Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:13 (GMT +7)
Người CCB đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình
Chủ nhật, 10/07/2022 | 14:26:35 [GMT +7] A A
Ngày nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Quảng An, huyện Đầm Hà còn rất thấp. Bà con ngoài các nghề truyền thống rừng, ruộng, họ còn phát triển thêm nhiều nghề khác để ổn định kinh tế, chống tái nghèo.
Xã Quảng An có gần 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số và đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn từ năm 2018. Trước đó, Quảng An tỷ lệ hộ nghèo luôn rất đông, đường sá xấu, nhà tranh tre xiêu vẹo... Từ xây dựng nông thôn mới, Quảng An đã có các con đường bê tông hóa, những ngôi nhà kiên cố dần được mọc lên.
Từ những năm xã Quảng An còn khó khăn, CCB Nguyễn Văn Thái ở thôn Thìn Thủ, xã Quảng An đã luôn tìm cách vươn lên. Anh Thái từng là người lính được đi nhiều nơi, biết nhiều điều nên nhiều khi anh nghĩ: Quê mình đất đai rộng, mầu mỡ cớ sao lại nghèo. Nguyên nhân nghèo là do người dân chưa phát triển nhiều ngành nghề, cuộc sống quá phụ thuộc vào đồng ruộng.
Tuy gia đình anh Thái sống ở Quảng An, nhưng quê gốc anh lại ở Thủy Nguyên, TP Hải Phòng và bố mẹ anh có nghề nuôi cá nước ngọt. Vậy là anh Thái về quê học nghề nuôi cá giống. Công việc nuôi cá ở Quảng An ban đầu không dễ, do là vùng cao khí hậu lạnh, lại thêm nguồn nước không sẵn. Quảng An có núi Đục, cao sừng sững nằm chủ yếu ở xã Quảng An, chân núi kéo sang cả đất của cả xã Quảng Lâm (Đầm Hà) và xã Húc Động (huyện Bình Liêu), có khe nước trong và mát chảy quanh năm, không cạn. Vậy là anh Thái tìm cách mang nước từ núi về.
Ban đầu, anh Thái đào 4 ao nuôi thử cá. Anh trồng nhiều loại cây ven bờ ao để giữ bờ, che nắng cho cá không bị nóng vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông. Cá phát triển tốt, đến nay anh Thái đã có 11 ao nuôi, trong đó có 9 ao nuôi cá giống, 1 ao nuôi cá thịt và 1 ao nuôi ốc giống. Hàng năm, anh xuất bán khoảng 15 vạn con cá giống đủ các loại rô, mè, trắm, chép...
Khi cuộc sống của người dân các thôn của xã Quảng An đã dần đi vào nề nếp, bà con nhiều hộ tuy đã được xóa nghèo nhưng đời sống vẫn còn khó khăn, nếu không phát triển thêm nghề có thu nhập họ rất dễ tái nghèo. Anh tìm đến các hộ dân có điều kiện làm được nghề nuôi cá, vận động họ nuôi cá để có nguồn thu khi cá lớn và có nguồn thức ăn tươi tại nhà. Ban đầu, bà con cũng phân vân vì xã vùng cao chưa thấy ai nuôi cá bao giờ, nhưng giờ mắt thấy anh Thái nuôi cá hiệu quả, nhiều hộ làm theo.
Thế nhưng khi bắt tay vào làm, bà con đều không có kỹ thuật, nhiều hộ không có tiền để mua cá giống. Vậy là anh Thái giúp họ kỹ thuật, người không có vốn thì anh bán chịu cá giống không tính lãi, đến khi cá lớn, chủ ao thu hoạch thì mới trả tiền cho anh. Từ cách làm của anh Thái, nhiều hộ ở Quảng An thoát nghèo và không tái nghèo. Không những thế, hàng năm anh Thái lại tạo việc làm cho 5 lao động theo thời vụ. Cá giống của anh bán cho khắp các hộ nuôi cá ở Quảng An và các xã khác của huyện Đầm Hà, sang cả huyện Hải Hà.
Ngoài nuôi cá, gia đình CCB Nguyễn Văn Thái còn là một trong những hộ chăn nuôi gia súc giỏi ở xã Quảng An. Trước đây, bà con thường chăn trâu, bò theo kiểu thả rông, mùa đông ở Quảng An khí hậu rất lạnh lại nhiều sương muối, trâu, bò thả rông bị rét hoặc ăn cỏ lẫn sương đau ốm, còi cọc. CCB Thái đã phổ biến cho nhiều hộ cách xây chuồng nuôi gia súc, cách trồng cỏ voi và trữ thức ăn cho gia súc về mùa đông. Nhiều hộ làm theo anh Thái nên từ nhiều năm đàn gia súc ở Quảng An đã không còn hiện tượng chết rét.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Minh, Chủ tịch Hội CCB xã Quảng An, cho hay: CCB Nguyễn Văn Thái là điển hình CCB học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở xã Quảng An, luôn có tấm lòng với người dân.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()