Từ bãi gửi xe đến điểm thăm quan 500 m, cả nhóm quyết định đi bộ, mình Ngân đứng lại chờ mua vé xe điện vì "tội gì đi cho mỏi".
Ngân không phải là người duy nhất chọn phương tiện này. Xung quanh hàng chục du khách cũng đứng chờ, đa phần là người trẻ. "Xe điện sinh ra là để phục vụ du khách, sao chúng ta không sử dụng để tiết kiệm sức lực?", Xuân Ngân, 30 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, giải thích về hành động của mình trong chuyến đi ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) giữa năm ngoái.
Đây không phải lần đầu Ngân trốn đi bộ vào các điểm thăm quan khi biết có dịch vụ trung chuyển. Lần đến Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) tháng 10/2022, thay vì leo bộ hơn 300 bậc, mất 10-15 phút cùng nhóm bạn, Ngân quyết định mua vé xe điện, giá 30.000 đồng.
Không chỉ đi chơi, ngay trong cuộc sống thường ngày, Ngân cũng thường xuyên đặt đồ ăn qua các ứng dụng, dù quán ăn cô đặt cách nhà chưa đến một km vì ngại ra ngoài. Cô nói, trung bình một tuần gọi đồ ăn ngoài 7-10 lần.
Nhà chị Diễm My, 40 tuổi, ở Hải Phòng, cách chợ chưa đến 300 m nhưng mỗi lần muốn mua gì chị đều dùng xe máy. Anh Quốc Bảo (chồng chị) coi đó là bình thường vì nhiều lúc phải xách đồ nặng hoặc có công việc gấp. Nhưng ngay cả lúc rảnh rỗi, ra chợ mua thêm cuộn giấy ăn, ống kem đánh răng chị My cũng đi xe. Nhiều lần nhờ con trai 10 tuổi ra đầu ngõ mua gói gia vị chị cũng nhắc con lấy xe đạp điện cho nhanh.
"Quán cách nhà chưa đến 100 m, thời gian đi bộ còn nhanh hơn lấy xe. Mẹ như vậy thì bảo sao con lười vận động", anh Bảo thở dài.
Những người trẻ lười vận động, ngại đi bộ đang giúp thu nhập của ông Sơn, tài xế xe ôm ở chân tượng đài Thánh Gióng, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tăng đáng kể. Ông cho biết, trước kia ban quản lý để khách tự leo bộ lên tượng đài do quãng đường không quá xa, cảnh vật quanh núi đẹp. Nhưng thấy nhiều người than phiền đi bộ mỏi chân nên dịch vụ xe ôm mới xuất hiện. "Sau Tết Nguyên đán, có những ngày tôi chạy vài chục cuốc xe, kiếm cả triệu đồng", ông Sơn nói.
Ngại ra ngoài là một trong các lý do chính (chiếm 56%) khiến người Việt quyết định đặt đồ ăn qua ứng dụng, báo cáoXu hướng đặt hàng ăn uống tại Việt Nam năm 2022của dịch vụ nghiên cứu thị trường Q&Me, cho biết. Trong giai đoạn 2020-2021, tỷ lệ người dùng các ứng dụng hoặc dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến tăng từ 62% lên 83%. Có 85% người dùng đặt các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần trong năm 2020, tăng 5% so với năm trước đó.
Chủ một quán đồ ăn Tây ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết trung bình mỗi ngày nhận hơn 200 đơn hàng trực tuyến. "Tôi khá bất ngờ khi thấy nhiều khách đặt hàng giao đến địa chỉ cách vài trăm mét", người này nói.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ, nhiều chuyên gia sức khỏe cảnh báo, quá lệ thuộc vào tiện ích có thể khiến tình trạng lười vận động của người Việt trở nên trầm trọng hơn.
Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước có người dânlười vận độngnhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có đến 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh thanh niên Việt Nam xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn.
Nghiên cứu năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra, trung bình một người Việt đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng dân văn phòng chỉ là 600 bước, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 10.000 bước.
Tính đến hết năm 2021, số liệu của Tổng cục Thể dục thể thao cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia thể dục, thể thao vẫn ở mức thấp. Số người tập luyện thường xuyên đạt hơn 35%, số hộ gia đình có thể thao chiếm 26%.
Bác sĩ Quan Thế Dân, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành, (Thanh Hóa) cho biết, thiếu vận động thể lực kéo theo nhiều nguy cơ mắc bệnh béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 74%.
