Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:46 (GMT +7)
Nữ giáo viên dành trọn tình yêu cho học sinh khuyết tật
Thứ 2, 22/08/2022 | 12:57:40 [GMT +7] A A
Giáo viên là một nghề vô cùng cao quý nhưng cũng nhiều nhọc nhằn bởi họ là những người chèo lái đưa "con đò" tri thức cập bến thành công. Đối với những giáo viên dạy trẻ hòa nhập còn khó khăn gấp bội phần. Bằng tình yêu thương của mình, cô giáo Hoàng Thị Hồng Vân (Trường Tiểu học Yên Thanh, TP Uông Bí) đã giúp nhiều học sinh khuyết tật tự tin đến trường, thắp niềm hy vọng tương lai.
Năm học 2021-2022, khác với các lớp trong Trường, lớp 1A1 do cô giáo Hoàng Thị Hồng Vân phụ trách có 2 học sinh tự kỷ. Trong 17 năm công tác, cô Vân có 7 năm liên tục giảng dạy lớp có học sinh khuyết tật. Hơn ai hết, cô giáo Vân thấu hiểu được những tâm tư của các em và phụ huynh. Bằng niềm tin mãnh liệt rằng nếu chăm sóc, giáo dục, chỉ bảo tốt, các em sẽ hòa nhập, học tập và sinh hoạt bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Nhiều năm gắn bó, cô giáo Vân đã đem hết tình yêu thương, kinh nghiệm, kiến thức có được của mình rèn giũa học sinh từng ngày.
Cô giáo Vân tâm sự: "Ngoài trách nhiệm, những người làm nghề giáo như chúng tôi còn cần có tình yêu thương trẻ, nhất là với trẻ khuyết tật cần nhiều hơn sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Động lực lớn nhất đối với tôi là khi thấy các em được đến trường hòa nhập, tự tin bước vào trường tiểu học, theo kịp các bạn; xóa đi mặc cảm của các bậc phụ huynh trẻ khuyết tật. Các phụ huynh tin tưởng đưa con đến trường học, hòa nhập cùng các bạn”.
Chặng đường 7 năm dạy trẻ khuyết tật, xen lẫn niềm vui khi nhìn thấy sự thay đổi, tự tin, vui vẻ ở các em, những khó khăn cô giáo Vân phải đối mặt không ít. Cô kể: "Đến nay tôi đã dạy 11 học sinh khuyết tật. Em thì khuyết tật vận động, em hạn chế giao tiếp, nhận thức kém về thế giới xung quanh; thậm chí có những em cắn cô giáo, đánh các bạn, đập phá đồ dùng học tập… Những lúc như vậy tôi ôm các con vào lòng, yêu thương giảng giải, đến khi con bình tĩnh mới thôi".
Lớp 1 là năm học đầu tiên học sinh bước vào một môi trường giáo dục mới, đầy lạ lẫm, nhiều bỡ ngỡ. Những khó khăn với học sinh khuyết tật nhiều hơn gấp bội phần. Do đó, những giờ dạy của cô giáo Vân không chỉ là chữ cái, con số, phép tính, mà còn là cách cầm bút, cầm đũa, giao tiếp cuộc sống xung quanh, hay tự bảo vệ mình.
Cô giáo Vân thường soạn một trang giáo án đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật, bởi theo cô các em cần phương pháp giáo dục riêng, phù hợp với khả năng của mỗi em. Sự kiên trì của cô giáo Vân được đền đáp xứng đáng khi hầu hết các em tiến bộ, phát triển, được học sinh yêu mến, phụ huynh tin tưởng. Cô đã vinh dự được nhận nhiều khen thưởng của các cấp.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thanh, cho biết: Với tình yêu thương, tâm huyết, kinh nghiệm của mình, cô giáo Vân đã giảng dạy, chăm sóc, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh khuyết tật. Cô Vân luôn dành được sự yêu mến đặc biệt của học sinh, phụ huynh, nhà trường.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()