Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:54 (GMT +7)
Nguồn lực cho giữ gìn các di tích
Chủ nhật, 12/01/2025 | 10:27:46 [GMT +7] A A
Đất nước ta nói chung, Quảng Ninh nói riêng có những di tích, di sản, tài sản vô cùng quý giá góp phần định vị thương hiệu quốc gia, dân tộc, địa phương. Những di sản văn hóa này không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần khẳng định niềm tự hào dân tộc, mà còn là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Khái niệm Kinh tế di sản lần đầu tiên được đặt ra tại tỉnh Nghệ An từ năm 2013. Tháng 5/2019, tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế” với chủ đề “Kinh tế di sản - Một động lực tăng trưởng mới”. Ngày 21/12/2024, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”. Các đại biểu là học giả, chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý trong cả nước đã tham gia nhiều giải pháp, kiến nghị tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung tiếp tục phát triển hiệu quả kinh tế di sản cho thấy vai trò quan trọng của lĩnh vực này.
Kinh tế di sản (heritage economy) được hiểu là một lĩnh vực nghiên cứu và thực hành tập trung vào việc sử dụng và khai thác các tài sản văn hóa, lịch sử và tự nhiên để tạo ra giá trị kinh tế. Điều này bao gồm các hoạt động như bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch di sản và sử dụng các tài nguyên di sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cộng đồng. Những năm gần đây, bên cạnh tư duy phát triển dựa trên các trụ cột kinh tế, môi trường và xã hội, càng ngày các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và thực hành di sản càng nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản như nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững. Theo các chuyên gia kinh tế, văn hoá, phát triển kinh tế di sản có thể góp phần bảo tồn di sản.
Cụ thể, phát triển du lịch di sản có thể mang lại doanh thu, từ đó tạo ra nguồn tài chính để đầu tư vào việc bảo tồn, sửa chữa và duy trì các di sản. Cùng với đó, các hoạt động kinh tế liên quan đến di sản thường đi kèm với giáo dục và tuyên truyền, giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn về giá trị của di sản, từ đó tăng cường ý thức bảo vệ. Sự phát triển kinh tế từ di sản còn có thể tạo ra việc làm và cơ hội cho người dân địa phương, khuyến khích họ tham gia vào việc bảo tồn di sản của cộng đồng mình. Bằng cách phát triển các mô hình du lịch bền vững, việc bảo tồn di sản có thể được kết hợp với hoạt động kinh tế, giảm áp lực lên tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thêm nữa, phát triển kinh tế di sản có thể thúc đẩy các ngành liên quan như ẩm thực, nghệ thuật và thủ công truyền thống, từ đó tạo ra một chuỗi giá trị bền vững. Tóm lại, phát triển kinh tế di sản không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa và lịch sử mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.
Theo PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), di sản văn hóa có vị trí quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thành quả của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian qua là thực tiễn sinh động, khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam vừa là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển.
"Việt Nam có tiềm năng của các di sản là rất lớn, tuy nhiên theo các chuyên gia, làm thế nào để chúng ta đánh thức và tận dụng được hết những tiềm năng ấy đặc biệt trong lĩnh vực du lịch lại không phải là chuyện dễ. Nó không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực là kinh phí mà vấn đề căn bản có lẽ vẫn là nằm ở nhận thức, tư duy sáng tạo"- PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()