Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:22 (GMT +7)
Sức sống mới cho những cánh rừng gỗ lớn
Thứ 2, 06/12/2021 | 08:21:27 [GMT +7] A A
Tháng 11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến 2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 19-NQ/TU). Đến nay, Nghị quyết đã có những bước đi rất vững chắc, mang lại sức sống mới cho những cánh rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Tạo lập những vành đai xanh
Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với gần 436.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp (chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh), trong đó có trên 370.000ha đất có rừng. Không chỉ là vành đai xanh bảo vệ biên giới, tạo cảnh quan thiên nhiên, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, tạo nguồn sinh thủy, lợi nhuận từ sản phẩm rừng trồng đã giúp cộng đồng dân cư khu vực miền núi, biên giới có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Để nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn, những năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm cho ngành Lâm nghiệp trong xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Vì vậy, dù là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và sôi động nhất cả nước nhưng tỷ lệ che phủ rừng đã tăng từ 38% năm 2000 và đến nay đạt 55,06%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 13,05%, đứng thứ 14/63 tỉnh thành.
Trên cơ sở vai trò, vị trí đặc biệt của ngành Lâm nghiệp và để những cánh rừng phát triển bền vững hơn, người dân ngày càng ấm no dưới những tán rừng, ngay sau khi Luật Lâm nghiệp năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Quảng Ninh đã nghiên cứu, rà soát lại các chính sách để sớm ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, một Nghị quyết chuyên biệt cho phát triển rừng. Hiện thực hóa Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 6/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND về thực hiện một số nội dung đề án phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2020 và dành 55 tỷ đồng để chi cho 15 nội dung phát triển lâm nghiệp.
Trong đó có những nội dung quan trọng như: Phương án quản lý rừng bền vững dành cho rừng đặc dụng và phòng hộ; dự án cắm mốc ranh giới rừng; xây dựng khung giá rừng; lập dự án phát triển sinh thái rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng; lập dự án xử lý thực bì rừng thông sau giai đoạn đầu tư... Dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển rừng, tiếp đó ngày 23/4/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với chính sách này, hàng năm tỉnh sẽ dành 3% dự toán chi thường xuyên để đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp, thể hiện rõ quyết tâm "phát triển xanh” của tỉnh.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nghị quyết 19-NQ/TU ra đời đã giúp cho ngành Nông nghiệp nói chung và Lâm nghiệp nói riêng có khung chính sách để tạo lập những bước đi mới, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Đi kèm với Nghị quyết là các chính sách bổ trợ để thực hiện, chắc chắn sẽ làm thay đổi toàn diện ngành Lâm nghiệp của tỉnh. Bởi khác với những giai đoạn trước đó, rừng đã được nhìn nhận đa chiều, nhiều khía cạnh từ công tác quản lý, bảo vệ rừng đến phát triển, sử dụng rừng, phát triển thương mại lâm sản, bố trí huy động các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp…
Với quyết tâm đưa Nghị quyết 19-NQ/TU và các chính sách của tỉnh vào cuộc sống, ngay lập tức các địa phương, sở, ngành liên quan đã khẩn trương ban hành các chương trình hành động và kế hoạch triển khai. Tùy theo đặc thù riêng, các đơn vị đều có những lộ trình thực hiện đi kèm với các giải pháp linh hoạt, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm để huy động tối đa mọi nguồn lực.
Ghi nhận thực tế ở huyện Ba Chẽ, địa phương chiếm tới 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh, triển khai Nghị quyết 19-NQ/TU, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trồng rừng gỗ lớn tại tất cả các xã để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; chủ động trong việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật; ký cam kết với các xã sẽ cấp đủ giống và tạo điều kiện về vốn vay cho người dân trồng rừng… Nhờ cách làm bài bản, chính sách hợp lòng dân nên nhiều người dân huyện Ba Chẽ đã nhanh chóng thay thế cây keo hiệu quả kinh tế chưa cao lại làm nghèo dinh dưỡng của môi trường đất sang nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác. Đến nay, toàn huyện đã trồng mới trên 7.000ha rừng, trong đó diện tích rừng gỗ lớn đạt gần 1.500ha (chiếm trên 20% diện tích rừng trồng mới).
Ông Chìu Chăn Thành (thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) phấn khởi cho biết: Trước đây người dân chúng tôi vẫn chủ yếu trồng keo vì sau 4-5 năm là được thu hoạch. Nhưng khi được huyện giải thích về lợi ích, giá trị của cây gỗ lớn và chính sách hỗ trợ của tỉnh, tôi cùng với nhiều hộ dân trong thôn đã quyết định thu hẹp diện tích rừng keo sang nhường chỗ cho trồng rừng gỗ lớn và các loại cây bản địa, cây dược liệu giá trị cao. Các hộ dân cũng sẽ không khai thác theo phương thức “cắt lúa non”, thay vào đó là chỉ khai thác sau chu kỳ trồng thấp nhất 12 năm để gia tăng giá trị của cây trồng.
Được biết, năm 2021 toàn huyện Ba Chẽ đã có gần 200 hộ gia đình được hỗ trợ trồng mới 300ha quế và các loại gỗ lớn khác, kinh phí trên 3,8 tỷ đồng. Để chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng mới năm 2022, nhiều hộ cũng đã đăng ký gần 1.000ha trồng mới rừng gỗ lớn. Điều này cho thấy Nghị quyết mới đã thỏa mãn và đáp ứng đúng mong mỏi, nhu cầu của người dân và với những tín hiệu tích cực bước đầu này, chắc chắn đến năm 2025, Ba Chẽ sẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu tỉnh Quảng Ninh như kỳ vọng của tỉnh.
