Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:33 (GMT +7)
Nghịch lý giá chung cư
Thứ 6, 12/01/2024 | 10:27:14 [GMT +7] A A
Mặc dù ngành bất động sản nhận được nhiều sự hỗ trợ, nhưng giá chung cư không những không giảm, mà còn bị đẩy lên quá cao.
Giá chung cư tại Hà Nội có nơi được đẩy tăng gần 80% sau 2 năm, nhưng giao dịch thực tế lại nhỏ giọt. Ngành ngân hàng liên tục giảm lãi suất, hỗ trợ cho vay mua nhà, nhưng các doanh nghiệp bất động sản không chú trọng xây dựng phân khúc bình dân. Mặc dù giá vật liệu xây dựng như thép giảm về mức thấp nhất 3 năm qua, người tìm mua nhà để ở gặp khó, trong khi nhóm đầu cơ, trung gian lại hưởng lợi.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ việc rà soát khuôn khổ pháp lý cho đến ngành ngân hàng tạo điều kiện hạ lãi suất cho các doanh nghiệp bất động sản, hay cơ cấu lại giá, các chương trình khuyến mại, khuyến khích nhà đầu tư, người dân mua nhà, kinh doanh bất động sản. Dù ngành bất động sản nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, nhưng giá chung cư không những không giảm, mà còn bị đẩy lên quá cao.
"Đồng lương 2 vợ chồng khoảng 30 triệu đồng, chỉ để ra được 8 - 10 triệu đồng/tháng để trả tiền nhà. Để mua một nhà chung cư chỉ khoảng 2 - 3 tỷ đồng chẳng biết bao giờ mới trả xong tiền nhà, anh nghĩ phải 20 chục năm", anh Đồng Trung Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ.
"Theo như em thấy giới trẻ sẽ khó tiếp cận nhà, khó có thể mua bởi vì thu nhập, kinh tế khó khăn. Giá nhà chung cư các khu cao cấp bây giờ tăng quá cao. Trung cấp cũng cao. Trung cấp có thể là 2 tỷ đồng thì 2 vợ chồng công chức mua cũng khá vất vả", anh Phi Quốc Hoàn, quận Long Biên, Hà Nội, nêu quan điểm.
"Giá nhà hiện nay có những cái chính chúng tôi làm về bất động sản, chúng tôi cũng không ngờ giá nhà lên kinh như thế. Có những chung cư, nhà cao tầng những 200 triệu đồng/m2 đến hơn 200 triệu đồng/m2 thì chúng tôi không thể tưởng tượng tại sao giá nhà cao đến như thế, như vậy có phần nào hot quá và bất hợp lý", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhận định.
Hà Nội thuộc nhóm thủ đô khó mua nhà nhất thế giới
Theo dữ liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, Hà Nội đứng hàng đầu Đông Nam Á về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động.
Từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ này không ngừng tăng, vượt cả Singapore. Giá căn hộ sơ cấp Singapore năm 2020 tương đương trên 15 năm thu nhập bình quân hộ gia đình. Trong khi tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan, chỉ số này có dấu hiệu giảm.
Còn giá một căn nhà chung cư tại nội thành Hà Nội tăng 77% trong năm qua, hiện tương đương 45 năm thu nhập bình quân của người lao động. Vì vậy, Hà Nội lọt vào nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất thế giới. Đây là công bố của NetCredit - nền tảng thuộc công ty công nghệ Enova International tại Mỹ vừa đưa ra.
Trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới tại Hà Nội đạt khoảng gần 51 triệu đồng/m2, tăng 14% năm. Việc tăng giá nhà đang cao hơn gấp đôi mức tăng thu nhập trung bình của người dân Thủ đô.
Trung Quốc kiềm chế đà tăng giá chung cư
Giá nhà chung cư tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, cách đây vài ba năm, đã tăng gấp 10 - 12 lần so với cách đây 2 thập kỷ. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, giá nhà chung cư đã có phần hạ nhiệt. Nguyên nhân là nhờ chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách và giải pháp nhằm hạn chế đà tăng phi mã của giá chung cư.
Trước đà tăng phi mã của giá nhà chung cư, Chính phủ Trung Quốc đang kiên trì theo đuổi chính sách nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ cùng nhiều chính sách đồng bộ để kiểm soát giá nhà không tăng phi lý.
Năm 2020, Bắc Kinh đã đưa ra chính sách "Ba lằn ranh đỏ" để kiểm soát hoạt động đi vay của các doanh nghiệp bất động sản, yêu cầu họ phải đáp ứng các mục tiêu tài chính cũng như áp đặt giới hạn cho vay với các ngân hàng.
Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả dưới 70% giá trị tài sản; tỷ lệ nợ ròng dưới 100% vốn chủ sở hữu; sở hữu tiền mặt lớn hơn hoặc bằng nợ ngắn hạn. Điều này giúp hạn chế hiện tượng gom hàng, thổi giá của các doanh nghiệp bất động sản. Thêm vào đó, chính quyền cũng có chính sách đánh thuế cao vào người sở hữu căn nhà thứ hai trở đi nhằm hạn chế việc đầu cơ nhà.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng đẩy mạnh thúc đẩy mô hình nhà ở cho thuê hay công ty trợ cấp một phần tiền thuê nhà cho người lao động, nhờ vậy sẽ giảm bớt áp lực về việc mua nhà cho giới trẻ.
Ngoài ra, để hạn chế việc gây tắc đường trong khu vực nội đô, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc cũng hạn chế việc cấp phép cho các dự án xây dựng nhà chung cư cao tầng trong khu trung tâm. Thay vào đó, chính quyền cũng phát triển các tiện ích, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện kết nối từ các khu vùng ven đến trung tâm. Điều này khiến không ít người dân đã lựa chọn mua chung cư ở ngoại ô với giá cả phải chăng.
Quy luật cung - cầu là quy luật tất yếu, nhưng lợi dụng nhu cầu cơ bản nhất của người dân về một chỗ an cư để đẩy giá bất chấp, kiếm chác trên mồ hôi nước mắt của đồng bào cần phải nhìn lại.
Bạo phát giá nhà, mua qua bán lại, trung gian kiếm lợi, trong khi người cần không có để mua. Nhà nước tạo điều kiện cho người dân có thể mua nhà, nhưng tất cả những điều đó lại làm lợi cho những người đầu cơ nhà đất. Để những nghịch lý trở nên thuận chiều, các cơ quan có thẩm quyền và các bộ, ngành có liên quan cần can thiệp, chỉnh đốn.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()