Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:07 (GMT +7)
Người dân bắt nhịp cùng hành trình chuyển đổi số
Thứ 2, 30/05/2022 | 13:39:46 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các sở, ban, ngành và địa phương đang đẩy mạnh triển khai. Đặc biệt, người dân đã bắt nhịp và đánh giá cao hành trình chuyển đổi số này.
Đối với giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua các trung tâm hành chính công trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Từ khi trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận một cửa hiện đại cấp xã, phường đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đến nay nhiều ngươi dân đã thực hiện nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến và đánh giá cao sự tiện lợi này.
Anh Nguyễn Tiến Hùng (phường Hồng Phong, TX Đông Triều) chia sẻ: Từ khi TX Đông Triều triển khai các dịch vụ công trực tuyến, tôi thấy rất thuận lợi cho người dân, chúng tôi có thể ở bất cứ đâu với chiếc điện thoại thông minh cũng có thể gửi hồ sơ qua mạng.
Hiện nay đã có trên 80% người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử như: Dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử, tra cứu mã hồ sơ giải quyết TTHC… Tính từ ngày 1/1 đến 16/5/2022, số lượng nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 qua Cổng dịch vụ công của tỉnh là 127.361 hồ sơ (tăng 20% so với cùng kỳ). Đây là giải pháp triển khai thực hiện tiếp nhận giải quyết các TTHC trên môi trường mạng, với phương châm “lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số”, là tiền đề hình thành công dân số, hướng đến Chính phủ số.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân nhận thấy chuyển đổi số là chìa khóa mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại, vì vậy nhiều người đã thực hiện số hóa với các cánh đồng, khu sản xuất, tạo giá trị gia tăng và tính minh bạch của sản phẩm. Điển hình như TX Đông Triều, người dân đã ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ, để tự động hóa việc bón phân cho cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Nhiều hộ dân đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm nông nghiệp để mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiện nay, nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đã sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với viện phí, điện, nước, mua sắm... qua đó tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, năng suất lao động, giảm các thủ tục hành chính, giảm thao tác thủ công, giảm áp lực công việc cho cán bộ các đơn vị.
Tại TP Hạ Long thời gian vừa qua đã đưa vào sử dụng app Smart Hạ Long, đến nay đã có hơn 33.000 lượt cài đặt, với hơn 800 tài khoản đăng ký thành công để thực hiện các tương tác với chính quyền địa phương thông qua mục “Phản ánh hiện trường” với các vấn đề như: Môi trường, dịch vụ, du lịch, giao thông, an ninh trật tự...
Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được xác định là một trong 15 đề án và chương trình trọng điểm được triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để đạt mục tiêu, các ngành liên quan của tỉnh cần phải tuyên truyền để người dân tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()