Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:27 (GMT +7)
Nghi vấn Nga phóng vệ tinh ‘sát thủ’ có thể săn và tiêu diệt các vệ tinh do thám Mỹ
Thứ 7, 06/08/2022 | 09:48:25 [GMT +7] A A
Vệ tinh 'giám sát’ mới phóng của Nga được giữ bí mật nhưng các nhà phân tích nghi ngờ nó có khả năng săn tìm và tiêu diệt các vệ tinh do thám đối thủ.
Theo trang Asia Times, Nga có thể đã phóng một vệ tinh “giám sát viên" với khả năng thực hiện các nhiệm vụ theo dõi và bắn hạ vệ tinh do thám của Mỹ.
Hôm 1/8, Nga đã phóng vệ tinh Kosmos-2558 từ Sân bay vũ trụ Plesetsk. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Kosmos-2558 là vệ tinh quân sự, sau đó được triển khai vào Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (SSO). Hiện tại vẫn chưa rõ sứ mệnh chính xác của vệ tinh này, nhưng nó được mô tả như một vệ tinh “giám sát”, một thuật ngữ thường liên quan tới cái gọi là “vệ tinh sát thủ”.
Tạp chí The Universe cho biết có một số báo cáo nói rằng nó được thiết kế để kiểm tra và theo dõi các vệ tinh khác. Một báo cáo tương tự đề cập rằng vào ngày 4/8, vệ tinh Kosmos-2558 đã tiếp cận trong phạm vi 75 km với vệ tinh USA-326 của NASA - Mỹ, vốn mang theo một tải trọng thuộc danh sách mật.
Ấn phẩm quốc phòng Warzone trích dẫn một thông cáo báo chí từ Văn phòng Trinh sát Quốc gia Mỹ (NRO) cho biết, vệ tinh USA-326 được phóng để thực hiện “các nhiệm vụ trinh sát trên không”, liên quan đến khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) trên không gian.
Bài báo cũng đề cập rằng USA-326 có thể là vệ tinh tình báo hình ảnh thế hệ tiếp theo (IMINT) - thế hệ sau của vệ tinh do thám KH-11 IMINT từng được đưa vào sử dụng từ những năm 1970.
Warzone lưu ý rằng, mặc dù Kosmos-2558 có thể là một vệ tinh theo dõi trên bề mặt, nó cũng có khả năng là một vũ khí chống vệ tinh mới được thiết kế với nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt các vệ tinh đối phương.
Theo Warzone, mặc dù việc phóng vệ tinh kiểm tra để giám sát, sửa chữa và nâng cấp các vệ tinh hiện có là hợp lý, nhưng những vệ tinh này cũng có thể được tái sử dụng thành vũ khí chống vệ tinh trên không gian.
Nguồn tin tương tự cũng lưu ý rằng bất kỳ vệ tinh nào có thể tương tác vật lý với các vệ tinh khác đều có khả năng được sử dụng làm vũ khí.
Những vệ tinh như vậy có thể được trang bị cánh tay robot để bắt hoặc đập vỡ vệ tinh của đối phương, trangbị vũ khí năng lượng định hướng như laser hoặc vi sóng công suất cao, hoặc gắn súng và tên lửa. Chúng cũng có thể được điều động để va đâm vào vệ tinh của đối phương.
Trang Space.com cho biết, vào năm 2020, hai vệ tinh của Nga đã được điều động trong phạm vi 160km với vệ tinh do thám USA-245 của Mỹ trong một động thái bị Washington chỉ trích là "bất thường và đáng lo ngại".
Điều đáng nói là các vệ tinh do thám của Mỹ rất dễ bị tấn công. Trang web quốc phòng SOFREP lưu ý rằng hầu hết các vệ tinh của Mỹ không có khả năng né tránh hoặc phòng thủ để ngăn các vệ tinh “sát thủ” tiếp cận, thậm chí phá hủy chúng.
Nga đã triển khai một kho vũ khí chống vệ tinh khá lớn kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Số này bao gồm vũ khí trên mặt đất như laser chống vệ tinh trên mặt đất Peresvet và vũ khí trên không gian như tên lửa đánh chặn Istrebitel Sputnikov, vệ tinh trang bị tên lửa Naryad và vệ tinh trang bị laser Skif-DM.
Nhà phân tích quốc phòng Juliana Suess, người Anh, lưu ý rằng việc thành lập Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2015 là một phản ứng của nước này đối với việc chuyển trọng tâm của tác chiến hiện đại vào miền không gian. Khi không gian ngày càng trở thành yếu tố thúc đẩy các hoạt động chiến đấu hiện tại, đây cũng có thể trở thành nơi xảy ra xung đột.
Bà Suess cũng lưu ý về việc thế giới hiện thiếu các quy tắc quản lý liên quan đến việc quân sự hóa không gian. Bà chỉ ra rằng Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967 - luật quốc tế hiện hành quy định việc sử dụng không gian, còn thiếu chi tiết và không quy định về các loại vũ khí thông thường.
Sự thiếu rõ ràng về chính sách này có thể cho phép không gian vũ trụ biến thành một “vùng xám” (nơi có các hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh) mới.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()