Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 07:11 (GMT +7)
“Người vợ cuối cùng”: Diễn viên, bối cảnh "cứu" kịch bản
Thứ 7, 11/11/2023 | 17:35:42 [GMT +7] A A
“Người vợ cuối cùng” đã trở thành tâm điểm chú ý của khán giả và giới chuyên môn trong tháng này khi liên tiếp lập những kỷ lục phòng vé mới. Tác phẩm mới nhất của Victor Vũ vẫn giữ được phong độ về hình ảnh, âm thanh, cùng diễn xuất của dàn diễn viên, nhưng một kịch bản có phần hơi đuối khiến bộ phim giảm mất đôi phần giá trị.
“Người vợ cuối cùng” được khởi động từ cách đây 2 năm, dựa trên tiểu thuyết “Hồ oán hận” của nhà văn Hồng Thái, lấy bối cảnh một vùng quê Bắc Bộ.
Phim xoay quay câu chuyện của nhân vật Linh (Kaity Nguyễn thủ vai), cô con gái nhà nghèo vì cứu cha mà phải đi làm vợ lẽ quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng thủ vai) chỉ để làm phương tiện phục vụ mục đích sinh con trai cho ông ta.
Linh có một mối tình thanh mai trúc mã là Nhân, anh chàng bắt cua nghèo cùng làng. 7 năm sau, khi cuộc sống của Linh chìm trong những đau khổ, bất hạnh do sự bất tương xứng về vị trí của cô trong gia đình nhà quan, và những ghen tuông, không hài lòng của quan và bà vợ cả, thì Nhân đột ngột trở về. Sự trở về của Nhân gây ra những xáo trộn và những ngã rẽ bất ngờ trong cuộc sống của Linh…
Giống như nhiều tác phẩm trước của Victor Vũ, “Người vợ cuối cùng” được đầu tư cực kỳ chỉn chu về mặt bối cảnh. Một ngôi làng mang phong cách Bắc Bộ được xây dựng lại hoàn toàn với hơn 80 ngày làm việc cùng 25 nhân viên của tổ thiết kế.
Đạo diễn Victor Vũ cho biết, anh đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, trong đó có cuốn “Kỹ thuật của người An Nam” (Technique du peuple Annamite), do tác giả Henri Oger thực hiện những năm 1908-1909 để xây dựng bối cảnh bộ phim.
Đạo diễn Victor Vũ cho biết, khi đọc tiểu thuyết, anh hình dung ra bối cảnh sẽ là một làng quê nhỏ bên hồ, dưới chân núi, và đã nghĩ rằng sẽ rất khó để tìm được một ngôi làng như vậy trong thực tế. Nhưng khi đến vùng hồ Ba Bể, Bắc Kạn, anh nhận thấy cảnh vật ở đây giống hệt như hình dung, quá hoàn hảo cho bộ phim. Để đến được nơi này, phải mất hàng tiếng đồng hồ, từ đi ô tô, đi thuyền. “Nhưng khi nhìn lại những gì mình quay, tôi cảm thấy những gì mình làm là xứng đáng” – anh chia sẻ.
Cùng với bối cảnh, phục trang của bộ phim cũng được may cầu kỳ, chỉn chu. Toàn bộ trang phục được may riêng cho từng diễn viên, và có những bộ có tới 3-4 lớp. Riêng ba nhân vật vợ cả, vợ hai và vợ ba của quan huyện Đức Trọng là những bộ trang phục được may để thể hiện tính cách, địa vị xuất thân của từng người.
Bà cả (NSƯT Kim Oanh đóng) luôn mặc những tông màu nóng như đỏ sẫm, nâu, hoa văn đơn giản, trang sức không cầu kỳ nhưng luôn đầy đủ từ vòng cổ, vòng tay, đến trâm cài, nhẫn… Bà hai (Đinh Ngọc Diệp) mặc những màu sắc tươi sáng nhưng không quá rực rỡ, trang sức cầu kỳ và cách trang điểm cũng rực rỡ hơn bà cả, chứng tỏ thân phận con nhà gia thế, tính cách vui vẻ, tưng tửng, không phải lo nghĩ nhiều. Bà ba (Kaity Nguyễn) mặc những bộ trang phục giản dị, màu trầm, nhã nhặn, trang sức cũng vô cùng đơn giản, cho thấy thân phận thấp kém, được gả vào nhà quan chỉ để phục vụ mục đích sinh con trai cho quan.
Diễn viên Đinh Ngọc Diệp cho biết, hàng trăm diễn viên đều được may trang phục riêng, với hàng nghìn mét vài. Giám đốc mỹ thuật của phim là Ghia Ci Fam luôn yêu cầu diễn viên phải mặc đầy đủ các lớp áo, không được bỏ lớp nào bất kể điều kiện gì, kể cả trong thời tiết nóng nực, bởi có như vậy mới cảm nhận được giá trị cũng như ý nghĩa của bộ trang phục.
Còn NSƯT Kim Oanh chia sẻ, chị chưa bao giờ làm việc với một họa sĩ nào kỹ tính như Ghia Ci Fam. Trước mỗi cảnh quay, anh tỉ mỉ chọn cho nhân vật bà cả từng chiếc vòng, chiếc nhẫn. Từ những nếp áo, cho đến trang sức, cách hóa trang ba bà vợ khác nhau, có thể thấy ba bà vợ đều có những sắc thái riêng nhưng lại vẫn ở trong một tổng thể chung.
