Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 19:19 (GMT +7)
Nguy cơ gia tăng ung thư đường tiêu hóa do lối sống không lành mạnh
Thứ 6, 15/03/2024 | 17:37:00 [GMT +7] A A
Việt Nam mỗi năm có hơn 200.000 ca mắc mới và hơn 100.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó ung thư đường tiêu hóa chiếm hơn 30%, thường gặp nhất là ung thư gan 14,5%, ung thư dạ dày 9,8%.
Hiện nay, nhiều thống kê từ các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư đường tiêu hóa đến từ lối sống là chủ yếu, đặc biệt là stress và áp lực cuộc sống hiện đại khiến nhiều người bị viêm loét dạ dày mãn tính, gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ tại Hội nghị cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa, diễn ra ngày 15/3 tại Hà Nội.
Ung thư đường tiêu hóa chiếm hơn 30%
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam, ung thư đường tiêu hóa là nhóm bệnh thường gặp nhất trong số các loại bệnh ung thư. Ung thư đường tiêu hóa bao gồm: Ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư tụy, ung thư đường mật…
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Ung thư Thế giới (GLOBOCAN), trên thế giới có gần 2 triệu ca mắc mới ung thư đại trực tràng, trong đó có hơn 930.000 ca tử vong và 1,1 triệu ca mắc mới ung thư dạ dày trong đó có gần 769.000 ca tử vong.
Việt Nam mỗi năm có hơn 200.000 ca mắc mới và hơn 100.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó ung thư đường tiêu hóa chiếm hơn 30%, thường gặp nhất là ung thư gan (14,5%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%).
Theo Phó giáo sư Cơ, nhờ những tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị, bệnh ung thư đường tiêu hóa có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn.
Người nhiễm vi khuẩn HP nên xét nghiệm cho cả gia đình
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng cho biết hiện nay bệnh ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư dạ dày nói riêng đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều bệnh nhân mới đang ở độ tuổi 20, thậm chí có em nhỏ dưới 10 tuổi.
Bệnh đang có xu hướng tỉ lệ mắc tăng và trẻ hóa. Việc chẩn đoán ra bệnh ở giai đoạn sớm cũng như áp dụng các tiến bộ trong điều trị rất quan trọng để từ đó tăng tỉ lệ điều trị khỏi bệnh, hạn chế tác dụng phụ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh ung thư đường tiêu hóa thường mờ nhạt, diễn tiến âm thầm và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác, do đó thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Theo bác sĩ Hùng, mỗi ngày, bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai thực hiện khoảng 2.000 ca nội soi đường tiêu hóa, trong đó khoảng 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và khoảng 1-2% bệnh nhân bị ung thư dạ dày.
“Nguyên nhân ung thư dạ dày có thể do ăn uống không lành mạnh, ăn mặn, ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ gây quá tải cho đường tiêu hóa; lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá; nhiễm vi khuẩn HP; yếu tố di truyền; viêm loét dạ dày mãn tính… Đối với trẻ nhỏ mắc ung thư dạ dày thường là do nhiễm vi khuẩn HP lây truyền từ cha mẹ hoặc từ môi trường xung quanh. Lâu dần, vi khuẩn HP gây ra các ổ loét mãn tính và tiến triển thành ung thư dạ dày,” bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Trẻ em thường không để tâm đến các khó chịu từ đường tiêu hóa hoặc có thì cha mẹ cũng chủ quan, cho rằng con bị rối loạn tiêu hóa. Do đó, nếu gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP thì nên đi xét nghiệm cho toàn bộ gia đình để điều trị dứt điểm, tránh lây lan.
Tiến sĩ Hùng cảnh báo nếu bị viêm loét dạ dày mà không điều trị dứt điểm thì 40% trở thành bệnh viêm loét dạ dày mãn tính. Trong số bệnh nhân viêm loét dạ dày mãn tính thì có khoảng 60% bị ung thư dạ dày.
Theo bác sĩ Hùng, căng thẳng khiến nhiều người bị viêm loét dạ dày, là yếu tố nguy hiểm đối với ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư dạ dày nói riêng nhưng lại khó giải quyết. Do đó, mỗi người cần cố gắng duy trì lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhạt… Đặc biệt cứ 6 tháng 1 lần, người có nguy cơ nên đi nội soi đường tiêu hóa để phát hiện sớm các dấu hiệu sớm của bệnh đường tiêu hóa để có điều trị kịp thời, tránh cho tổn thương tiến triển thành ung thư./.
Hội nghị cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa với 29 báo cáo khoa học của các chuyên gia trong và ngoài nước cập nhật những kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay về chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa: ứng dụng các phương pháp mới để chẩn đoán (12 bài); các kỹ thuật mới trong điều trị phẫu thuật, can thiệp (6 bài), các phương pháp điều trị đích, điều trị miễn dịch (11 bài). Tại hội nghị, nhiều nội dung như: chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, nội soi can thiệp đường tiêu hóa, phẫu thuật, hóa trị, điều trị đích, miễn dịch, sinh học phân tử và tư vấn di truyền bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa... được trao đổi chuyên sâu. |
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()