Theo Nghị định 06/2023 ban hành ngày 21/2, việc kiểm định chất lượng đầu vào của ứng viên nhằm đánh giá kiến thức nền tảng trước khi thi tuyển. Hai kỳ kiểm định được tổ chức tháng 7 và 11 hàng năm.
Thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính, nội dung đánh giá năng lực tư duy, ứng dụng kiến thức; hiểu biết về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức xã hội, văn hóa, lịch sử.
Người ứng tuyển vị trí yêu cầu trình độ đại học phải trả lời 100 câu hỏi trong 120 phút; vị trí yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp gồm 80 câu hỏi trong 100 phút. Thí sinh trả lời đúng nửa số câu hỏi sẽ đạt yêu cầu. Kết quả kiểm định có thời hạn sử dụng hai năm. Người vượt qua kỳ kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan trên toàn quốc.
Quy định hiện nay thí sinh thi tuyển công chức phải qua hai vòng. Vòng đầu kiểm tra kiến thức chung về hệ thống chính trị, ngoại ngữ, tin học. Vòng hai kiểm tra nghiệp vụ chuyên ngành gồm viết và phỏng vấn. Từ tháng 8/2024, thí sinh vượt qua kỳ thi kiểm định sẽ không cần dự thi vòng đầu mà vào thẳng thi chuyên ngành. Thời gian chuyển tiếp từ nay đến tháng 7 năm sau, các cơ quan vẫn được tổ chức hai vòng thi công chức theo quy định cũ.
Theo Luật Cán bộ, công chức, người đăng ký dự tuyển công chức cần có đủ các điều kiện: Có một quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi; có đơn dự tuyển, lý lịch rõ ràng; văn bằng chứng chỉ phù hợp; phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe.
Người không cư trú tại Việt Nam; bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, giáo dục, sẽ không được đăng ký dự tuyển công chức.
Theo quyết định của Bộ Chính trị, tổng biên chế hệ thống chính trị Việt Nam giai đoạn 2022-2026 (không bao gồm biên chế công an, quân đội, người hoạt động không chuyên trách xã, thôn, tổ dân phố) là 2,23 triệu, trong đó gồm 336.300 cán bộ, công chức; 1,68 triệu viên chức.
Ý kiến ()