Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:09 (GMT +7)
Nghịch lý của “Mai” và “Đào, phở và piano”
Thứ 4, 21/02/2024 | 09:15:58 [GMT +7] A A
Việc cùng lúc ra rạp, theo những cách thức khác nhau, đạt doanh thu khác xa nhau đã khiến bộ phim “Đào, phở và piano” và “Mai” tái hiện sinh động hơn bao giờ hết những vấn đề bất cập trong sản xuất phim, phát hành phim theo phương thức nhà nước đặt hàng vốn đã gây tranh cãi hàng mấy thập kỷ.
Nghịch lý của số phận
“Đào, phở và piano” vốn được chiếu ra mắt từ tháng 10.2023, cùng thời điểm với “Đất rừng phương Nam” (cũng có sự tham gia của Trấn Thành) và lập tức bị sức hút của bộ phim này làm cho chìm nghỉm.
Ra mắt tháng 10 trong chuỗi kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, “Đào, phở và piano” là tác phẩm do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim được đầu tư kinh phí 20 tỉ đồng.
“Đào, phở và piano” cùng với một dự án đặt hàng khác là “Hồng Hà nữ sĩ” chọn vụ mùa Tết Nguyên đán để ra rạp. Tại đây, hai phim nhà nước lại “đụng độ” với sức mạnh áp đảo của “Mai” - vẫn là tác phẩm khác của Trấn Thành.
Mùng 1 Tết, “Mai” càn quét khắp các hệ thống rạp. “Đào, phở và piano” cùng với “Hồng Hà nữ sĩ” chỉ có 3 suất chiếu khiêm tốn tại một rạp duy nhất là Trung tâm chiếu phim quốc gia.
“Mai” với chiến lược ra rạp rầm rộ, “tiền hô hậu ủng” với sự tiếp sức của dàn sao đình đám đã thể hiện sức mạnh “vô tiền khoáng hậu”, có những ngày đoạt doanh thu hơn 40 tỉ đồng.
“Đào, phở và piano” với 20 tỉ đồng làm phim, không có tiền quảng bá, lặng lẽ ra rạp. Bỗng nhiên, phim may mắn được một tiktoker review và vụt trở thành hiện tượng, thu hút đông đảo khán giả.
Ngày 18.2, thông tin website đặt vé của Trung tâm chiếu phim quốc gia bị sập vì lượng người đặt xem “Đào, phở và piano” quá đông đã nhanh chóng được lan truyền, tạo thêm hiệu ứng truyền miệng, gây tò mò theo cấp số nhân khiến ngày 20.2, khán giả xếp hàng dài chưa từng có ở Trung tâm chiếu phim quốc gia để đợi xem các suất chiếu “Đào, phở và piano”.
Tuy nhiên, đến tối 20.2, doanh thu của “Đào, phở và piano” mới chỉ dừng ở 505 triệu đồng, trong khi đó, doanh thu của “Mai” đã sắp sửa cán mốc 400 tỉ đồng.
Ở một “chiến tuyến” khác, phim tư nhân “Gặp lại chị bầu” dù bị “Mai” đánh bại về suất chiếu vẫn đạt 66 tỉ đồng doanh thu tính đến ngày 20.2, trong khi “Hồng Hà nữ sĩ” với 3 suất chiếu, chỉ bán được khoảng 50 vé/ngày.
Doanh thu của các phim nhà nước được thông báo sẽ nộp lại ngân sách. Nếu tính sòng phẳng, cả 2 dự án đều đang thua lỗ nghiêm trọng. Như những dự án phim khác, để sinh lời, “Đào, phở và piano” cần phải đạt được doanh thu trên 40 tỉ đồng, nhưng phim chưa thu nổi 1 tỉ đồng.
“Mai” vẫn đang hái ra tiền cho Trấn Thành, với gần 400 tỉ đồng doanh thu, nam diễn viên có hơn 100 tỉ đồng tiền lãi (sau khi trừ chi phí cho rạp chiếu và chi phí sản xuất).
Sống mòn
“Đào, phở và piano” như bao dự án đặt hàng khác, lấy đề tài lịch sử, chiến tranh. Phim đặt bối cảnh câu chuyện trong những năm 1946-1947 khi cuộc chiến của quân dân Hà Nội đang trong giai đoạn khốc liệt.
Với 20 tỉ đồng đầu tư - hẳn nhiên sẽ là mức kinh phí hạn hẹp cho một dự án phim chiến tranh, khi mà Trấn Thành bỏ đến 50 tỉ đồng để sản xuất một phim tâm lý tình cảm.
Câu chuyện đội tuyển bắn súng của Việt Nam còn không có đạn để tập luyện từng được đưa ra khi giới làm phim “than vãn” về nỗi khổ làm phim chiến tranh, phải đi thuê mướn khí tài, đạn dược đắt đỏ.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói: “Thế giới làm phim chiến tranh có thể tốn đến hàng trăm triệu USD, bởi chi phí cho dạng phim lịch sử, phim chiến tranh tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Khi tôi làm phim “Những người viết huyền thoại” đã phải đi khắp nơi nhờ vả sự hỗ trợ từ quân đội. Từ tái dựng bối cảnh, đến quân trang, vũ khí, đạn dược, xe tăng, quả nổ, trực thăng... nếu đầu tư sẽ tốn khủng khiếp. Trận chiến càng khốc liệt sẽ càng tốn kém”.
Xem “Đào, phở và piano” cũng có thể nhận ngay ra sự “nghèo khó”. Phim được dàn dựng với công nghệ kỹ xảo thô sơ, cảnh cháy nổ lộ liễu, không tạo đủ hiệu ứng cần có.
Chưa kể đến lối làm phim cũ, cách xếp đặt bối cảnh, nhân vật tạo cảm giác sân khấu. Từ cách thoại và diễn xuất của nhiều diễn viên cũng bị sân khấu hóa, đặc biệt nữ chính.
Kinh phí hạn hẹp khiến phim đặt hàng xoay xở với đủ nỗi khổ, thiếu thốn.
Nếu không may mắn được một tiktoker review (bình luận), số phận của “Đào, phở và piano” có thể cũng sẽ như “Hồng Hà nữ sĩ”, như tất thảy những dự án đặt hàng trước đó, đều bán số vé ít ỏi, doanh thu “có như không”.
Trong bối cảnh thực hiện công nghiệp văn hóa, trong đó điện ảnh thuộc 12 ngành mũi nhọn với hoài bão kiếm tiền cho GDP, hơn bao giờ hết, câu chuyện nhà nước bỏ tiền sản xuất phim chỉ để chiếu kỷ niệm và cất kho cần phải được bàn lại.
Nói như TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, “Phim ra rạp cần phải có doanh thu, cần phải sinh lời, dù là phim tư nhân hay nhà nước. Nguồn kinh phí sản xuất phim cần được xã hội hóa, nhà nước và tư nhân cùng làm. Đã đến lúc, các nhà làm phim phải thay đổi về mặt tư duy, phải bán thứ khán giả cần, phải theo kịp thị hiếu khán giả”.
Để giải quyết bài toán kinh phí, mỗi nhà làm phim sẽ phải tìm cách vận động, kêu gọi tài trợ, huy động vốn từ nhiều nguồn.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng,: “Khi phải chịu sức ép về doanh thu, chịu trách nhiệm về đồng tiền bỏ ra làm phim, mỗi đạo diễn sẽ nỗ lực cố gắng, tìm tòi để làm ra tác phẩm tốt nhất có thể”.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()