Tất cả chuyên mục

Khi còn công tác với nhiều cương vị khác nhau và cả bây giờ lúc đã trở lại TP Hồ Chí Minh nghỉ hưu, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, vẫn dành cho Quảng Ninh những tình cảm hết sức đặc biệt. Nhân chuyến công tác trở lại Vùng mỏ mới đây để trao Quỹ học bổng Vừ A Dính mà bà là Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã dành cho phóng viên Báo Quảng Ninh cuộc trò chuyện thân tình.
![]() |
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thăm giáo viên và học sinh Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Lâm (huyện Hoành Bồ). |
QUẢNG NINH SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH
- Cảm ơn nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã trả lời phỏng vấn. Thưa bà, bà có thường xuyên đến thăm Vùng mỏ?
+ Sau thời gian công tác ở TP Hồ Chí Minh, tôi ra Hà Nội, công tác ở các cơ quan Trung ương: Hội LHPN, Quốc hội, Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, rồi làm Phó Chủ tịch nước. Trong thời gian 24 năm công tác ở Hà Nội, tôi thường xuyên về Quảng Ninh. Không phải là đến mà là về, vì Quảng Ninh là nhà của tôi, là quê của tôi. Tôi về tìm lại dấu chân của ba tôi (cụ Trương Văn Đẩu, nguyên Tỉnh uỷ viên Gò Công, nay là thuộc tỉnh Tiền Giang - PV) ở những địa chỉ gần như quen thuộc, ấm áp nghĩa tình, nơi đong đầy bao nhiêu kỷ niệm của ba tôi đã gắn bó một thời gian khó. Tôi đi các mỏ: Đèo Nai, Cọc Sáu, đến Tuyển than Cửa Ông... Qua các chuyến đi ấy, tôi hiểu thêm về vùng đất, con người Quảng Ninh, giúp tôi có kiến thức sâu rộng hơn về giai cấp công nhân, về tấm lòng và tình cảm của những người thợ mỏ. Và ngược lại, những điều lắng nghe và học tập từ thực tiễn sinh động ở Vùng mỏ cũng giúp tôi làm tốt chức trách của mình.
Từ khi nghỉ hưu, rồi sau đó quay lại Sài Gòn sinh sống, tôi đến Quảng Ninh ít hơn trước kia, nhưng vẫn dõi theo từng bước đi của tỉnh nhà. Tôi tham gia Quỹ Học bổng Vừ A Dính, tham gia CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” để đến Quảng Ninh hỗ trợ những em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tôi cũng đến các huyện miền núi, ra tuyến đảo xa xôi của Quảng Ninh.
Tôi về Quảng Ninh còn là để làm cho linh hồn của ba tôi ở nơi cao xanh được thoả nguyện. Lúc sinh thời, ba vẫn nói rằng, khi nào đất nước hoà bình, Nam Bắc thống nhất một nhà, ba sẽ đưa má và 6 anh chị em chúng tôi về thăm Quảng Ninh. Vậy mà ba chưa làm được điều đó thì đã qua đời. Chị em chúng tôi về thăm Quảng Ninh nhiều lần để ba vui. Có lần, cậu em tôi vốn có năng khiếu thơ ca đã đọc một bài thơ về Vịnh Hạ Long mà tôi còn nhớ có câu đại ý rằng, có con rồng mẹ dẫn đàn rồng con xuống trần dạo chơi. Ba cũng vậy. Ba đã dẫn đường chỉ lối để cho chúng tôi về Quảng Ninh, kết nối sợi tơ duyên với Quảng Ninh để chúng tôi yêu Quảng Ninh như yêu những gì thân thuộc nhất của ba mình...
- Bà nhớ gì về những năm tháng ở Vùng mỏ của ông cụ thân sinh?
