Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 16:43 (GMT +7)
Người Quảng Ninh thân thiện, hào sảng và…
Chủ nhật, 28/06/2020 | 15:13:06 [GMT +7] A A
Người Quảng Ninh là dân biển “ăn sóng nói gió”. Dân Quảng Ninh là dân tứ xứ, bị bần cùng hóa rồi về đây làm phu mỏ, sau nối đời sinh sống, lập nghiệp trên mảnh đất này. Quảng Ninh còn có đồng bào hơn 20 dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở các địa phương. Và sau này, vào từng giai đoạn lại có những cuộc di cư ở những phạm vi, quy mô khác nhau nữa…
“Ăn sóng nói gió”
Gốc gác của người Quảng Ninh hôm nay có nhiều thành phần như thế. Để trụ lại trên dải đất vùng Đông Bắc nắng gió, thiên nhiên khắc nghiệt này, họ quấn túm lẫn nhau, tạo nên tinh thần cố kết cộng đồng rất cao.
Chả thế mà người dân chài xưa kia vốn sống lênh đênh trên biển, xem con thuyền là nhà nhưng tối đến vẫn quần tụ vào những áng, vụng biển kín gió. Và khi mưa gió bão bùng, họ lại neo thuyền vào nhau… Các Tiên Công và con cháu của họ trên vùng đảo Hà Nam xưa cũng thế. Lập làng sinh sống ở vùng đầm bãi, thấp hơn mực nước triều nên họ phải cùng nhau đắp đê ngăn nước biển tràn vào đồng ruộng, nhà cửa…
Người thợ mỏ Quảng Ninh hôm nay. Ảnh: Phạm Cường |
Khu vực đồng bằng là thế, còn đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đa phần sinh sống ở vùng núi cao, vùng sâu, xa với độ giãn cách lớn về không gian. Điều kiện tự nhiên cụ thể ấy khiến họ có ý thức gìn giữ các đặc trưng văn hóa riêng, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để tăng tính gắn kết trong đời sống, trong lao động sản xuất...
Rồi người phu mỏ, cuộc sống nô lệ, lầm than, khổ cực trên đất mỏ thời kỳ trước cách mạng của họ là một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Khi đó, ở các vùng nông thôn Việt Nam, người nông dân bị đẩy tới đường cùng, sự nghèo đói gần như đồng nghĩa với cái chết. Cuộc ra đi rời bỏ làng quê của họ là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm cho lựa chọn sinh tồn.
Trong vụ đánh cược với số phận này, trên vùng đất mới, với công việc sản xuất có tính dây chuyền mà nặng nhọc, khổ cực và nhiều hiểm nguy, những người phu mỏ để sinh tồn không còn cách nào khác là phải sát cánh bên nhau, là cơ sở cho tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” hình thành, phát triển xuyên suốt cho tới nay của giai cấp công nhân Vùng mỏ.
Thiết nghĩ, không chỉ do xuất phát điểm mà từ hoàn cảnh sống, điều kiện lao động đặc thù, trải qua thời gian, đã tạo nên những con người Quảng Ninh đầy mạnh mẽ, quyết liệt, dám bứt phá, thoát khỏi nếp suy nghĩ thông thường để vươn lên. Điều đó cũng ăn sâu vào những sinh hoạt, thể hiện ngay từ lời ăn tiếng nói thường ngày.
Vậy nên, người ta vẫn bảo cái chất của người miền biển Quảng Ninh là “ăn sóng nói gió”. Có ai đến công trường, vào hầm lò, lên những tầng than, trong không gian rộng lớn với ầm ầm tiếng xe, máy chạy, tiếng than ra mà không phải nói to, những người công nhân nhận lệnh sản xuất mà có thể thiếu sự quyết đoán, dứt khoát, rõ ràng…
… và hào sảng, thân thiện
Người Dao ở Bình Liêu đón khách. Ảnh do huyện Bình Liêu cung cấp. |
Đi cùng với đó, sự chân thật, mộc mạc trong ứng xử của con người Quảng Ninh dù ở vùng, miền nào cũng là điều dễ nhận thấy. Sự vô tư mà nồng nhiệt của họ lan tỏa tới bạn bè phương xa, lúc ở có thể không nhận thấy nhưng ai đi xa là nhớ về. Rõ nét nhất có lẽ là người dân khu vực miền Đông của tỉnh, bạn tới chơi được tiếp đón rất nhiệt tình, chân thành. Nhiều vùng, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ nếp khách đến nhà là mời rượu. Rượu không phải uống để say mà để thể hiện tấm chân tình của chủ nhà, để khởi đầu cho câu chuyện, câu trò…
Phát huy truyền thống của con người Vùng mỏ, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết có nhiều nội dung, trong đó đặt ra mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện.
Các nội dung này đều rõ ràng, trong đó có một điểm mang đậm dấu ấn người Quảng Ninh nhưng không phải ai cũng hiểu rõ là Hào sảng. Vậy có thể cắt nghĩa thế nào là hào sảng? Tôi tra trên mạng và cho ra câu trả lời thế này: Hào sảng đơn giản là sự cho đi mà không tính toán, là sự buông bỏ để làm lại từ đầu. Hào sảng là không tham lam, không ích kỷ, không cá nhân chủ nghĩa.
