Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang phải cắt giảm công suất từ 105% xuống còn 80% vì thiếu nguồn tiền khi PVN chưa thực hiện một số nghĩa vụ tài chính với nhà máy này, khiến việc nhập dầu thô cho sản xuất bị gián đoạn. Với thị phần nguồn cung khoảng hơn 35%, Lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất, hoặc xấu hơn là có thể dừng sản xuất, sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xăng, dầu trong nước.
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, năm nay nhập khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu một tháng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn qua công ty bao tiêu sản phẩm thuộc PVN.
Trước diễn biến của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Petrolimex lo ngại về nguy cơ thiếu nghiêm trọng nguồn cung xăng dầu và tồn kho. Việc này sẽ khiến tập đoàn không đảm bảo được thị phần, nhất là trong dịp Tết Âm lịch cận kề, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước tăng cao.
Không riêng Petrolimex, một số đầu mối xăng dầu khác cũng chung mối lo tương tự. Lãnh đạo một doanh nghiệp phía Nam cho hay, khoảng một nửa lượng hàng bán ra thị trường của doanh nghiệp là từ nguồn nhập Lọc dầu Nghi Sơn. Khi nhà máy này cắt giảm công suất, các bộ phận liên quan của doanh nghiệp đang tích cực làm việc với các đối tác khác để ký mua, thậm chí là tăng nhập khẩu để bổ sung nguồn hàng thay thế.
"Chúng tôi chuyển hướng tăng nhập khẩu, nhưng thời điểm cận kề nghỉ Tết tại một số thị trường nhập truyền thống khiến việc đàm phán, chốt ký thêm các hợp đồng mới bị ảnh hưởng", ông cho hay.
Trong khi đó, phía Petrolimex cũng cho biết, sẽ cố gắng tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu bổ sung và điều tiết hệ thống phân phối để đáp ứng tốt nhất theo khả năng và tồn kho thị trường. Tập đoàn này cũng yêu cầu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, nếu cung ứng thiếu so với hợp đồng phải có nghĩa vụ mua bổ sung nguồn hàng thay thế theo quy định của Nghị Định 95.
Lo tìm nguồn hàng bổ sung khi thiếu hụt, các doanh nghiệp cũng đối diện lo ngại khác là giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang "nhảy nhót". Việc tăng nhập khẩu lúc này rất rủi ro cho họ vì giá cao. Theo số liệu cập nhật từ Bộ Công Thương, ngày 20/1, giá xăng RON 92 thành phẩm trên thị trường Singapore (thị trường nhập chủ yếu của các doanh nghiệp) là 97,99 USD một thùng; xăng RON 95 là 99,79 USD một thùng. Dầu hoả và dầu diesel lần lượt 98,10 và 100,64 USD mỗi thùng.
Ngưỡng giá trên 90 USD một thùng xăng thành phẩm, tuỳ loại đã duy trì từ cuối tháng 12/2021 đến nay và chưa có dấu hiệu giảm.
Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Ông cũng chia sẻ lo lắng của các doanh nghiệp đầu mối khi "thời điểm giá đang lên thì phải tăng nhập khẩu, chịu lỗ". Tuy nhiên, cơ quan điều hành mong doanh nghiệp chia sẻ, bởi theo quy định thì doanh nghiệp đầu mối phải tìm nguồn, bổ sung nguồn để có hàng liên tục bán ra thị trường.
Với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ này yêu cầu báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, tránh ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước. "Doanh nghiệp đang chịu áp lực về tài chính, nhưng họ phải tính cân đối chi phí giữa việc được - mất khi dừng sản xuất và vẫn vận hành", ông nói.
Trong khi các doanh nghiệp đầu mối lo tìm nguồn, đảm bảo tránh đứt nguồn cung cho thị trường nội địa, các đại lý kinh doanh xăng dầu, cho biết vài hôm nay nhận được thông báo từ các đầu mối lớn về khả năng tăng giá nhập hàng.
Các lô hàng nhập tới đây đại lý sẽ phải trả thêm khoảng 5-7% và phải thông báo sớm số lượng nhập để đơn vị cung ứng điều tiết. "Chiết khấu nhiều mặt hàng đã về 0 đồng, giá nhập hàng lại tăng nên với các lô hàng nhập tới doanh nghiệp chắc chắn phải bù lỗ", một đại lý tại Hà Nội chia sẻ.
Về lo ngại thiếu nguồn cung xăng dầu, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước khẳng định, Bộ có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước và sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này.
Dù vậy, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đề nghị, Bộ Công Thương cần có giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro cho họ, khi phải nhập khẩu bổ sung nguồn xăng dầu không có thuế suất ưu đãi để đáp ứng khẩn cấp nhu cầu trong nước, vì có thể làm tăng chi phí, giá thành.
Bộ Công Thương cũng cần có ý kiến chỉ đạo PVN, Nhà máy lọc dầu Dung Quất Dung Quất tăng công suất, sản lượng cấp ngay trong tháng 1 để bù đắp lượng thiếu hụt theo hợp đồng đã ký từ Nghi Sơn.
Ý kiến ()