+ Thực ra, tôi cũng chỉ nghe kể lại. Ba tôi tập kết ra Bắc và được phân công về công tác ở Vùng mỏ Quảng Ninh. Có thể tổ chức khi bố trí nhiệm vụ ấy vì ba tôi là dân miền biển, lại được đào tạo từ Trường Bá nghệ Sài Gòn (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, TP Hồ Chí Minh - PV) nên có chuyên môn kỹ thuật. Ba tôi ở Vùng mỏ từ năm 1954 cho đến năm 1965 làm Giám đốc đầu tiên của Mỏ than Hòn Gai, sau làm Giám đốc Xí nghiệp Bến Cửa Ông (tiền thân của Công ty Tuyển than Cửa Ông - PV) rồi làm ở các mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai. Năm 1959, Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai cũng là thời điểm ba tôi đang công tác ở đó. Tôi đã đi tìm tấm ảnh chụp chung của ba với Bác Hồ ở Thông tấn xã Việt Nam mà chưa thấy.
![]() |
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng học bổng Vừ A Dính cho học sinh nghèo vượt khó ở huyện Hoành Bồ. |
Ba tôi cũng đã kể, nhưng do thời gian chúng tôi ở bên ba cho đến lúc ông qua đời (năm 1978) không nhiều nên những câu chuyện về Vùng mỏ chúng tôi nghe không được liền mạch. Chủ yếu chúng tôi nghe qua đồng nghiệp của ba sau này. Thời ở Vùng mỏ, ba tôi sống và làm việc cùng với các cô, chú đoàn kết, gắn bó xây dựng Vùng mỏ từ công tác chuyên môn đến công tác quần chúng và công tác xây dựng Đảng. Chính nơi đây đã giúp ba tôi rèn luyện, học tập, phấn đấu và trưởng thành. Chính nơi đây, các cô chú và anh chị em Vùng mỏ đã cưu mang, giúp đỡ, động viên ba tôi sống, làm việc trong những năm tháng xa gia đình. Đến năm 1965, ba tôi được điều về Hà Nội làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Thiết kế chế tạo máy.
QUẢNG NINH LÀ NGUỒN ĐỘNG VIÊN TINH THẦN
- Bà cảm nhận như thế nào về sự đổi thay của tỉnh Quảng Ninh?
+ Không phải là cảm nhận nữa mà là sự thật đã hiển hiện ra trước mắt tôi. Đó là một Quảng Ninh phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến văn hoá, du lịch, hệ thống giao thông, các công trình xây dựng v.v.. Lĩnh vực nào cũng có thành tựu. Khi kinh tế phát triển thì tỉnh có nhiều điều kiện hơn để chăm lo cho người dân. Tôi đặc biệt quan tâm đến những bà con sống ở làng chài. Lần này về Quảng Ninh, tôi rất mừng vì bà con đã được lên bờ, trẻ em được đến trường, người già ốm đau được đi viện chữa bệnh. Tôi đi đâu cũng thấy mừng cho Quảng Ninh. Hai lần tôi ra Cô Tô, ra đảo Trần. Trước đây, thấy đảo Trần hoang sơ, giờ đảo đã có dân xung phong ra ở bám biển, bám đảo giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Các xã đảo đều đã có điện lưới quốc gia thắp sáng. Hệ thống giao thông trên đảo cũng khang trang hơn. Nước sạch nông thôn được đảm bảo. Sự đầu tư quan tâm cho giáo dục, cho phát triển con người được Quảng Ninh thực hiện rất tốt. Mặc dù tôi chưa đi hết tất cả những thôn, làng, khe, bản, hòn đảo ở Quảng Ninh, nhưng ngần đó cũng đủ làm tôi tin tưởng đến năm 2020, tỉnh nhà sẽ đạt được mục tiêu đặt ra trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp...
- Vậy còn tình người Vùng mỏ thì thế nào, thưa bà?
+ Tôi về Vùng mỏ, thấy con người nơi đây thân thiết tình cảm như anh em ruột thịt. Tôi đi đâu cũng được quý mến. Những đồng nghiệp làm việc cùng ba tôi trước đây, người còn người mất, có người tôi chưa từng được gặp mặt trực tiếp nhưng cũng đã nhiệt tình liên hệ với chị em chúng tôi kể lại câu chuyện của ba tôi. Đến bây giờ cũng vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đến chúng tôi. Tôi vẫn thường được các đồng chí lãnh đạo tỉnh mời về thăm lại Quảng Ninh. Không chỉ với riêng tôi mà với cả gia đình tôi, Quảng Ninh luôn để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc.
