Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:05 (GMT +7)
Người dân lại bất ngờ gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng
Thứ 5, 22/07/2021 | 09:27:39 [GMT +7] A A
Tháng 5, tiền gửi của người dân vào ngân hàng đã bật tăng, trái ngược hoàn toàn với con số của tháng 4. Đây cũng là tháng mà người dân đem tiền đi gửi nhiều nhất tính từ tháng 6/2020.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố mới nhất cho thấy tính đến tháng 5, số dư tổng phương tiện thanh toán đạt trên 12,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt trên 5 triệu tỷ đồng và tiền gửi của dân cư đạt trên 5,27 triệu tỷ đồng, tăng tương đương 3,26 và 2,6% so với cuối năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước lưu ý, số liệu tổng phương tiện thanh toán tại báo cáo này chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua.
Trước đó, dữ liệu do nhà điều hành cung cấp cho thấy, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 4,97 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2020. Đây được xem là một chỉ số bất ngờ bởi dữ liệu thống kê cùng kỳ từ năm 2012 đến nay cho thấy tiền gửi của các tổ chức kinh tế chủ yếu ở trạng thái tăng trưởng âm, thường chỉ có tăng trưởng dương vào nửa cuối các năm.
Với tiền gửi của dân cư, tính đến tháng 4, quy mô tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng ở mức trên 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Như vậy, với dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước cung cấp, tính đến tháng 5, quy mô tiền gửi của dân cư đạt trên 5,27 triệu tỷ đồng cho thấy một sự bứt phá về mặt con số. Đây cũng là tháng mà người dân đem tiền đi gửi ở các tổ chức tín dụng nhiều nhất tính từ tháng 6/2020 (chỉ đạt trên 5 triệu tỷ đồng).
Mức tăng trưởng lượng tiền gửi của người dân khá khớp với diễn biến trên thị trường hiện nay khi thị trường chứng khoán liên tục có những phiên đảo chiều và đi xuống. Cùng với đó, việc một số ngân hàng tăng biểu lãi suất huy động để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cũng được cho là nhân tố kích thích tiền "chảy" vào ngân hàng nhiều lên.
Khảo sát thị trường cho thấy một số ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động. Trong đó, mức tăng tại Vietcombank dao động 0,2 điểm % với kỳ hạn dưới 12 tháng, Sacombank tăng 0,1 điểm %, SHB tăng 0,1-0,3 điểm %. Một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn chẳng hạn Bac A Bank cũng tăng 0,1-0,2 điểm % với nhiều kỳ hạn. Cùng với đó, nhiều ngân hàng còn tung ra các gói huy động "siêu" lãi suất trên 7%/năm, thậm chí lên tới 8,2%/năm nhưng yêu cầu các khoản tiền gửi lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dư địa cắt giảm lãi suất trong thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước là ít. Các đơn vị này cho rằng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên trong nửa năm còn lại.
Công ty Chứng khoán VNDirect thì kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm nay do nhu cầu tín dụng tăng; áp lực lạm phát cao hơn trong nửa cuối năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn.
Điều này nhằm tăng huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác đang hút dòng tiền như bất động sản, chứng khoán…
Theo đánh giá của Standard Chartered, lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng xảy ra các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. Mặc dù tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện từ quý IV/2020 nhưng ngân hàng này cho rằng các đợt tăng lãi suất sẽ không xảy ra.
Và cũng theo Standard Chartered, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% cho đến cuối năm 2023 để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Khả năng xảy ra một đợt tăng lãi suất có thể sẽ gia tăng nếu lạm phát và tốc độ tăng trưởng tăng nhanh hơn dự kiến.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()