Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 02:05 (GMT +7)
Thảo luận tại tổ và hội trường: Đại biểu hiến kế
Thứ 6, 16/07/2021 | 14:59:41 [GMT +7] A A
Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh ghi nhận sự thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND tỉnh và khách mời trong thảo luận tại tổ và hội trường về đánh giá, phân tích những mục tiêu, giải pháp phát triển KT-XH đề ra trong năm 2021. Đại biểu cũng nhất trí cao với mục tiêu năm 2021 của tỉnh, đó là: Tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, phấn đấu GRDP của tỉnh đạt trên 2 con số, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) không thấp hơn 51.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá đa chiều
Các đại biểu khẳng định, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và có sự phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng Sông Hồng, là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao của cả nước.
Trong đó, động lực tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của khu vực công nghiệp, với mức tăng trưởng 38,95% so với cùng kỳ, vượt 17,6% kịch bản đề ra, đã bù đắp cho khu vực dịch vụ, nhất là ngành du lịch do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm của ngành Than và Điện.
Ngoài ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng cao, đạt 4,02% (cùng kỳ đạt 3,1%). Thu NSNN đến ngày 5/7/2021 đạt 23.300 tỷ đồng, bằng 46% dự toán, bằng 92% cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 18.209 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, bằng 100% cùng kỳ.
Có được những kết quả trên, các đại biểu đánh giá cao những quyết sách chỉ đạo, điều hành của tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đại biểu cũng ghi nhận những đóng góp của lực lượng ở tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian truân, vất vả ngày đêm, hi sinh hạnh phúc cá nhân, thực hiện kiểm soát tại các chốt phòng, chống dịch, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19.
Bên cạnh ghi nhận, phân tích những kết quả đạt được, các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận, nêu một số vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm. Đại biểu Vũ Quyết Tiến, Tổ đại biểu TX Đông Triều, cho rằng: Chất lượng đội ngũ CBCC toàn tỉnh có phần giảm sút, hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới; công tác CCHC chưa đạt theo yêu cầu; số hồ sơ giải quyết TTHC quá hạn trong 6 tháng đầu năm tăng cao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Về lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Thể, Tổ đại biểu TX Đông Triều, cho rằng: Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ phá sản do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19; nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng còn khó khăn; các chủ doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp có số đông lao động chưa được tiếp cận tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Ngoài ra, nhiều đại biểu còn cho rằng, công tác quản lý đất đai cũng còn hạn chế, trong đó có việc chưa phân định rõ ranh giới đất quản lý của ngành than và của địa phương; một số khoản thu nội địa chưa đảm bảo tốc độ thu bình quân như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lệ phí trước bạ, thu tiền sử dụng đất; tình hình vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh thiếu niên và xâm hại trẻ em có xu hướng tăng;...
Đồng thuận, thống nhất cao mục tiêu năm 2021
Phát biểu tại Tổ thảo luận số 1, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phân tích: Dự báo tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, Quảng Ninh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng vẫn có nhiều cơ hội, dư địa để phát triển. Bởi Quảng Ninh có tiềm năng lợi thế về diện tích các khu công nghiệp, khu kinh tế, hệ thống giao thông kết nối, hệ thống cửa khẩu, cảng biển... sẽ tạo ra những cơ hội rất lớn cho tỉnh. Cùng với đó, ngành du lịch, dịch vụ vẫn là thế mạnh; nông, lâm, thủy sản phát triển thuận lợi vì đang kết nối tiêu dùng; đặc biệt là ngành công nghiệp đang phát huy vai trò trụ cột tăng trưởng khi các dự án chế biến, chế tạo đã và đang đi vào hoạt động, năng lực sản xuất mới ngày càng gia tăng... Vì vậy, trong thời điểm này, toàn tỉnh phải giữ vững niềm tin vào những quyết sách, phải xem những khó khăn thách thức trở thành động lực; tận dụng mọi cơ hội trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh để giữ vững và thúc đẩy tăng trưởng của các ngành kinh tế trụ cột, tận dụng cơ hội trong dịch bệnh để phục hồi các ngành dịch vụ, du lịch.