- Bà ra tuyến đảo của Quảng Ninh, thấy học sinh ngoài đó thế nào?
+ Học sinh ở tuyến đảo của Quảng Ninh đối diện với sóng gió có tố chất người miền biển nhiều, nên rắn rỏi, cứng cáp lắm! Em nào em nấy đều chăm ngoan, siêng học, phấn đấu vươn lên, tuy đời sống và điều kiện học tập còn nhiều khó khăn. Các em đều rất dạn dĩ, tự tin đứng trước đám đông biểu diễn văn nghệ. Tôi thấy không có sự khác biệt quá xa giữa học sinh tuyến đảo với học sinh trên đất liền. Đi đâu tôi cũng động viên con em vạn chài cố gắng học giỏi để được lên bờ học tiếp. Học cho cuộc sống bớt lênh đênh...
- Đó là lý do bà và Quỹ học bổng Vừ A Dính đến với các học sinh nghèo ở Quảng Ninh?
+ Đúng thế. Cùng với “cõng chữ lên non” chúng tôi đưa chữ ra biển đảo. Dự án “Mở đường đến tương lai” hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập trong 7 năm từ khi vào THPT đến hết đại học. Ở Hoành Bồ có 1 em người dân tộc Dao vừa tốt nghiệp đại học, nằm trong dự án kể trên, 1 em đang học đại học nằm trong dự án “Ươm mầm tương lai”. Quảng Ninh còn có 2 em nữa, gồm 1 em ở đảo Trần và 1 em ở thị trấn Cô Tô...
- Dường như Quảng Ninh có một cái gì đó rất đặc biệt với bà?
+ Tôi xem Quảng Ninh là nhà của mình. Trước đây, có người gọi tôi là “Con gái của Vùng mỏ”. Tôi thích lắm, thích hơn cả khi được gọi là nguyên Phó Chủ tịch nước (cười). Dù tôi không sinh ra và lớn lên ở Vùng mỏ, nhưng nơi đây gần gũi và tình cảm với tôi nhờ có những năm tháng ba tôi gắn bó với nơi này. Tôi tự hào vì được gọi là người con gái của Vùng mỏ anh hùng như tự hào về mảnh đất miền Nam anh dũng, thành đồng của Tổ quốc.
- Thưa bà, có sự tương đồng gì đó giữa khí chất của người Vùng mỏ với người miền Nam anh dũng không?
+ Tôi chưa có điều kiện nhiều để nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, theo cảm nhận của cá nhân tôi, sự tương đồng ấy nằm ở bản tính cần cù, siêng năng, đồng tâm hiệp lực, tinh thần đoàn kết vượt khó vươn lên. Vì thế, tôi tự hào khi được gọi là con gái Vùng mỏ. Có lẽ tôi cũng đã được thừa hưởng cái truyền thống, cái tố chất của con người nơi đây. Điều đó còn có ý nghĩa hơn khi tôi coi đó là lời động viên, nhắc nhở để luôn biết phấn đấu vươn lên xứng đáng với Vùng mỏ, xứng đáng với ba tôi. Nghĩ về ba, noi gương ba, tôi vượt qua khó khăn gian khổ tù đày 11 năm trời và cả những năm sau này nữa. Có thể nói, sự động viên ấy vô cùng quý giá, là vũ khí tinh thần của chúng tôi.
- Là người sinh ra lớn lên ở miền Nam, bà nghĩ gì khi đứng trước biểu tượng những lá dừa nước ở mũi Sa Vĩ?
+ Tôi đã đến đó hơn chục năm về trước. Tôi vô cùng xúc động. Cây dừa nước là của miền Nam. Có một sự gắn bó đoàn kết từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Tôi nghĩ đúng là Nam Bắc một nhà. Không gì chia cắt được non sông đất nước, Tổ quốc thiêng liêng. Trong cái chung đó, có cái riêng của cá nhân ba con chúng tôi. Miền Nam là nhà tôi và Quảng Ninh cũng là nhà tôi...
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học[links()]
Ý kiến ()