Tất cả chuyên mục

55 năm về trước, Bác Hồ ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Ngọc Vừng và ân cần căn dặn: "Phải làm giàu kinh tế trên đảo, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống trên đảo". Thực hiện di huấn của Người, quân và dân trên đảo đang ra sức từng ngày làm cho đảo ngọc quê hương ngày càng giàu có và tươi đẹp.
![]() |
Phối cảnh Dự án FLC Ngọc Vừng. |
TIỀM NĂNG "NGỦ KỸ"
Chúng tôi đến Ngọc Vừng và được bố trí nghỉ ở Khách sạn Đảo Ngọc Xanh, nằm ngay trung tâm xã, nhìn ra bãi biển Trường Chinh. Nhân viên lễ tân Khách sạn cho biết: "Khách sạn có 23 phòng. Vào cuối tuần, khách nghỉ kín phòng. Ở Ngọc Vừng bây giờ có 2 khách sạn như thế. Còn nhà nghỉ mini thì nhiều vô kể. Vào mùa du lịch, nhiều nhà dân cũng tận dụng phòng ở cho khách trọ".
Gác lại câu chuyện với lễ tân Khách sạn, tôi lao ngay ra biển. Quả đúng như nhiều người ngợi ca: Biển Ngọc Vừng nước trong xanh, bờ cát dài phẳng lặng, mềm mại dưới chân. Những cặp tình nhân thả đôi chân vui chơi thỏa thích cũng không thấy biển vẩn đục, không bị cát Ngọc Vừng dính chân lúc lên bờ. Ai đó bảo, bãi biển Trường Chinh cong vòng như một mảnh trăng khuyết được tô điểm với hàng phi lao rì rào. Tôi lại thấy, bờ biển như một đường cong thiếu nữ chớm tuổi xuân thì.
Nhưng, biển chưa phải là tất cả giá trị của hòn đảo này. Ngọc Vừng rộng khoảng 45km2, đất rộng, dân thưa, đủ sức gọi mời những bước chân ưa khám phá. Ngọc Vừng như một bức tranh có sự phối màu, hòa sắc khéo léo. Bàn tay con người đã tạo dựng những sắc màu tươi đẹp, xen lẫn với sắc màu tự nhiên. Tôi nhớ, trước khi đến đây, đã nghe ai đó ví von: "Ngọc Vừng đẹp như một tấm khăn choàng nhung, có nhiều đường diềm sáng nổi bồng bềnh trên sóng nước".
![]() |
Xã đảo Ngọc Vừng có tiềm năng về du lịch, nuôi trồng thủy, hải sản. |
Ngọc Vừng còn có tỏi, khoai lang, củ kiệu, hải sản, được du khách rất ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Hồng Thư, Bí thư Đảng ủy xã, cho hay: Chúng tôi đang tập trung cho các hộ dân đầu tư vào nuôi trồng các loại nhuyễn thể như: Ốc, tu hài, hàu biển và nuôi cá song. Vùng quy hoạch nuôi trồng thủy, hải sản tập trung ở các thôn: Ngọc Lam, Bình Minh, Ngọc Hải.
Ngọc Vừng đẹp và giàu tiềm năng, nhưng dường như người dân Ngọc Vừng vẫn chưa quen với tư duy làm du lịch. Khách sạn tôi ở, không ti vi, wifi, truyền hình cáp, thang máy cũng không có. Có ông khách lớn tuổi, đêm không ngủ được, muốn xem ti vi thì lễ tân hướng dẫn đổi phòng. Có một phòng có ti vi nhưng ông lão phải leo bộ lên tầng cao hơn, rồi lại leo xuống vừa đi vừa thở, lắc đầu than phiền rằng, ti vi chỉ bắt được vài ba kênh tậm tịt. Ngay cả UBND xã cũng không wifi. Muốn nhận văn bản điện tử thì phải phát 3G. Đã thế, sóng 3G cũng yếu. Anh bạn tôi ra Ngọc Vừng, có việc phải gửi tài liệu qua mail, bèn chạy mấy cây số ra cầu cảng mới "bắt" được sóng 3G để vào mạng. Tôi sợ rằng, du khách ra đảo du lịch kiểu "đi bụi", muốn vào mạng tra bản đồ để tìm đường đi cũng không biết xoay sở kiểu gì.