Chưa hết, từng chi tiết nhỏ trong bộ phim đều được ê kíp làm phim nghiên cứu và chăm chút tỉ mỉ. Đinh Ngọc Diệp, cũng là nhà sản xuất phim cho biết, ê kíp đã dày công nghiên cứu từng chi tiết hoa văn trên bát đĩa, trên cột kèo, rèm, màn trang trí trong nhà. Toàn bộ đồ sứ sử dụng trong bộ phim được làm riêng, với các chi tiết hoa văn đều được vẽ tay, với số lượng lên đến hàng nghìn món.
Cùng với sự đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh, trang phục, đạo cụ, điểm sáng lớn nhất của bộ phim là diễn xuất của cả dàn diễn viên. Hai diễn viên phía bắc là NSƯT Quang Thắng và NSƯT Kim Oanh như được “đo ni đóng giày” cho vai quan huyện và bà cả.
NSƯT Quang Thắng với vốn kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, chinh chiến từ sân khấu đến truyền hình, đã cho thấy một ông quan huyện dốt nát nhưng đầy dã tâm, tham lam và giàu mưu hèn kế bẩn để đạt được mục đích của mình. Cái duyên của Quang Thắng là khiến người xem buồn cười vì sự ngây ngô của ông quan huyện khi bị “mắc lỡm” nhưng lại ghê sợ khi không từ thủ đoạn nào kể cả vấy máu dân lành trong những vụ xét xử.
NSƯT Kim Oanh vào vai bà cả trơn nuột như không cần phải diễn, đó chính là sự chuyên nghiệp và giàu vốn sống, vốn kiến thức về văn hóa, xã hội mà chị tích lũy trong suốt hành trình theo đuổi nghiệp diễn của mình. Nhân vật bà cả vừa đáng thương vừa đáng ghét khi luôn phải gồng mình lên để thể hiện cái uy, vai trò của mình trong gia đình, nhưng khi cần lại bộc lộ cái ác đến tột cùng, chứ không chỉ là sự ghê gớm sắc sảo bên ngoài.
Đinh Ngọc Diệp cũng là một nét lạ khi thoát xác hình ảnh những cô gái hiện đại mà cô từng thể hiện, để vào vai một bà hai tiểu thư đài các, ăn diện, tưng tửng, thích châm chọc, nhưng cũng giàu lòng trắc ẩn, không phân biệt danh phận, địa vị trong nhà để bảo vệ người phụ nữ yếu thế hơn mình đang lâm vào bước đường cùng.
Quốc Huy vai quan thầy Kiên, được phái đi điều tra vụ án mạng, cũng thể hiện tốt vai trò của mình khi làm nên một ông quan “điều tra” cầm cân nảy mực, không bỏ sót tội phạm, nhưng cân nhắc có tình có lý, để đường sống cho những nạn nhân thực sự và lôi kẻ ác ra ánh sáng. Anh thể hiện được ông quan điều tra có ánh nhìn sắc sảo, khiến cho người đối diện cảm giác như những gì bị che giấu đã bị lộ hết, nhưng lại cũng có cái nhìn bao dung, thấu hiểu và thương cảm cho những thân phận bị đẩy đến bước đường cùng.
Cặp diễn viên chính Kaity Nguyễn và Thuận Nguyễn sáng khung hình, đẹp và diễn tròn vai, tuy nhiên sự xuất sắc của dàn diễn viên phụ, đặc biệt là hai NSƯT Kim Oanh và Quang Thắng khiến cặp diễn viên chính này phần nào lu mờ.
Phần yếu nhất của phim là kịch bản khi xây dựng các mối liên kết để đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm khá lỏng lẻo. Nhiều khán giả đã thắc mắc về sự dễ dàng của người vợ ba mỗi khi qua lại với người yêu cũ một cách khá thoải mái, qua mặt dễ dàng sự khắt khe và cẩn mật vốn có trong những gia đình quan lại thời phong kiến. Những chi tiết nhỏ của câu chuyện đôi khi cũng chưa hợp lý, như việc lấy trộm tiền rất lặt vặt để chạy trốn của cô vợ ba và người tình, hay việc Nhân chôn xác chết ngay cạnh nhà mặc dù biết đó là việc nghiêm trọng và dễ bị lộ…
Kịch bản phim cũng khá nhạt nhòa khi câu chuyện được phát triển khá cũ, một chiều, thiếu điểm nhấn, thiếu sự cài cắm và những bất ngờ. Những chi tiết “mở khóa” khá dễ đoán, thậm chí có thể đoán ngay được từ đầu phim.
Và không nói ngoa khi cho rằng, toàn bộ dàn diễn viên, bối cảnh, phục trang và đạo cụ đã “cứu” cho câu chuyện của phim khi tất cả đều xuất sắc, trừ nội dung. Đây cũng là điều đáng tiếc khi bộ phim đã có thể hoàn chỉnh hơn nếu kịch bản được chăm chút kỹ.
Tuy nhiên, về mặt doanh thu, “Người vợ cuối cùng” đang gặt hái những quả ngọt khi liên tiếp đạt mức doanh thu phòng vé cao. Tính đến ngày 10/11, doanh thu của phim đạt gần 60 tỷ đồng, chỉ sau 1 tuần công chiếu.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()