Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:18 (GMT +7)
Người đau khớp ăn gì để góp phần giảm đau?
Thứ 5, 23/11/2023 | 14:08:25 [GMT +7] A A
Bệnh thấp khớp gây đau khiến người bệnh có xu hướng sử dụng thuốc giảm đau dài hạn, đôi khi phải tăng liều nhưng kèm theo là tác dụng phụ.
Một số thuốc giảm triệu chứng đau của bệnh khớp trên thị trường như Diclofenac, Meloxicam… dùng lâu dài có thể gây đau dạ dày, buồn nôn, chảy máu, loét, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Việc sử dụng những loại thuốc này kèm theo thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm ức chế men chuyển có thể tăng nguy cơ suy thận mạn trên những người có cơ địa nhạy cảm. Tăng huyết áp là bệnh đồng mắc phổ biến ở những bệnh nhân bệnh khớp.
Việc sử dụng thuốc giảm đau chỉ có vai trò trong điều trị triệu chứng và tác dụng phụ khi dùng lâu dài.
Tác dụng của điều chỉnh chế độ ăn
Hiện nay, rất nhiều tài liệu y học đã gợi ý rằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống và bổ sung thực phẩm có tính kháng viêm tự nhiên có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm, điển hình là viêm khớp/thấp khớp.
Cơn đau là một trong những cảm giác khó chịu nhất mà bệnh nhân trải qua. Theo Hiệp hội Nghiên cứu đau quốc tế, có ba loại đau mãn tính: đau do tổn thương mô thật sự, đau thần kinh và đau về đêm.
Nhìn chung, phần lớn chúng đều liên quan đến quá trình viêm gây giải phóng các yếu tố trung gian hoặc hoạt chất.
Một nghiên cứu đã được tiến hành bằng cách áp dụng chế độ ăn chống viêm gồm 13 món dựa trên chế độ ăn Địa Trung Hải không có thịt đỏ, gluten hoặc sữa bò.
45 bệnh nhân thấp khớp tự nguyện tham gia nghiên cứu sẽ áp dụng chế độ ăn này trong 4 tháng, đồng thời được theo dõi và đánh giá về tình trạng đau, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và mức độ hài lòng.
Kết quả cho thấy chế độ ăn chống viêm này có thể giúp giảm thấp khớp và cải thiện triệu chứng đau, căng thẳng, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.
Ăn quá nhiều chất béo bão hòa, tinh bột và đường khiến cơ thể sản xuất rất nhiều chất trung gian gây viêm và giảm các đáp ứng với chất chống viêm, bao gồm cả chất chống oxy hóa.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như axit béo omega-3, vitamin B và D, magiê, kẽm và beta-carotene cũng làm tăng tình trạng đau mạn tính.
Rất nhiều tổ chức y học lớn trên toàn cầu, kể cả Tổ chức Y tế thế giới - WHO, đều đề cao chế độ ăn Địa Trung Hải vì nó có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, nổi bật là các bệnh lý tim mạch.
Chế độ ăn gợi ý cho người đau khớp
Chế độ ăn này chú trọng vào chất lượng thực phẩm hơn đong đếm số lượng, dễ áp dụng và duy trì vì người dùng có thể linh hoạt chọn các thực phẩm cần được ưu tiên, chủ yếu đếm số lần ăn trong tuần. Các nguyên tắc trong chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm:
- Tiêu thụ nhiều (ăn mỗi ngày) trái cây và rau quả, dầu ô liu nguyên chất, các loại hạt, cây họ đậu, ngũ cốc chưa qua chế biến và cá.
- Tiêu thụ vừa phải (1-2 lần 1 tuần) các sản phẩm từ sữa và thịt.
- Tiêu thụ ít (thỉnh thoảng, tối đa 1 lần 1 tuần) thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn.
Lưu ý rằng trong nghiên cứu này, chế độ ăn được áp dụng là chế độ ăn Địa Trung Hải không có thịt đỏ, gluten và sữa bò.
Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm nghệ có tác dụng rất tiềm năng trong chế độ ăn chống viêm vì nghệ rất giàu curcumin.
Bản thân curcumin có đặc tính chống viêm và có thể điều chỉnh nhiều con đường gây viêm, do đó có khả năng mang lại lợi ích bổ sung cho bệnh nhân thấp khớp.
Tuy nhiên, khả năng hấp thu curcumin của cơ thể từ nghệ còn thấp, nên vẫn còn nhiều nghiên cứu đang tiến hành để xem xét hiệu quả tối ưu thật sự.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()