Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 18:25 (GMT +7)
Nghĩa vụ quân sự ở châu Á: Chuyển giới miễn nhập ngũ, bẻ răng trốn trách nhiệm
Thứ 6, 22/10/2021 | 16:56:45 [GMT +7] A A
Trong khi Trung Quốc hạ thấp tiêu chuẩn tuyển quân, Hàn Quốc lại tranh cãi việc bắt nữ giới đi nghĩa vụ, còn thanh niên Thái Lan đặt cược số phận vào trò may rủi.
Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của các nước khác nhau, đi kèm với đó là các quy định riêng ở từng quốc gia.
Trung Quốc 'chiều' lính trẻ
Là lực lượng vũ trang có quân số đông đảo nhất thế giới, hàng năm quân đội Trung Quốc (PLA) chiêu mộ thêm hàng trăm nghìn tân binh. Nhưng tỷ lệ sinh thấp của quốc gia tỷ dân này đang làm ảnh hưởng tới mục tiêu đề ra.
Tốc độ hiện đại hóa quân đội đặt ra thách thức cho các nhà tuyển quân Trung Quốc về việc làm thế nào đào tạo ra một thế hệ binh sĩ mới.
"Các giảng viên quân sự nhận thấy chế độ huấn luyện khắc nghiệt, nhiều điều lệ được áp dụng trong thế kỷ trước đã không còn phù hợp các tân binh sinh ra trong thế kỷ 21", Zhou Chen Ming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho biết.
"Thậm chí, một số còn dám chống đối và thách thức cấp trên khi họ không hài lòng. Quân đội buộc phải điều chỉnh. Một số giảng viên quân sự nói với tôi rằng họ lúng túng khi phải phụ trách lớp lính trẻ", Zhou nói.
Từ năm 2012, quân đội Trung Quốc bắt đầu tổ chức các buổi biểu trị liệu tâm lý để giảm bớt căng thẳng cho các binh sĩ nước này.
Thể lực của các binh sỹ là một thách thức khó khăn khác khi quân đội Trung Quốc chuyển mục tiêu tuyển quân từ năm 2000. PLA tuyển mộ những người có trình độ học vấn cao hơn so với yêu cầu trước đó để phù hợp với các trang thiết bị hiện đại và hệ thống vũ khí tân tiến hơn.
Để chỉ huy và vận hành các hệ thống vũ khí ngày càng tinh vi, PLA tuyển dụng hơn 120.000 sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm 2009. Xu hướng này đã trở thành chuẩn mực.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh tiêu chí gọi nhập ngũ để tuyển đủ các cử nhân đủ tiêu chuẩn.
Từ năm 2014, yêu cầu về chiều cao với nam giảm từ 162 cm xuống 160 cm, với nữ từ 160 cm xuống 158 cm. Các tiêu chuẩn về cận thị và thừa cân cũng được điều chỉnh.
Sau làn sóng phản đối của các binh sỹ trẻ đối với lệnh cấm sử dụng điều thoại, PLA nới lỏng quy định này vào năm 2015. Điều kiện là các binh sỹ phải cài đặt phần mềm chống gián điệp của quân đội, cho phép các trung tâm quản lý Internet giám sát chặt chẽ hoạt động của họ.
Năm 2020, PLA mở thêm đợt tuyển quân cho phép các sinh viên đại học không tìm được việc làm nhập ngũ. Để gia tăng lực lượng, PLA bắt đầu tuyển dụng các học sinh tốt nghiệp cấp 3 không đủ điều kiện vào đại học.
“Tình trạng thiếu binh sĩ hiện nay không quá nghiêm trọng, nhưng thực tế là ngày càng nhiều thanh niên thành thị có trình độ học vấn cao không quan tâm đến việc phục vụ trong quân đội”, Zhou nhận định.
"Trung Quốc trong thập kỷ qua cũng tăng cường tuyển mộ nữ quân nhân - cách tiếp cận phổ biến được các nước phát triển áp dụng", Wong nói.
Nhổ răng, tăng cân để trốn đi lính
Trong khi đó ở Hàn Quốc, nên hay không việc bắt buộc nghĩa vụ quân sự ở nữ giới vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi.
Với một nước luôn lo lắng về mối đe dọa tới từ quốc gia láng giềng, Hàn Quốc thực thi chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc để duy trì lực lượng vũ trang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Nhưng "xứ kim chi" đang đối mặt với vấn đề số lượng nhân lực đủ điều kiện nhập ngũ đang trên đà giảm nhanh với nguyên nhân một phần là do tỷ lệ sinh thấp.
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt quân số, ông Park Yong Jin- nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền ủng hộ việc bãi bỏ quy chế bắt buộc nam giới phải nhập ngũ trong 18 tháng. Thay vì đó, ông đề xuất tất cả các công dân trẻ - cả nam lẫn nữ đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo Park, gợi ý này của ông sẽ giúp số lượng binh sỹ dự bị tăng gấp 7 lần so với mức hiện tại.
Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc lâu nhất thế giới, chỉ sau Singapore, Thái Lan và Israel và Triều Tiên.