Song song với phát triển rừng, công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên cũng là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 19-NQ/TU với việc yêu cầu bắt buộc các đơn vị phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Tính đến thời điểm trước 2020, toàn tỉnh mới có một phương án quản lý rừng bền vững. Sau khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, đến nay đã có 12/17 đơn vị thuộc diện UBND tỉnh phê duyệt đã hoàn thành xây dựng và phê duyệt phương án với tổng diện tích trên 97.000ha. Đối với các đơn vị tự phê duyệt phương án, hiện nay cũng đang tổ chức lập, trình thẩm định phê duyệt theo quy định.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc xây dựng các phương án quản lý rừng bền vững sẽ là nền tảng, kim chỉ nam để tích hợp các loại rừng vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đối với các chủ rừng có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước sau năm 2020. Từ đó, đảm bảo phát triển hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái.
Một điều đáng ghi nhận nữa là, trước khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, toàn tỉnh có 24.904ha rừng đặc dụng tập trung tại 6 khu rừng, gồm: Rừng quốc gia Yên Tử, Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Rừng thông nơi Bác Hồ dừng chân tại Yên Lập, Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ tại Hoành Bồ, Rừng bảo vệ cảnh quan chùa Lôi Âm. Năm 2020, UBND tỉnh đã quyết định thành lập rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long; năm 2021 phê duyệt nhiệm vụ thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh Quảng Nam Châu; lập đề án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên; bảo vệ chặt chẽ rừng trâm đỏ, rừng trõi nguyên sinh (huyện Cô Tô), rừng trâm (huyện Vân Đồn). Việc gia tăng diện tích rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên sẽ giúp bảo vệ các cánh rừng một cách tuyệt đối và giữ được độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu
Dọc những địa phương có diện tích rừng của tỉnh, đặc biệt là những địa phương biên giới, có thể thấy những vành đai xanh ngày càng nhiều thêm, với những thân cây gỗ lớn thẳng tắp, vươn mình trong nắng. Động lực để nhân lên những màu xanh ấy chính là tác động trực tiếp của Nghị quyết 19-NQ/TU.
Thống kê qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU, hiện toàn tỉnh đã trồng được gần 24.000ha rừng tập trung, trong đó có tới gần 1.500ha rừng gỗ lớn (tăng 10%/năm khi chưa ban hành Nghị quyết, tăng 13% so với chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra); giá trị sản xuất đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm, (tăng gần 10% so với 2018-2019); khai thác và tiêu thụ đạt trên 1 triệu m3 (tăng gần 20% so với 2018-2019, tăng 14% so với chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra); khai thác và chế biến hơn 2.500 tấn nhựa thông; khai thác, tiêu thụ gần 4.000 tấn lâm sản ngoài gỗ. Thu nhập bình quân của lao động lâm nghiệp đạt trên 70 triệu đồng/năm. Đặc biệt, những cánh rừng đã tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động lâm nghiệp, góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo.
Một số địa phương đã nhanh nhạy trong việc tận dụng, khai thác vẻ đẹp tự nhiên của rừng để tạo thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách tham gia như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Hạ Long, Đầm Hà…
Cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng; xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh, đặc biệt trong đầu tư và thu hút nguồn lực đầu tư. Điểm sáng nổi bật chính là Ba Chẽ đang thu hút thành công Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát triển khai đầu tư 2 dự án tại xã Nam Sơn là Dự án Nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu plywood, Dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. Dự kiến tổng mức đầu tư cho mỗi dự án là trên 1.000 tỷ đồng. Trong tương lai khi 2 nhà máy này được hình thành, người dân ở khu vực miền Đông sẽ gia tăng được giá trị sản phẩm khi đã có nơi tiêu thụ trực tiếp, không phải qua các khâu trung gian.
Những kết quả tích cực của 2 năm qua đang là bước chạy đà khá tốt để tỉnh sớm đặt được mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng giá trị sản xuất bình quân 8%/năm và tăng trưởng khoảng 5,5%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, qua khảo sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của cơ quan chuyên môn cho thấy, để đạt được những con số nói trên thì giai đoạn 2022-2025, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha; sản lượng nhựa thông từ 2.500 tấn/năm hiện nay lên 3.000 tấn/năm; sản lượng các lâm sản ngoài gỗ khác và dược liệu từ 3.500 tấn/năm như hiện nay lên 4.000 tấn/năm; thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm; đến năm 2025 có 5.000ha rừng lim, dổi.
Song song với các chỉ tiêu trên, đến năm 2025, các địa phương phải có 50% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa. Để từ đó đảm bảo cho khoảng 60.000-70.000 người có việc làm với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/lao động/tháng. Đồng thời cũng phải đảm bảo 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; duy trì và mở rộng các khu bảo tồn hiện có, xem xét nâng cấp các Khu dự trữ thiên nhiên và Khu bảo tồn, hiện thành lập thêm 2 Khu bảo tồn Loài - Sinh cảnh.
Chia sẻ về những giải pháp để có thể hoàn thành mục tiêu trên, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Thực tiễn sinh động trong 2 năm qua cho thấy, các địa phương cần phải tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng Nghị quyết 19-NQ/TU để người dân không còn e ngại trước việc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Sở NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh bổ sung, mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia vào Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND cho phù hợp với thực tiễn để khuyến khích trồng rừng cây bản địa, gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh và thí điểm mở rộng đối tượng chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ cây giống trồng rừng với các loài lim xanh, giổi, lát hoa, thông. Đồng thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cho chủ trương cập nhật quy hoạch lâm nghiệp vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; đăng ký với Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Ninh thu hút, đầu tư một khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng tại khu vực miền Đông của tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()