Đêm xuống, ông Nguyễn Quang Vinh, Đại tá quân đội nghỉ hưu, một người con của Ngọc Vừng về thăm quê, rủ tôi đi dạo. Thấy vậy, cậu lễ tân nhắc nhở "đừng ra biển, gần rừng phi lao nhiều rắn lắm". Quả vậy, Ngọc Vừng về đêm quá vắng, cây cối um tùm. Đêm tĩnh lặng nghe trọn tiếng ếch nhái ộp oạp, tiếng sóng xô vào ghềnh đá ầm ì. Trên bờ, vài ngọn đèn đường lúc sáng, lúc không. Du khách dù muốn xuống đường cũng chần chừ ngại bước.
Ông Vinh kể, 55 năm trước, khi Bác Hồ ra thăm đảo, ông là một trong những người lính bảo vệ Bác. Nhờ đó, ông nhớ mãi lời căn dặn của Người về làm giàu kinh tế trên đảo. Nhưng một con người cả đời binh nghiệp như ông Vinh vốn xa vời với chuyện làm kinh tế. Ông bảo, ông muốn quê hương mình ngày càng giàu có, du lịch ngày càng phát triển. Ông Vinh dẫn tôi đi trên bãi biển Trường Chinh trải dài gần 3 km hoang sơ. Lần nào về thăm quê, ông Vinh cũng nghĩ tại sao Ngọc Vừng có nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy mà lại chưa được "đánh thức".
Thực ra, trong quá khứ, Ngọc Vừng đã từng có cơ hội để bứt phá. Ông Nguyễn Quang Vinh kể, cách đây hơn chục năm, Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc ngỏ ý muốn đầu tư, biến Ngọc Vừng thành đảo thiên đường nhưng không làm được. Giờ, may sao đã có nhà đầu tư từ ngay trong nước chú ý đến Ngọc Vừng, đó là Tập đoàn FLC. Cầm bản đồ quy hoạch Ngọc Vừng tỷ lệ 1/2.000 từ tay cậu lễ tân Khách sạn đưa cho, ông Vinh nói mà như reo: “Cơ hội phát triển mới của đảo ngọc đây rồi. Ngọc Vừng nhất định sẽ cất cánh”. Ông Vinh đã mơ đến điều đó từ lâu lắm rồi.
![]() |
Ngư dân Ngọc Vừng cào ngao buổi sớm trên bãi biển Trường Chinh. |
ĐỂ NGỌC VỪNG PHÁT SÁNG
Ông Vinh đã nghĩ, đã mơ nhưng cũng chỉ mơ thôi chứ không biết hiến kế cho Ngọc Vừng được hướng đi nào. Bởi vậy, ông rất tâm đắc với dự án của tập đoàn nọ đang định đầu tư vào Ngọc Vừng. Rồi đây, Ngọc Vừng sẽ là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng ở phía Nam của Đặc khu Vân Đồn. Không lâu nữa, Ngọc Vừng là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, quần thể du lịch có tính cộng đồng với môi trường sống thân thiện và hệ sinh thái đa dạng. Phát triển du lịch nhưng Ngọc Vừng sẽ không mất đi hệ sinh thái rừng và vùng ngập mặn ven biển.
Nhận thấy được những tiềm năng lớn của Ngọc Vừng, FLC dự định đầu tư vào nơi đây với số vốn dự kiến lên tới 46 nghìn tỷ đồng, để biến đảo thành một khu du lịch nổi tiếng và đắt giá nhất cả nước. Ở Ngọc Vừng, rồi sẽ có các dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế, các khu mua sắm sang trọng, trung tâm giải trí cao cấp, dịch vụ văn phòng, hội thảo, dịch vụ tài chính, các khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ thể thao và du thuyền, v.v.. Nhưng các dịch vụ đó luôn đi liền với hoạt động cộng đồng, như: Lễ hội, thi đấu thể thao, hội chợ, quảng trường, v.v..
