Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 21:22 (GMT +7)
“Nghịch lý” dạy thêm - học thêm
Chủ nhật, 13/05/2012 | 04:53:28 [GMT +7] A A
Những ngày cuối năm học, chuẩn bị cho thi cử, việc dạy thêm, học thêm (DTHT) lại “nóng” lên. Mặc dù ngành Giáo dục và UBND tỉnh đã có những quy định rất chặt chẽ về DTHT, song tình trạng “DTHT chui” vẫn diễn ra, xem chừng khó mà kiểm soát nổi…
Một điều ai cũng thừa nhận là DTHT thì không có gì xấu cả. Chưa nói những tấm gương tình nguyện mở các lớp học miễn phí cho con trẻ ở các làng quê hẻo lánh; ngay cả những người DTHT để tăng thu nhập cũng là một việc làm hoàn toàn chính đáng! Vậy tại sao cái công việc “chính đáng” ấy thời nay lại bị coi là “vấn nạn”? Người ta vẫn tổ chức các lớp “DTHT chui”?
Trả lời câu hỏi này thực ra không khó. “Vấn nạn” không phải ở việc DTHT mà là ở sự lợi dụng DTHT vì những mục đích phi giáo dục! Thế nhưng lại hỏi: - Vậy tại sao đã “phi giáo dục” mà những bậc phụ huynh cũng như học sinh lại vẫn muốn “học thêm chui”? Theo chúng tôi, cái gốc của sự “nghịch lý” này nằm ở nội dung chương trình chính khoá. Chẳng phải người ta chỉ muốn “thêm” khi chưa “đủ” đó sao? Với DTHT cũng vậy thôi; loại trừ những hiện tượng ép học sinh học thêm một cách miễn cưỡng, thì với một học sinh trung bình, nhất là những học sinh cuối cấp, nếu chỉ học chính khoá không thôi, khó có thể đáp ứng được yêu cầu thi cử, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi đại học... Rõ ràng đây là một bất cập mà nếu không giải quyết tận gốc thì dù có thắt chặt quản lý thế nào, “DTHT chui” vẫn diễn ra. Một khi chương trình chính khoá đã đáp ứng đủ nhu cầu thì không cần quản lý, DTHT vẫn tự nó chấm dứt (còn nếu có thì lại càng đáng hoan nghênh, bởi DTHT lúc ấy là nhằm mục đích giáo dục thực sự, như bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu v.v..). Tất nhiên để đạt được điều đó, cần có một “cuộc cách mạng” về nhận thức, phương pháp giáo dục v.v.. mà không phải ngày một ngày hai có thể làm được. Nhưng theo thiển nghĩ của chúng tôi, khi chưa giải quyết được “tận gốc”, thì trước mắt, các trường học trên cơ sở thực tế ở trường mình, nên có một kế hoạch DTHT phù hợp, thiết thực và hiệu quả nhất. Đặc biệt cần kiểm tra, quản lý thu - chi tài chính chặt chẽ, minh bạch, tránh tình trạng tiêu cực xảy ra. Làm sao để mỗi buổi DTHT, mỗi tiết DTHT thực sự bổ ích; các phụ huynh và học sinh đóng góp tiền để học thêm không phải “lăn tăn”; còn các giáo viên đứng lớp cũng thấy mình xứng đáng với khoản thù lao được hưởng...
Một khi DTHT ở các trường học được tổ chức quy củ như thế thì chẳng ai còn nghĩ đến việc “DTHT chui”...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()