Tất cả chuyên mục

Nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm sinh năm Nhâm Ngọ, cầm tinh con ngựa nên cái chân ham đi. Ham đi để nuôi dưỡng cảm xúc, để sáng tác, để có thơ nhiều hơn. Và thơ ông cũng phiêu du theo những bước chân phiêu lãng.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm, sinh năm 1942, quê ở Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là giáo viên văn Trường THPT Yên Lạc, sau chuyển sang làm giáo viên Trường Văn hóa - Nghệ thuật Đoan Hùng, Phú Thọ trước khi về định cư ở Quảng Ninh.
Về Quảng Ninh, Nguyễn Đăng Sâm ham chơi, ham đi, ham giao du với bạn bè: “Đã thành người của muôn nơi/ Câu thơ cháy hết cuộc chơi có về?” (Người của muôn nơi). Nhà văn Dương Hướng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh, cho biết: "Tôi quen thân từ khi ông về Quảng Ninh, ông hết mình với bạn bè và là một kẻ đa tình trong văn chương. Ông là nhà thơ có tính cách phóng khoáng, chân tình, vui vẻ, nhiệt tình với công tác hội, với anh em văn nghệ sĩ".
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, chia sẻ: "Thời gian làm công tác Hội, tôi gắn bó với nhiều tập thơ của anh. Thơ Nguyễn Đăng Sâm dung dị, gần gũi như con người anh hiền lành, chân thành, gắn bó với mọi người xung quanh. Đọc thơ anh thấy được sự chân thành, lạc quan và nhiều người nhận ra mình ở trong đó". Độc giả Nguyễn Thị Tố Hảo, nhân viên thư viện Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận xét: "Cảm nhận đầu tiên về thơ Nguyễn Đăng Sâm đó là cảm xúc rất thật, câu từ giản dị, gần gũi, nhưng lại rất đắt, rất hiếm. Đọc thơ Nguyễn Đăng Sâm nhiều người lại thấy chứa đựng cả tình cảm của mình trong đó".
Ham giao lưu bè bạn nên Nguyễn Đăng Sâm rất sợ cô đơn, nhất là cô đơn trong tình yêu: “Đi buôn sợ nhất trắng tay/ Tình yêu sợ nhất có ngày cô đơn!” (Tình người). Người thơ rất sợ bị bỏ lại phía sau: “Giữa đường còn lại một mình/ Em đi bỏ gánh thơ tình cho tôi!” (Sang sông). Hay như: “Lời thề cửa miệng bay đâu/ Bẽ bàng đọng lại ở câu thơ buồn” (Đôi ngả). Bởi thế Nguyễn Đăng Sâm rất sợ bị phụ tình: “Lời thề em bán ở đâu/ Cho anh chuộc lại bằng câu thơ tình” (Gửi), “Nói lời gió thoảng còn đâu/ May ra sót lại vài câu thơ tình” (Chữ tình). An ủi lòng thật đấy nhưng vẫn thấy sự xót xa: “Trách làm chi nữa bùa yêu/ Coi như con trẻ thả diều đứt dây!” (Tình phụ). Nhưng cũng chính cái sự mất mát ấy lại là khởi nguồn cho thơ: “Kể từ lúc chạm vết đau/ Lệ rơi chìm nổi thành câu thơ tình” (Lục bát đôi câu).
Nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm đã in 5 tập thơ và hầu hết đều là lục bát, đặc biệt có những tập thơ ngay cái tên đã là lục bát, như: “Lục bát sang sông" (NXB Hội Nhà văn năm 2005), “Lục bát đa tình” (NXB Hội Nhà văn 2008) và “Lục bát đa mang" (NXB Hội Nhà văn năm 2008). Nguyễn Đăng Sâm có nhiều đổi mới, cách tân thơ lục bát. Trong đội ngũ những người làm thơ lục bát Quảng Ninh hiện nay như Lê Hường, Bùi Hữu Thiềm, Đỗ Văn Luyến, Vũ Xuân Hồng... thì Nguyễn Đăng Sâm mang đến một giọng điệu riêng: “Ở đây có kẻ đa tình/ Nửa đêm vác bút ra rình trăng lên!” (Ngẫu hứng).
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, nhận xét: "Nguyễn Đăng Sâm đến với đội ngũ văn chương Quảng Ninh khá muộn cả về tuổi tác lẫn sáng tác thơ ca. Ông xuất hiện với vai trò tác giả truyện ngắn trước khi là nhà thơ. Thể loại chủ yếu mà ông theo đuổi từ đầu đến cuối là lục bát. Thơ tình lục bát của ông thường viết ngắn, trong trẻo, chân thành, có nhiều cố gắng tạo dựng chữ nghĩa. Cái tình trong thơ lục bát Nguyễn Đăng Sâm là kiểu tình yêu hiện đại, thường gắn với một con người cụ thể nào đó. Và nhiều khi Nguyễn Đăng Sâm không ngần ngại ghi kèm cả tên người đó vào trong bài thơ của mình".
Có một tâm trạng thổn thức nhớ làng quê luôn thường trực trong thơ Nguyễn Đăng Sâm: “Chênh vênh gác tía lầu son/ Vẫn nghe tiếng cuốc xoáy mòn luỹ tre!” (Con về); “Chậm chân lỡ một chuyến đò/ Bước về vấp chỗ hẹn hò thêm đau!” (Lục bát đôi câu); “Đêm nay trăng sáng làm sao/ Võng ru hàng xóm chao vào lòng tôi!” (Người hàng xóm); “Giá đừng xui khiến cuộc chơi/ Giá đừng thăm thẳm làm tôi nao lòng!” (Giá đừng…). Hay như: “Nửa đời mà vẫn không quen/ Phố phường xa lạ nhiều đêm giật mình!” (Hoài niệm).
Nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Hòa, hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, cho rằng: Thơ tình Nguyễn Đăng Sâm với những mối tình dở dang, tiếc nuối, những câu thơ da diết, bâng khuâng. Nhưng những bài thơ viết về quê hương đất nước, tình người trân quý mới làm nên sức nặng. Nhất là bài thơ ông dành cho người vợ yêu quý, là hậu phương vững chắc của ông, đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi, và sau hết, bà đã chấp nhận ông là "người của muôn nơi" để cho ông thoả chí tang bồng".
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định: Với Nguyễn Đăng Sâm, thơ lục bát hay phong cảnh thôn dã nói cho cùng cũng là mượn cả, đều là phương tiện để tô vẽ cho đậm cái lãng tử cố hữu ở anh. Đê làng để nhớ nhung, trăng lên để hờ hững, bến đò để biệt ly, chợ phiên để tiếc nuối, cánh diều để nhớ thương. Nổi bật trên cái phông lớn ấy là các mối tình. Thôi thì đậm nhạt, quanh co, thôi thì phất phơ, nhen nhúm. Tất cả đều dở dang, tất cả đều cách trái hạnh phúc một tầm tay. Đây chính là cái thế giới thẩm mỹ của thơ tình Nguyễn Đăng Sâm".
Ý kiến (0)