Với mục tiêu năm 2021 giữ vững địa bàn an toàn, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 2 con số và thu NSNN không thấp hơn 51.000 tỷ đồng, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá trong những tháng cuối năm. Đại biểu Vũ Đình Nhân, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả, cho rằng: Cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quy tắc “5K + vắc-xin”; tuyên truyền kết quả công tác tiêm phòng vắc-xin; Sở Y tế tập huấn cho lực lượng y tế trường học để huy động khi cần thiết trong thực hiện lấy mẫu xét nghiệm; sử dụng hiệu quả hồ sơ khai báo y tế toàn dân; động viên kịp thời đối với tổ phòng, chống Covid-19 trong cộng đồng.
Liên quan đến thu NSNN, các đại biểu thống nhất cần tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị ngành Than, điện trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tìm kiếm đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho các doanh nghiệp; phát huy hiệu quả, thu hút đầu tư trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đại biểu Cao Ngọc Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, đề xuất: Để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2021, đối với ngành Than, với chỉ tiêu tỉnh giao từ đầu năm là đạt 45,5 triệu tấn than sạch, cần phải có sự kiểm đếm thường xuyên và có kế hoạch chi tiết, cụ thể, cũng như sự đồng thuận và xác định rõ từ các doanh nghiệp ngành Than của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc. Đối với ngành Điện, Bộ Công Thương giao đầu năm 35 tỷ Kwh, trong kế hoạch đã xác định đạt 38,5 tỷ Kwh. Để đạt được kế hoạch đề ra cần phải có kế hoạch chi tiết, làm rõ phần chênh lệch này giao ở đâu, cần chỉ rõ địa chỉ là nhà máy điện nào, lộ trình phát triển như thế nào.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, đây được coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm bù đắp một phần cho tăng trưởng kinh tế của ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Với mục tiêu đến 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch, tuy nhiên đến hết tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước mới đạt trên 38% kế hoạch. Do vậy, các đại biểu cho rằng, cần phải quyết liệt, có chế tài xử lý đối với người đứng đầu, chủ đầu tư, nhà thầu để giải ngân vốn chậm tiến độ.
Đại biểu Cao Tường Huy, Tổ đại biểu huyện Vân Đồn, cho rằng, đến 30/6, địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, giám đốc các ban dự án và phải có chế tài xử lý thích hợp. Từ đó, đại biểu đề nghị, từ nay đến cuối năm, các chủ đầu tư cần tăng cường trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công, đến 30/9 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến các nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với nội dung đã trình bày, trong đó đánh giá rất cao 2 nghị quyết: Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và quy định mức chuẩn, chính sách trợ giúp xã hội chưa quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là 2 nghị quyết thể hiện tính kế thừa, tính nhân văn sâu sắc của tỉnh, khẳng định cho quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh không để ai bị bỏ lại phía sau.
Góp ý vào nội dung tờ trình Nghị quyết về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vũ Kiên Cường cho biết, việc bố trí, cân đối nguồn lực thực hiện chính sách phải căn cứ vào tình hình của các địa phương. Trong đó, phải làm rõ cơ chế điều hành, cách thức phân bổ, nguyên tắc phân bổ; việc đầu tư cần lựa chọn những công trình thiết yếu, trọng tâm, trọng điểm đảm bảo tính liên thông tổng thể, tạo động lực cho 3 mục tiêu phát triển là thúc đẩy du lịch, phát triển hạ tầng đô thị và hỗ trợ vùng sản xuất.
Những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, không né tránh khó khăn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp sẽ giúp HĐND tỉnh thống nhất ban hành các nghị quyết về chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, cũng như hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Mạnh Trường - Thu Chung - Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()