Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:35 (GMT +7)
Người thổi hồn Yên Tử vào những trang sách
Thứ 2, 05/08/2024 | 09:49:20 [GMT +7] A A
Yêu và gắn bó với miền "Phúc địa thứ 4 của Giao Châu", ông Nguyễn Trần Trương (phường Phương Đông, TP Uông Bí) đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần của Yên Tử. Những tác phẩm, bài viết của ông về chốn “non thiêng” này đã và đang góp phần làm cho danh thắng Yên Tử ngày càng được bạn bè, du khách trong nước, quốc tế biết đến nhiều hơn; đồng thời làm cơ sở cho các nhà nghiên cứu khoa học, sử học tiếp cận nghiên cứu, phục vụ quá trình lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới.
Gắn bó với Yên Tử bắt đầu từ một bài thơ
“Cơ duyên lớn nhất đời tôi là biết đến Yên Tử. Câu chuyện bắt đầu từ những năm tôi còn làm công tác giảng dạy ở Trường Sư phạm 10+3 tỉnh Quảng Ninh (sau là Trường CĐ Sư phạm, nay là Trường Đại học Hạ Long). Khi đó, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, tôi còn phụ trách công tác đoàn và phong trào thanh niên của trường. Một cuộc thi về sáng tác văn thơ được Đoàn Thanh niên tổ chức, nhận được rất nhiều tác phẩm của các đoàn viên. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng một bài thơ viết về Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Cơ duyên với Yên Tử cũng bắt đầu từ đó, để rồi kéo dài mãi đến tận bây giờ” - ông Trương chia sẻ.
Sau này, khi được điều động về công tác tại Ban Văn thể của TX Uông Bí (nay là Phòng Văn hóa - Thông tin TP Uông Bí), trực tiếp phụ trách lĩnh vực quản lý nhà nước về các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, ông Trương có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với Yên Tử và dành nhiều thời gian để tìm hiểu các thông tin liên quan đến Khu di tích, danh thắng Yên Tử. Nhưng có lẽ niềm đam mê với những giá trị của Yên Tử bắt đầu bung tỏa mạnh mẽ nhất trong cuộc đời ông là thời gian công tác tại BQL Khu di tích Yên Tử - nơi ông làm Trưởng BQL đầu tiên. Trong suốt 11 năm tại đây, ông dày công sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản nhiều tác phẩm về Yên Tử và Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
“Thời điểm đầu những năm 90, tư liệu về Yên Tử không có nhiều. Ban đầu trong tay tôi chỉ có duy nhất cuốn kỷ yếu hội thảo Non thiêng Yên Tử - là tập hợp các bài nghiên cứu khoa học của các chuyên gia, giáo sư, nhà khảo cổ học. Từ nguồn tư liệu quý giá này, tôi bắt đầu lặn lội đến Thư viện Quốc gia, tìm đọc những thư tịch cổ để tập hợp tư liệu, nung nấu ý định viết sách về Yên Tử" - Ông Trương chia sẻ.
Năm 1994 ông Trương xuất bản cuốn sách đầu tay lấy tựa là “Non thiêng Yên Tử” - Quyển truyện tranh giới thiệu về Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Đến nay, ông đã có 6 đầu sách với hàng vạn quyển được in ấn, phát hành và vài chục bài viết về Yên Tử đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và của tỉnh. Tiêu biểu như: “Danh nhân Yên Tử”, “Chùa Yên Tử”, truyện lịch sử “Phật Hoàng Trần Nhân Tông", bút ký “Yên Sơn ký ức”, truyện ký “Một lần về Yên Tử”. Những tác phẩm viết về Yên Tử của ông đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu, quảng bá, lan tỏa giá trị của vùng đất Phật Yên Tử đến người dân, du khách thập phương.
“Có nhiều cách để những nghiên cứu khoa học về Yên Tử có thể đến được công chúng. Với tôi, tôi lựa chọn chất dẫn là văn học, cách viết gần gũi, dễ hiểu nhất để đưa sử liệu khô khan đến gần với độc giả hơn” - Ông Trương chia sẻ thêm.
Nặng lòng với miền non thiêng
Đến nay, dù đã về nghỉ chế độ được chục năm, ông Trương vẫn tiếp tục nghiên cứu về Yên Tử, tham gia biên soạn nội dung giới thiệu các di tích để khắc trên bia đá, lên lớp bồi dưỡng tri thức cho đội ngũ hướng dẫn viên làm việc tại Yên Tử, tư vấn về những vấn đề lịch sử, văn hóa liên quan...
Trao đổi cùng ông về các di tích trong Quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử, ông có thể nói chi tiết từng di tích không cần tài liệu, cái gì còn, cái gì mất, phần nào mới được Nhà nước đầu tư, tu bổ, tôn tạo và phục dựng… Vì hiểu rõ Yên Tử, nên mặc dù đã nghỉ hưu, ông vẫn được mời làm thành viên trong đoàn khảo sát các di tích lịch sử văn hóa trên dãy núi Yên Tử và phụ cận thuộc 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh cùng với nhóm chuyên gia quốc tế gồm: Giáo sư Paul Dingwall, Tiến sĩ Radhika và Giáo sư Ueno. Ông có phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học về Yên Tử năm 2015, viết bài tham luận cho Hội thảo về Yên Tử tháng 8/2020 do UBND tỉnh tổ chức. Từ giữa năm 2021 đến nay, ông Trương tham gia một phần việc trong xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là Di sản thế giới với chuyên đề Phật giáo Trúc Lâm.
Nói về việc Yên Tử đứng trước cơ hội trở thành Di sản thế giới, ông Trương cho biết: Đây là một danh hiệu danh giá. Khi đó Yên Tử sẽ ngày càng vang danh, giá trị của Yên Tử sẽ được lan tỏa khắp thế giới. Đây không chỉ mong mỏi của cá nhân tôi, mà còn là mong mỏi của mỗi người dân yêu đất Phật linh thiêng.
Chia sẻ dự định trong tương lai, ông Trương khẳng định: Tôi vẫn sẽ tiếp tục dành thời gian, tâm huyết cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học về Yên Tử. Tôi đang ấp ủ xuất bản một cuốn sách nữa, là tập hợp những bài viết chuyên sâu về Yên Tử. Với tôi, Yên Tử không chỉ là một di tích lịch sử có giá trị, một nơi tôi từng gắn bó trong sự nghiệp, mà còn là tâm hồn, là một phần cuộc đời.
Những đóng góp của ông Nguyễn Trần Trương đã và đang góp phần đưa giá trị của Yên Tử ngày một vang xa như nội dung đôi câu đối ông viết về danh sơn Yên Tử:
“Thanh danh Yên Tử truyền Nam Bắc
Chính pháp Trúc Lâm trụ đất trời”.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()