Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:57 (GMT +7)
Nguy cơ ngộ độc thuốc khi trẻ nghỉ hè, cách nào phòng ngừa?
Thứ 6, 09/06/2023 | 14:07:54 [GMT +7] A A
Ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ không phải là tình trạng hiếm gặp, đặc biệt là trong giai đoạn nghỉ hè hiện nay, nhiều trẻ ở nhà với ông bà, người giúp việc, hoặc ở nhà một mình làm tăng nguy cơ ngộ độc nếu người lớn bất cẩn...
1. Nguyên nhân gây ra ngộ độc thuốc ở trẻ em
Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng, trẻ nhỏ từ 0-5 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ ngộ độc thuốc cao nhất. Những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc ở trẻ em đa phần là do sự bất cẩn của người lớn.
Trên thực tế, đã có trường hợp trẻ uống nhầm thuốc điều trị bệnh của bố mẹ, ông bà do người lớn không để thuốc ở đúng nơi quy định.
Cũng có trường hợp, bố đang dùng thuốc điều trị bệnh tâm thần, đã pha thuốc vào sữa nhưng chưa uống ngay. Trẻ nhầm tưởng và đã uống cốc sữa chứa thuốc đó, dẫn đến ngộ độc.
Bên cạnh đó, nhiều viên thuốc được bào chế với màu sắc, hình dạng bắt mắt, trẻ nhỏ vốn tò mò và hiếu động, có thể cho viên thuốc vào miệng.
Ngoài ra, cũng có nhiều trẻ bị ngộ độc thuốc do bố mẹ tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm bản thân hay theo mách bảo của người khác mà không đưa trẻ đi khám bác sĩ. Nhiều trường hợp dùng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của người này cho người khác, khi thấy trẻ dùng thuốc chưa đỡ thì tự ý tăng liều hay tự phân lại liều từ liều dùng của người lớn... gây ra nguy cơ ngộ độc thuốc cho trẻ.
2. Dấu hiệu ngộ độc thuốc ở trẻ và cách sơ cứu tại nhà
BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, trẻ bị ngộ độc thuốc có thể có những biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy... Trường hợp nhẹ trẻ có thể ho sặc sụa, tâm lý hoảng hốt. Nghiêm trọng hơn, trẻ có biểu hiện khó thở, thở gấp, tím tái, hôn mê, co giật…
Nếu nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thuốc, bố mẹ, người nhà cần bình tĩnh và tìm hiểu về loại thuốc mà bé đã uống nhầm.
Trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ để tống ngược chất độc ra ngoài. Giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, không được bế nằm vì có thể gây trào ngực vào thực quản, khí quản, thậm chí phổi khi trẻ đang nôn ói nhiều.
Tuy nhiên, không được gây nôn trong trường hợp trẻ đã bị hôn mê, trẻ đang lên cơn co giật.
Sau bước sơ cứu ban đầu, cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để cấp cứu, giải độc cho trẻ. Khi đi nhớ cầm theo thuốc nghi ngờ gây độc để bác sĩ biết được nguyên nhân và có phương án giải độc phù hợp.
3. Lời khuyên của bác sĩ giúp phòng ngừa ngộ độc thuốc khi trẻ nghỉ hè
Trong thời gian nghỉ hè, nguy cơ ngộ độc thuốc ở trẻ có xu hướng gia tăng do trẻ thường ở nhà với ông bà, người giúp việc, thậm chí ở nhà tự chơi một mình mà không có sự giám sát của người lớn.
Để phòng ngừa ngộ độc thuốc, BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo:
- Mỗi gia đình cần có tủ thuốc cố định, treo cao ngoài tầm với của trẻ để bảo quản thuốc.
- Không để thuốc vào những vật đựng có thể gây nhầm lẫn cho trẻ, luôn để thuốc tránh xa tầm tay bé.
- Cha mẹ, ông bà không được tự ý mua thuốc cho trẻ nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
- Nếu trẻ đau ốm, cần đưa trẻ đi khám và tuân thủ đơn thuốc bác sĩ kê, tuyệt đối không tự tăng giảm liều hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()