Tại Hàn Quốc, trừ một số trường hợp ngoại lệ, những thanh niên khỏe mạnh trước tuổi 28 buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Quốc gia này có khoảng 550.000 quân nhân tại ngũ và 2,7 triệu quân nhân dự bị khác. Các trường hợp đào ngũ có thể chịu án tới 10 năm tù.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tình trạng lính nghĩa vụ đào ngũ đã giảm xuống, phần lớn do quyết định cho phép binh sĩ sử dụng điện thoại di động trong doanh trại từ năm 2019.
Tuy nhiên, chế độ tập luyện khắc nghiệt kéo dài khiến nhiều nam thanh niên Hàn Quốc tìm mọi cách để từ chối.
Nhiều thanh niên nói rằng thời gian gần 2 năm trong quân ngũ là “lãng phí tuổi trẻ”, có thể khiến họ mất cơ hội tìm việc làm trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt như ở Hàn Quốc.
Để không phải đi lính, nhiều nam giới Hàn Quốc tìm cách từ bỏ quốc tịch hoặc ra nước ngoài sống cho tới 37 tuổi - độ tuổi đàn ông Hàn Quốc được miễn nghĩa vụ quân sự.
Điển hình cho trường hợp này có nam ca sỹ Yoo Seung Joon (Steve Yoo). Khi được gọi nhập ngũ vào năm 2002, giọng ca sinh năm 1976 bỏ quốc tịch Hàn và nhập tịch Mỹ.
MC Mong (Shin Dong Hyun) - một nam rapper đình đám hứng bão chỉ trích khi bị phanh phui hoãn nghĩa vụ quân sự tới 7 lần. Các lý do mà MC Mong đưa ra để trì hoãn nhập ngũ là lưu diễn nước ngoài, tai nạn... Anh này thậm chí còn cố tình nhổ 12 cái răng để bị đánh trượt khỏi kỳ xét tuyển nhập ngũ. Theo luật Hàn Quốc, nam công dân mất 9 chiếc răng sẽ không phải đi nghĩa vụ.
Cũng bị khán giả quay lưng còn có rapper Don Mill. Don cố tình ăn thật nhiều để tăng trọng lượng cơ thể lên 116 kg - quá tiêu chuẩn để bị gọi đi lính.
Trò chơi may rủi
Tại Thái Lan, tất cả các nam công dân khi đến 21 tuổi đều phải tham gia kỳ tuyển quân tổ chức tháng 4 hàng năm.
Ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 thanh niên nhập ngũ. Chỉ những người không đủ điều kiện sức khỏe, mắc bệnh tâm thần hoặc những người thay đổi đáng kể diện mạo như người chuyển giới mới được miễn đi lính. Các sinh viên có thể trì hoãn đi nghĩa vụ trong thời gian học tập nhưng sẽ phải tham gia sau khi chương trình học kết thúc.
Một số người Thái Lan giàu có với nhiều mối quan hệ sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để con trai họ không phải trải qua những ngày tháng trong quân ngũ trong khi với những gia đình không mấy khá giả, khoản tiền trợ cấp lên tới 9,000 bath (hơn 6,5 triệu)/tháng là một cách để cải thiện mức sống và là hình thức rèn luyện cho con trai mình.
Trong khi nhiều người tình nguyện tòng quân trong 6 tháng, không ít nam thanh niên không muốn nhập ngũ và thử vận may bằng cách tham gia một chương trình bốc thăm may rủi.
Cuộc chơi rất đơn giản, người khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được bốc thăm trong chiếc thùng có chứa cả thẻ đỏ và thẻ đen. Ai may mắn bốc trúng thẻ đen, người đó được miễn nghĩa vụ quân sự. Những ai bốc phải thẻ đỏ sẽ phải đi lính 2 năm và nhiều khả năng bị điều đến khu vực miền Nam bất ổn.
Các cuộc bốc thăm này diễn ra hàng năm, kéo dài trong 10 ngày tại các trung tâm tuyển quân trên toàn quốc và thu hút sự tham gia của hàng nghìn thanh niên.
Mỗi năm, trước khi chương trình bốc thăm diễn ra, điện thờ Ya Nak (Bà Nak) bên trong chùa Wat Mahabut ở thủ đô Bangkok luôn tấp nập người qua lại. Những người sợ đi lính hoặc gia đình của họ tới đây để cầu nguyện không phải đi nghĩa vụ quân sự.
Thái Lan cũng quy định miễn nghĩa vụ quân sự cho người chuyển giới. Nhưng định kỳ hàng năm, các trường hợp này sẽ phải mang giấy tờ xác nhận việc đã chuyển giới tới các điểm khám sức khỏe phục vụ việc tuyển quân. Việc này cần được thực hiện hàng năm, cho tới khi các người đẹp bước qua tuổi 26.
Các trường hợp mang giới tính thứ 3 nhưng chưa phẫu thuật chuyển giới vẫn sẽ phải đi tòng quân và thường trở thành đối tượng bị quấy rối.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()