"Nhưng không thể đánh đồng mọi người Việt đều lười vận động, bởi còn phải phụ thuộc vào vị trí địa lý, hoàn cảnh sống, công việc hiện tại của từng đối tượng cụ thể", ông Dân nói.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng cho rằng "việc này không mới mà có từ cách đây hàng nghìn năm". Theo chuyên gia, có bốn lý do chính khiến người Việt lười hoạt động. Một là do chúng ta sống trong nền văn minh lúa nước, quen săn bắn, hái lượm thay vì di chuyển trên đồng cỏ, sa mạc; hai là lối sống khu biệt thành cộng đồng nhỏ ở buôn, bản làng nên ngại đi xa; ba là bản thân người Việt vốn có thân hình nhỏ bé, ít cơ bắp không phù hợp với hoạt động nhiều và bốn là do cuộc sống nghèo khó, buộc phải tiết kiệm năng lượng bằng cách hạn chế vận động để tồn tại.
Đồng tình với quan điểm "đây là di sản của lịch sử", nhưng bác sĩ Quan Thế Dân nhấn mạnh, ngày nay khi mức sống cao hơn, sức bền và thể trạng được cải thiện, lý do đó không đúng nữa.
"Nhóm người lười vận động, đa phần là dân văn phòng, ở thành thị, thường đổ lỗi cho cuộc sống bận rộn, sợ nguy hiểm, sức khỏe yếu, không có nơi tập luyện. Nhưng tất cả đều là ngụy biện", bà Hồng nói. Chuyên gia khẳng định, nếu còn để tình trạng này tiếp diễn, chúng ta sẽ khiến sức khỏe giảm sút, tạo thói quen sống sai lệch và làm tấm gương xấu cho con trẻ.
Chị Diễm My không ngờ thói quen "xe đi cho nhanh" ảnh hưởng lớn đến con trai. Mỗi lần ra đầu ngõ mua đồ ăn vặt, cậu bé 10 tuổi đều lấy xe đi, ngày nào đi học cũng than mỏi chân vì phải đi bộ vài chục mét từ cổng trường vào lớp học. "Có lẽ tôi phải tập thay đổi thói quen sau luyện dần cho con", chị My bày tỏ.
Phụ thuộc vào các dịch vụ trung chuyển khiến không ít lần Xuân Ngân bị lỡ kế hoạch do mất thời gian chờ đợi. Không chịu tập thể dục, thích ngồi một chỗ còn khiến cô gái trẻ thường xuyên mệt mỏi, ngủ không ngon, hay thở dốc, tim đập nhanh mỗi khi leo cầu thang và có nguy cơ bị béo phì.
"Bác sĩ khuyên tôi tập thể dục 30 phút mỗi ngày nhưng đi làm từ sáng đến tối, giờ lại phải tập luyện thì sức đâu chịu nổi. Nếu muốn gầy chỉ có cáchnhịn ănhoặc dùng sản phẩm chức năng", cô gái 30 tuổi than thở.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Quan Thế Dân khuyên mỗi cá nhân cần thay đổi thói quen sống, giảm ăn đồ ngọt, chất béo đồng thời tích cực vận động. "Trước hết cần thay đổi nhận thức. Chỉ khi hiểu được sự cấp thiết của việc vận động, bản thân mỗi người mới tự giác thực hiện", bác sĩ Dân nói.
7 giờ sáng mỗi ngày, anh Thanh Tùng, ở Hải Phòng đềuđạp xe đi làm. Đặc thù công việc văn phòng khiến người đàn ông 40 tuổi khổ sở suốt thời gian dài vì chứng đau cổ, vai, gáy. Khi thử thể thao bằng xe đạp kết hợp với chạy 4 km mỗi tối, căn bệnh này dần thuyên giảm. Thấy hiệu quả, từ năm 2019, anh chuyển hẳn sang đạp xe đi làm. Khi đến công ty tiếp tục leo bộ lên tầng 5 thay vì đi thang máy như một hình thức tập luyện.
"Tôi không có nhiều thời gian tập luyện do công việc bận rộn nên thử áp dụng cách này. Không chỉ chữa khỏi chứng bệnh văn phòng, tôi cảm thấy sức khỏe được cải thiện, tinh thần sảng khoái và ngủ ngon hơn", anh Tùng chia sẻ.
Ý kiến ()