viên chức đang đi làm, lại không có người giúp việc...
Thực tế này đặt ra một yêu cầu mang tính xã hội; đó là làm thế nào để những tháng hè, các em được vui chơi thoải mái, hay nói cách khác là được “nghỉ hè” theo đúng nghĩa; mà lại không phát sinh những “chuyện đau đầu” như trẻ lêu lổng, sa đà vào các quán nét, thậm chí là cả những tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích v.v.. Muốn vậy thì phải có những biện pháp quản lý hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhìn lại công tác quản lý học sinh trong dịp hè những năm gần đây, thấy vẫn còn nặng tính hình thức, nặng về “quản” hơn là tạo cho các em có một “sân chơi” bổ ích, lý thú. Học sinh sau khi kết thúc năm học ở trường, trở về địa phương tham gia các hoạt động hè vẫn chỉ miễn cưỡng, mang tính đối phó (bởi nếu không sẽ bị ghi vào phiếu sinh hoạt hè gửi về nhà trường trong năm học tới!). Do công việc làm báo, chúng tôi cũng đã từng tham dự một số buổi sinh hoạt hè của học sinh ở các khu dân cư. Và có cảm nhận, những buổi sinh hoạt như thế này thường diễn ra một cách đơn điệu, khô khan, không phải “chơi” mà là “học” (chỉ khác là không phải học văn hoá mà học… chính trị!).
Đã từng có nhiều ý kiến phàn nàn rằng việc tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh ở nhiều nơi tẻ nhạt là do thiếu điều kiện cơ sở vật chất như bể bơi, sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi v.v.. Điều này không phải không có cơ sở. Việc đầu tư xây dựng những công trình thể thao, những khu vui chơi cho thiếu nhi ở các khu dân cư là hết sức cần thiết. Đặc biệt trong dịp các em nghỉ hè lại càng thấy rõ điều đó! Tuy nhiên, cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn là do thiếu điều kiện cơ sở vật chất. Vấn đề là ở quan điểm về việc tổ chức sinh hoạt hè nhằm mục đích gì? Và tổ chức như thế nào? Nếu xác định sinh hoạt hè trước hết là để các em có một quãng thời gian nghỉ ngơi vui vẻ, thoải mái, bổ ích (trên cơ sở đó mới lồng ghép các hoạt động để giáo dục, rèn luyện đạo đức, lẽ sống v.v..) thì sẽ tìm ra được nhiều những hoạt động đa dạng, hấp dẫn. Chẳng hạn như tổ chức các chuyến pic nic, liên hoan văn nghệ, thể thao v.v.. Ngoài ra, với các em nhỏ ở bậc tiểu học, trong điều kiện các nhà văn hoá, cung văn hoá chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tổ chức các lớp sinh hoạt hè cho thiếu nhi thì để giúp các ông bố, bà mẹ bớt “gánh nặng” về việc quản lý con em trong dịp hè, nên chăng ở các phường, xã cũng mở những lớp sinh hoạt hè, theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, chủ yếu là tạo “sân chơi” cho các em là chính…
Có như vậy thì với các em, nghỉ hè mới thực sự vui vẻ! Đừng bắt các em phải chịu những áp lực, dù đó là áp lực do phải “học thêm” hay áp lực do bị quản lý gò bó, phải tham gia những hoạt động tẻ nhạt mà mình không thấy hào hứng...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()