Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 03:52 (GMT +7)
Mở đường phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
Thứ 6, 02/12/2022 | 14:42:15 [GMT +7] A A
Với tư duy đột phá, quyết sách đúng đắn, bước đi chiến lược và tầm nhìn dài hạn, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) của tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu về tỷ trọng đóng góp GRDP, tốc độ tăng trưởng và thu hút vốn đầu tư.
Ngày 1/9/2022, UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công Tổ hợp dự án Nhà máy sản xuất công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên). Tổ hợp dự án này gồm 2 dự án thành phần là Nhà máy điện tử Quảng Yên và Nhà máy phụ tùng động cơ máy nông nghiệp do Liên danh 2 nhà đầu tư là Công ty CP khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc) và Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Tập đoàn đầu tư Sài Gòn SGI.
Nhà máy điện tử Quảng Yên có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sản xuất tai nghe Bluetooth không dây, loa cho điện thoại di động, dự kiến đi vào hoạt động trong quý III/2023. Nhà máy phụ tùng động cơ máy nông nghiệp có tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, sản xuất vòi phun động cơ máy nông nghiệp, dự kiến đi vào hoạt động tháng 3/2024. Dự án Nhà máy điện tử Quảng Yên đã hoàn thành thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng.
Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công Tổ hợp dự án nhà máy sản xuất công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Quảng Ninh. Đây là tổ hợp dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp CBCT đầu tiên do nhà đầu tư trong nước triển khai với quy mô lớn tại KKT ven biển Quảng Yên (Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập tháng 9/2020).
Để phục vụ việc triển khai thi công dự án này, TX Quảng Yên đã tập trung hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư KCN Dịch vụ Đầm Nhà Mạc hoàn thiện các hạng mục hạ tầng.
Ông Koen Soenens, Giám đốc kinh doanh Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong (KCN Dịch vụ Đầm Nhà Mạc), cho biết, đến hết tháng 10/2022, TX Quảng Yên đã bàn giao cho doanh nghiệp hơn 200ha đất sạch. Đây là điều kiện rất quan trọng để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạ tầng thiết yếu phục vụ cho việc triển khai các dự án đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong.
Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án FDI với tổng vốn hơn 186 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 153 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10 tỷ USD. Trong đó có 91 dự án tại địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4 tỷ USD, bao gồm cả dự án đầu tư hạ tầng KCN; 62 dự án ngoài KCN, KKT, tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD.
Những con số ấn tượng trên cho thấy Nghị quyết số 01-NQ/TU thực sự đi vào cuộc sống, tạo bứt phá cho ngành công nghiệp CBCT, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ những năm đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp CBCT của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban; đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó trưởng Ban Thường trực, trực tiếp điều hành công việc hằng ngày của Ban Chỉ đạo.
Tỉnh củng cố, nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động đầu tư, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp CBCT; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, triển khai các chương trình, đề án trọng điểm.
Tỉnh tập trung quy hoạch, huy động tối đa mọi nguồn lực theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại các KCN, CCN, KKT, đảm bảo kết nối liên thông, tổng thể gắn với phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển... để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trong công tác cải cách hành chính, tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thực chất và hiệu quả nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tỉnh tích cực chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực cho các dự án khi đi vào hoạt động; đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư.
Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đang đào tạo hơn 130 ngành, nghề. Trong đó chiếm phần lớn là những ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực công nghiệp CBCT, như vận hành máy, cơ khí, điện, điện tử..., sẵn sàng cung ứng lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp.
Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ trên cơ sở những định hướng của Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngành công nghiệp CBCT của tỉnh đã có sự tăng trưởng đột phá với mức tăng trưởng cả năm 2021 là 32,19%, gần gấp đôi so với năm 2020, đóng góp 3,36 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của tỉnh. 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp CBCT của tỉnh là 10,97%.
Như vậy, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp CBCT đã đạt gần 19%/năm, cao hơn 2% so với nghị quyết đề ra là 17%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh nâng lên từ 9,9% năm 2020 lên 11,9% năm 2021 và tiếp tục tăng lên 12,3% trong 9 tháng năm 2022. Các dự án trong lĩnh vực công nghiệp CBCT đã tạo việc làm mới cho gần 1 vạn lao động, nâng tổng số 63.000 lao động làm việc trong lĩnh vực này.
Với những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi và đầy triển vọng, công nghiệp CBCT đang từng bước trở thành một trong 3 trụ cột chính của ngành công nghiệp Quảng Ninh.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()