Tất cả chuyên mục

Vừa qua, Công ty Văn hoá sáng tạo Trí Việt First News và Nhà sách Tân Việt đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu giữa Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký với học sinh Quảng Ninh. Trong khuôn khổ buổi giao lưu, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã chia sẻ nghị lực sống với học sinh Quảng Ninh, đồng thời, giới thiệu cuốn sách “Tôi đi học” của mình vừa được tái bản...
Nhân dịp này, PV Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.
- Chào thầy Nguyễn Ngọc Ký. Sức khoẻ của thầy dịp này vẫn tốt chứ ạ?
+ Cảm ơn anh. Sức khoẻ của tôi vẫn “trong vòng kiểm soát”. Nói vậy thôi chứ thú thực với anh vừa ra đến nơi tôi đã phải vào bệnh viện chạy thận rồi. Một tuần 3 lần chạy thận trong suốt hơn 3 năm nay. Mạch của tôi lại không được tốt lắm, ra đây lại không quen đường đi nước bước, không quen bệnh viện. Bây giờ với tôi, sức khoẻ là quan trọng nhất, là cái mà tôi đang lo lắng nhất…
![]() |
![]() |
Thầy Nguyễn Ngọc Ký tại buổi giao lưu với học sinh Quảng Ninh. |
- Với sức khoẻ như thế mà thầy vẫn ra Quảng Ninh đợt này là cả một sự cố gắng lớn?
+ Đúng thế. Nói thực là vợ chồng tôi phải đợi con đi làm rồi trốn đi đấy (cười). Khi mới biết ý định, chúng ngăn không cho đi đâu. Chúng bảo: “Sức khoẻ của bố bây giờ là tài sản vô giá đối với các con. Danh tiếng bố có rồi, tiền bạc bố thiếu thì các con chu cấp”. Khi vợ chồng tôi ra tới Quảng Ninh, tôi gọi về để các con yên tâm, tôi bảo các con rằng: “Đến tuổi bố bây giờ còn cần tiền, cần danh gì nữa. Cái bố cần là làm sao nhóm lên và nhân rộng hơn, làm lan toả ngọn lửa vượt qua chính mình…”.
Tôi cũng tự xác định đây là cái nghiệp của tôi, của một người cầm bút, một nhà giáo bao năm gắn bó với học trò. Nói thực, chưa lúc nào tôi cảm thấy hài lòng với chính mình. Tôi phải đến gần hơn với bạn đọc để chia sẻ giãi bày. Nếu chưa làm được điều đó tôi cảm thấy rất có lỗi, áy náy trong lòng mãi không yên…
Nhà giáo - Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, được mệnh danh là “Nick Vujicic của Việt Nam”, sinh năm 1947, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Gặp bạo bệnh, bị liệt cả hai tay, nhưng lên 7 tuổi, cậu bé Ký vẫn quyết tâm đến trường, tập viết bằng chân. Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý. Năm 1963, Nguyễn Ngọc Ký tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán toàn quốc và xuất sắc đứng thứ 5, được Bác Hồ tặng Huy hiệu lần thứ 2. Năm 1966, ông vào học Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và năm 1970, ông tốt nghiệp đại học đồng thời cho ra đời cuốn tự truyện “Những năm tháng không quên” (sau này tái bản đổi tên là “Tôi đi học”). Năm 1994, ông chuyển công tác từ Nam Định vào TP Hồ Chí Minh để tiện chữa bệnh. Ông đã có hơn 1.500 buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên, xuất bản được trên 30 đầu sách. Các tác phẩm của ông luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn và tính giáo dục sâu sắc. Ông được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam... |
- Có người nói, thầy viết nên sự nghiệp, viết nên số phận bằng… đôi chân. Thầy nghĩ sao về nhận định đấy?
+ Đấy chỉ là cách các bạn làm báo thường rút tít để gây hấp dẫn thôi. Tôi nghĩ, viết bằng cái gì chỉ là hình thức, phương tiện và đều không quan trọng. Cái quan trọng nhất là ai cũng phải viết bằng khối óc và trái tim. Chân tay chỉ là “thừa hành mệnh lệnh” của con tim và khối óc mà thôi. Nếu người cầm bút không viết ra bằng trái tim nóng hổi, dưới sự chỉ đạo của lý trí sáng suốt thì sẽ không có tác phẩm neo lại được với người đọc…
- Và cuốn sách “Tôi đi học” đã “neo lại” với bạn đọc nhỏ tuổi Quảng Ninh. Thầy có nghĩ vậy không?
