Tất cả chuyên mục

Viêm gan B có nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan cao, là bệnh phổ biến vì tính dễ lây. Trước đây, bệnh nhân trong tỉnh mắc viêm gan B thường phải đến các bệnh viện ở Hà Nội để khám và lĩnh thuốc điều trị. Từ khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh mở Phòng khám ngoại trú viêm gan virus B-C đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân không phải đi xa và mất nhiều chi phí để điều trị bệnh.
![]() |
Bệnh nhân viêm gan virus B trong toàn tỉnh được quản lý, theo dõi, phát thuốc tại Phòng khám Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Theo nhiều nghiên cứu, có tới 20% dân số Việt Nam bị mắc bệnh viêm gan B. Thông thường, khoảng 80% người bệnh sẽ không nhận ra bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào của bệnh cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, đa số bệnh nhân thường được chẩn đoán và điều trị vào giai đoạn muộn. Nhiều người thậm chí còn không biết bản thân mình đã bị nhiễm viêm gan B nên thường bỏ qua những biểu hiện ban đầu của bệnh. Điều này có thể khiến bệnh tiến triển nhanh hơn, khó điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Tại Quảng Ninh, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm viêm gan B cũng khá cao. Các bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm gan B hàng tháng đều phải đi Hà Nội để làm các xét nghiệm và lĩnh thuốc kháng virus điều trị tại nhà”.
Thấu hiểu sự vất vả của các bệnh nhân mắc viêm gan B trong tỉnh, từ tháng 9-2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mở Phòng khám ngoại trú viêm gan virus B-C (đặt tại tầng 2, phòng 213, Khoa khám bệnh). Để Phòng khám đi vào hoạt động hiệu quả, Bệnh viện đã được Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chuyển giao gói kỹ thuật quản lý và điều trị bệnh nhân viêm gan virus B. Bệnh viện còn trang bị các máy xét nghiệm hiện đại như: Máy đo tải lượng virus viêm gan B-C, sinh hoá, huyết học, siêu âm; đào tạo đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên lành nghề trong lĩnh vực làm xét nghiệm. Bác sĩ Trần Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều bệnh nhân viêm gan B phải điều trị thuốc kháng virus. Trước đây, các bệnh nhân đều phải chuyển lên tuyến trung ương để khám, điều trị. Khi Phòng khám đi vào hoạt động, người bệnh viêm gan B trong toàn tỉnh được quản lý, theo dõi và cấp phát thuốc hàng tháng tại đây đúng theo quy định của quy trình khám, chữa bệnh”.
Sau 3 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, Phòng khám ngoại trú viêm gan virus B-C đã tiếp nhận gần 170 bệnh nhân mới và bệnh nhân từ tuyến trung ương chuyển về. Ông Nguyễn Văn Khánh (tổ 2, khu 5, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) mắc bệnh viêm gan B đã gần 20 năm nay, nhưng đến tháng 10-2013, ông mới đến bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội khám và điều trị. Theo kết luận của bác sĩ, ông phải uống thuốc kháng virus đều đặn mỗi ngày và cứ 3 tháng phải đi bệnh viện khám lại. Tuổi đã cao, lại không có lương hưu, nên dù có bảo hiểm y tế, nhưng chi phí thuốc thang, đi lại cũng là gánh nặng lớn đối với ông. Hoàn cảnh của ông Phạm Văn Mạnh (tổ 7, khu 2, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) cũng tương tự. Cách đây 2 năm, ông Mạnh thấy người mệt mỏi, sút cân. Đi khám bệnh, ông mới biết mình mắc bệnh viêm gan B dẫn tới xơ gan, teo gan. Từ đó, mỗi tháng, ông lại phải đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để khám bệnh và nhận thuốc điều trị với chi phí khá tốn kém. Ông Mạnh cho biết: “Mỗi lần đo tải lượng virus, tôi phải chi trả 2,5 triệu đồng, thêm trên 4 triệu đồng tiền thuốc mỗi tháng. Đó là chưa kể đến chi phí đi lại, ăn ở mỗi lần đi Hà Nội khám, chữa bệnh”. Gần 3 tháng nay, ông Khánh, ông Mạnh đều chuyển về điều trị ngoại trú tại Phòng khám. Ông Khánh phấn khởi,nói: “Từ việc phải đi gần 200km lên Hà Nội, giờ tôi chỉ đi hơn 10km đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, nhận thuốc điều trị viêm gan B. Điều này khiến bệnh nhân viêm gan B chúng tôi thấy rất phấn khởi và yên tâm khám, chữa bệnh”.
Hoàng Quý
Ý kiến ()