![]() |
Du khách tham quan Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng. |
Và Ngọc Vừng cũng không còn xa xôi nữa. Để kết nối với các vệ tinh xung quanh, chiến lược phát triển giao thông cho Ngọc Vừng đã được vạch ra: Xây dựng thêm bến tàu, bến phà cao tốc nối với Cái Rồng và Hạ Long; bố trí bãi đỗ cho máy bay động cơ nhỏ, trực thăng phục vụ du lịch. Trong giấc mơ của mình, những người con xa quê như ông Vinh cũng chưa mơ được đến viễn cảnh như vậy.
Người dân Ngọc Vừng đang ngóng dự án về đảo như người dân Vân Đồn đang ngóng hình hài của Đặc khu. Dự án về là việc làm đến, đất đảo cũng thành đất vàng, đất ngọc. Ông Lê Đình Di, một cựu chiến binh sống ở thôn Bình Minh, kể: Cả đời ông sống ở đảo này, trồng cấy và đánh bắt cá tôm mưu sinh. Ông không ngờ rằng, có những chỗ đất trước kia chỉ là ruộng khoai lang bán theo mớ, bây giờ, đất Ngọc Vừng quý như ngọc bán theo mét vuông. Chỗ ruộng khoai giờ cũng được năm, sáu triệu mỗi mét. Nói rồi, ông Di ngâm nga những vần thơ, đại ý rằng: “Mấy trăm cây số đường xa/ Chưa kịp gặp mặt đã òa lệ rơi/ Thôi về đảo ngọc ta ơi/ Hôm nay mới thấy cuộc đời đẹp sao”. Dừng lời, ông Di bảo, tôi có phải nhà thơ đâu, đấy là do quê hương mình đẹp quá mà tức cảnh ngâm ngợi vài câu cho nó có vần, có vè đấy chứ!
![]() |
Ông Lê Đình Di nói về quê hương Ngọc Vừng với giọng tự hào. |
Người dân Ngọc Vừng đang rất sẵn lòng chào đón dự án. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã, cho hay: “Đa số nhân dân ủng hộ phương án quy hoạch của FLC. Nhân dân đề xuất xây thêm chợ và nhà máy xử lý rác thải”. Chúng tôi nhìn qua báo cáo điều chỉnh quy hoạch của FLC, thấy thực tế, đơn vị này dự kiến dành 4.000m2 đất để làm bãi chôn lấp rác thải tập trung và xây dựng 2 trạm xử lý nước thải, 6 bể xử lý cục bộ trên toàn xã đảo. Đúng là phát triển về lâu dài, Ngọc Vừng rất cần một nhà máy xử lý rác như ông Quảng nói. Một đô thị biển xanh và văn minh không thể không tính đến phương án xử lý rác thải một cách bài bản.
Tưởng như tương lai của Ngọc Vừng là câu chuyện của tuổi trẻ nhưng đối với những lão niên cũng rất sốt dẻo. Cụ Phạm Nghi, 101 tuổi, đảng viên đầu tiên của xã đảo Ngọc Vừng hiện sống ở thôn Ngọc Nam, cho biết, cụ sinh ra ở đảo, cùng đồng đội tập hợp nhân dân đứng lên đánh đuổi bọn hải phỉ đến lăm le cướp đảo, sau được cử vào Cái Rồng làm cán bộ. Sau khi nghỉ hưu, cụ quay lại quê hương, động viên con cháu bám đảo, giữ đất, phát triển kinh tế, làm giàu từ biển cả. Cụ không thể rời xa Ngọc Vừng, sinh ra ở đây và nằm xuống cũng ở đây. Tuổi cụ đã hiếm lắm nhưng cụ vẫn còn mong mỏi được sống để chứng kiến sự đổi thay của quê hương mình.
Là người nhiều năm quan tâm nghiên cứu văn nghệ dân gian, ông Vinh kể cho tôi nghe câu chuyện truyền thuyết, sở dĩ đảo có tên này vì tương truyền, khu vực này xưa kia có nhiều loài trai ngọc quý hiếm, đêm đêm phát thứ ánh sáng kì ảo, sáng cả một vùng trời. Chia tay Ngọc Vừng, lên tàu để về Hạ Long, tôi ngẫm lại, thấy chuyện ông Vinh kể không phải không có lý. Tôi mở bản đồ ra xem đảo có hình thù viên ngọc không. Không phải. Trên bản đồ, Ngọc Vừng như một cánh bướm đang chao liệng - cánh bướm của những ước mơ...
Phạm Học
[links()]
Ý kiến ()