Như vậy, nghĩa của từ có nội hàm khá rộng. Tôi đã đem câu hỏi này để trao đổi với nhiều bạn bè của mình, hòng tìm ra một ý thú vị, xác đáng và quan trọng là gần gũi với đời sống hơn. Cuối cùng, tôi thấy tâm đắc với lý giải của một người bạn, rằng hào sảng là sẵn sàng chi tới đồng xu cuối cùng để thết đãi bạn bè… Ý tứ đơn giản, diễn giải nôm na nhưng khiến ta dễ bật cười bởi đúng là nói tới người Quảng Ninh đa phần thoáng chi, thoáng tiêu khi giao tiếp, khi sống với bạn bè…
Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh đưa ra chuẩn mực cụ thể đối với từng cách ứng xử như: Ứng xử trong gia đình; dòng họ; cộng đồng nơi cư trú (làng, bản, khu dân cư); ứng xử nơi công cộng và trên mạng xã hội. Ảnh chụp tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. |
Quảng Ninh giờ đã không chỉ là vùng than mà còn là trung tâm du lịch lớn của cả nước, điểm đến của bạn bè năm châu. Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có sự phát triển rất mạnh mẽ. Lớp trẻ Quảng Ninh hôm nay có thể lựa chọn nghề nghiệp đa dạng hơn cha ông mình rất nhiều.
Sự đổi mới, phát triển đi lên của quê hương khiến họ có cơ hội phát huy hết năng lực của mình. Ngược lại, để cống hiến, đóng góp sức mình vào sự đổi mới ấy, họ cũng rất cần học hỏi, thay đổi để thích nghi, chấp nhận sự khác biệt, phát huy sự năng động, sáng tạo để xây dựng thương hiệu riêng. Cùng với đó, giữ gìn sự lành mạnh, xây dựng, hình thành những ứng xử văn minh, thân thiện…
Bắt đầu từ ứng xử…
Để từng bước hình thành bản sắc, phẩm chất con người Quảng Ninh trong thời đại mới, tỉnh cũng như các ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều bộ quy tắc ứng xử.
Cụ thể như Bộ quy tắc ứng xử Nụ cười Hạ Long quy định các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Quảng Ninh trong hoạt động du lịch. TP Uông Bí xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân TP Uông Bí” với chủ đề “Người Uông Bí nói lời hay, làm việc tốt”. Hoành Bồ (trước khi sáp nhập với TP Hạ Long) đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Tự tin là công dân Hoành Bồ". Hải Hà ban hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch...
Gần đây nhất, Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh, đưa ra những chuẩn mực cụ thể đối với từng cách ứng xử như: Ứng xử trong gia đình; dòng họ; cộng đồng nơi cư trú (làng, bản, khu dân cư); ứng xử nơi công cộng và ứng xử trên mạng xã hội.
Tái hiện đêm hội Làng Nương phục vụ du khách tại khu di tích Yên Tử. |
Rõ ràng, từ ứng xử tốt sẽ có thái độ, hành vi phù hợp. Chưa bao giờ các vấn đề về gia đình lại nhiều và được quan tâm như bây giờ, trong đó có những vấn đề về ứng xử trong gia đình. Các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng không phải bao giờ cũng “tắt lửa tối đèn có nhau” mà dần chuyển sang "đèn nhà ai nấy rạng". Điện thoại, máy tính thông minh và mạng internet phổ biến, len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống con người. Và những ứng xử trên mạng xã hội giờ đây cũng đầy đủ những sắc thái như trong đời sống thực…
Còn ứng xử nơi công cộng, ai cũng dễ thấy là có muôn vàn điều để nói. Đình, chùa vốn là chốn linh thiêng nhưng không hiếm gặp hình ảnh người đi lễ, nhất là người trẻ ăn mặc hở hang, xuyên thấu hay váy áo cũn cỡn nhìn rất phản cảm. Trong các hang động là tình trạng viết, vẽ bậy lên nhũ, đá. Ở bảo tàng là việc sờ vào hiện vật, chui vào các không gian trưng bày để vui đùa, chụp ảnh…
Trên đường phố, dù đã có đèn tín hiệu, biển báo nhưng có bố mẹ nào dám để con nhỏ tự qua đường mà không cảm thấy lo lắng? Những tuyến vỉa hè đẹp, rộng rãi nhưng cứ chiều chiều lại thấy có bác, thậm chí mấy bạn trẻ ăn mặc sành điệu dắt chó thả ra đi “xả”. Những túi rác ngổn ngang, để qua đêm cho chuột tha, bới vì mang ra muộn, không kịp giờ thu gom…
Thực trạng bức xúc ai cũng dễ thấy, việc xây dựng những chuẩn mực ứng xử văn hóa trong các mối quan hệ, trong các không gian sống là rất cần thiết. Nhưng để những quy chuẩn này thấm sâu, lan tỏa và trở thành lời nói, việc làm thường xuyên cần có thời gian. Quan trọng hơn cả, thiết nghĩ là ý thức tự giác của mỗi người con Quảng Ninh hôm nay trong hành trình xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh và thân thiện…
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()