+ Tôi nghĩ là ít nhiều nó đã làm được điều đó! Anh có biết tôi đã nói gì sau buổi giao lưu không? Tuyệt vời. Tôi đã thốt lên như vậy với Ban Tổ chức. Tôi rất hạnh phúc trước sự cổ vũ nồng nhiệt của bạn đọc Quảng Ninh. Ý tưởng tổ chức cuộc giao lưu này do Tân Việt và First News Trí Việt có sự gặp gỡ tương đồng nên đã phối hợp với nhau. First News Trí Việt đang ký hợp đồng thực hiện trọn bộ những cuốn sách của tôi trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn”. Tôi lại chủ yếu viết cho thiếu nhi mà đối tượng của Nhà sách Tân Việt hướng đến chủ yếu là độc giả nhỏ tuổi. Vì thế, mới có cuộc gặp gỡ của tôi ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, tôi cũng thấy, không chỉ có học sinh mà các bậc phụ huynh, giáo viên đều háo hức đón nhận cuốn sách này…
- Học trò bây giờ đã khác với học trò 44 năm trước (khi cuốn sách ra đời). Tâm thế đọc sách của độc giả nhí đã khác. Vậy, theo thầy điều gì làm nên sự thành công ấy?
+ Năm 1970, cuốn sách ra đời sau mấy năm tôi nung nấu. Từ đó đến nay, nó được tái bản nhiều lần. Tôi rất mừng về điều đó. Tuy nhiên, đúng như anh nói, thời gian biến chuyển, mọi cái thay đổi theo, học trò bây giờ đã khác rất nhiều. Học trò ngày xưa chủ yếu tiếp cận tri thức qua thầy cô, qua sách vở. Bây giờ, học trò học tập thuận lợi hơn khi có được rất nhiều kênh để tiếp cận tri thức. Và cũng hơi buồn một chút… khi giờ mối quan hệ thầy trò hiện tại không còn thiêng liêng như xưa nữa…
Tuy nhiên, tôi nghĩ, cái sự học thời nào cũng vẫn theo dòng chảy cơ bản ấy thôi. Đã là học trò thì đều có cái chung là khao khát học giỏi, làm thế nào để học giỏi, nhiều em có ý chí, nghị lực vươn lên. Lúc nào học trò cũng cần được chia sẻ. Và trong cuốn sách này, tôi đã trả lời những câu hỏi ấy bằng chính kinh nghiệm của mình…
- Hiện tại, ở Quảng Ninh cũng đang có những người khuyết tật có hoàn cảnh gần giống như thầy, và họ cũng rất đam mê viết văn, đam mê “truyền lửa” cho giới trẻ… Thầy có lời khuyên gì cho họ?
+ Mỗi con người tồn tại giữa đời cần biết mình là ai. Từ đó, phải biết phát huy tối đa sở trường và hạn chế sở đoản. Thực ra, người khuyết tật họ có vốn của cải rất giàu, đó là thời gian và nghị lực. Thêm nữa, họ có tâm hồn rất nhạy cảm. Tất cả cộng lại sẽ giúp họ biến không thành có, biến thách thức thành cơ hội. Từ đó, họ sẽ chọn nghề nào đó phù hợp với mình. Người khuyết tật luôn khao khát chia sẻ nên họ hay chọn văn chương để giải toả tâm lý. Khi nói điều gì đó ra trang giấy tức là bản thân đã được giải thoát. Lúc khó khăn, tôi luôn động viên mình: “Hãy biết mơ những khoảng trời, cười trong nước mắt và cắt những cái thừa”. Người khuyết tật dễ tủi thân, dễ khóc nhưng hãy biến nước mắt tủi hờn ấy thành nghị lực, thành khát vọng để vươn tới những khoảng trời xa…
Từ 2003 đến nay, tôi làm công tác tư vấn tâm lý học đường cho Tổng đài 1080. Tôi nghĩ, không phải tôi đưa ra lời khuyên cho họ mà là lắng nghe họ, chia sẻ tâm tư của mình cùng họ. Đấy là cách giúp đỡ họ tốt nhất…
- Xin được hỏi thêm thầy một câu: Đây là lần thứ mấy thầy đến với Quảng Ninh? Cảm nhận của thầy như thế nào về đất và người Quảng Ninh?
+ Năm 2008, lần đầu tiên tôi đến với Quảng Ninh. Tôi được học trò, anh em bạn bè đưa đi thăm thú đất này trong 3 ngày. Lần này ra thấy Quảng Ninh thay đổi nhanh thật. Tôi vẫn cảm thấy một không khí êm đềm, thơ mộng, quyến rũ trong cái tốc độ phát triển ấy. Ra thăm Vịnh Hạ Long, tôi như lạc vào bàn tay sắp xếp của tạo hoá, như hoà nhập vào thiên nhiên. Đang sống giữa Sài Gòn cuồn cuộn, sôi động, ra đây thấy thư thái vô cùng. Nhịp sống ở đây diễn ra rất bình thản.
Còn người Quảng Ninh thật dễ thương và hồ hởi. Tôi xúc động khi mấy cô gái ở nhà hàng, bệnh viện phát hiện ra tôi, họ vây lấy tôi, chăm sóc tôi rất nhiệt tình...
- Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện rất bổ ích này. Chúc thầy luôn khoẻ mạnh và có thêm những cuốn sách hay!
Phạm Học (Thực hiện)
Ý kiến (0)