Tất cả chuyên mục

Tôi biết Nguyễn Tiến Khang từ hai mươi năm trước, khi anh còn là Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên. Ngày ấy anh đã làm thơ và bạn bè nói rằng anh làm thơ từ lâu rồi, nhưng thơ anh chỉ để “đọc một mình, hoặc khi nào gặp bạn tâm giao thì mới dốc bầu rượu và uống cạn túi thơ” mà thôi! Thế nhưng, bạn bè yêu quý Tiến Khang, thỉnh thoảng lại gửi một vài bài thơ của anh đăng báo. Lúc ấy, Nguyễn Tiến Khang chỉ cười, cái cười hiền như con gái...
![]() |
Nguyễn Tiến Khang cùng nghệ nhân đàn tính. Ảnh: Kiều Trang |
Tôi đọc thơ Nguyễn Tiến Khang là thấy mê, bởi thơ anh có cái gì đó khác lạ, có cái gì đó gợi cho tôi bao nỗi nhớ. Tôi nhớ cái vùng sơn cước trập trùng núi, trập trùng mây trong sóng lúa vàng gợn ruộng bậc thang:
Ngẩng mặt, ta nhìn thấy lúa
Thông Châu từng bậc ruộng lên cao
sương đã lam, em thêm khói bếp
cối nước trầm tư thác đổ ào ào.
(Bùa mê)
Cây đàn tính từ ngàn xưa vẫn thế, nhưng trong mắt anh, nó thật gợi:
Dâu cha trồng trên bãi
tằm mẹ nuôi trong nong
guồng xa em quay tơ
em se ba sợi
Đàn tính anh ba dây
(Tính ba dây)
Anh đã nghe “Tính”, đã hát lên cùng “Tính” để mà thấm mà hiểu được cái âm điệu, cái hồn của cây đàn được làm từ bàn tay nghệ nhân thôn dã để mà thốt lên rằng:
Dây nhỏ hát cho trời
...
Dây to hát cho đất
...
Dây giữa hát cho người
(Tính ba dây)
Nguyễn Tiến Khang đắm chìm trong làn điệu Soóng cọ quê anh, vời vợi khát khao như tiếng gọi, nó làm anh đắm đuối, làm anh nhớ da diết để mà chẳng bao giờ quên:
sợ ta quên về soóng cọ
em gửi chiếc lông đuôi gà rừng.
(Bùa mê)
Chiếc lông đuôi gà rừng của người sơn nữ trao gửi chẳng có gì cao sang mà sao cứ như một thứ bùa mê cuốn hút hồn thi sĩ, để rồi anh gửi sợi nhớ sợi thương đến người con gái vùng sơn cước ấy, biết rằng vắng anh người con gái ấy đâu chỉ nhớ nhung trong dạ:
Lỡ ta quên về soóng cọ
nếp váy em liệu có bồn chồn
(Bùa mê)
Quá khứ hiện về trong thơ anh rõ nét đến từng chi tiết của cái phố cũ Tiên Yên nơi mà anh cất tiếng khóc chào đời và lớn lên. Anh thuộc từng con ngõ nhỏ, thuộc từng nếp nhà thâm nâu màu ngói cũ:
mái ngói âm dương gối
vai nhau ngủ
nước reo thác Đón
ngày xưa...
(Phố cũ)
Dòng sông Tiên Yên vơi đầy theo con nước triều lên, mấy ai bây giờ còn nhớ những con thuyền chấp chới hình bóng những con chim cốc đang giũ cánh làm bắn tung những giọt nước tựa những hạt vàng dưới ánh trăng muộn.
Cây bến Châu
Đá cồn chìm
lặng lẽ
Trăng sắp tàn
Bè cá cốc về chưa?
(Phố cũ)
Khi lại mơ màng như sương như khói, như tiếng vọng gọi về từ ngàn xưa:
Sương đục
sao mờ
người còn thức
có phải hồn thuỷ mặc
đưa người về một nẻo thiên thai
(Phố cũ)
Biết bao người trăn trở với cánh rừng ngập mặn nơi cửa dòng Ba Chẽ. Thơ Nguyễn Tiến Khang cũng đau đáu một nỗi niềm như chính anh với vùng đất mặn mòi này:
Có ai gọi tôi
- Tiếng con sóng vỗ chân
rừng sú
mênh mang
Triều đã lên rồi
Có ai gọi tôi
- Tiếng gió lang thang,
đồng khô gốc rạ
hun hút
hoàng hôn tháng mười
(Đồng vọng)
Anh thấu hiểu sự gian nan vất vả của người cửa biển. Đất mặn, nước mặn thấm lên từ lòng bàn chân, ngấm vào máu, vào thịt, vào xương để rồi cái vị mặn ấy lại trắng bạc trên vai...
Người gọi tôi
Những cánh đồng đất mặn
Những vai áo bạc mồ hôi mặn
miếng cơm nhai thấm mặn
Đồng Rui
(Đồng vọng)
Thơ Nguyễn Tiến Khang có tranh có nhạc, đọc thơ anh ta như lạc vào một thế giới quen đấy mà lạ đấy, với bao khát khao yêu:
con trăng tháng ba nhắc người
soóng cọ
bánh nếp tháng ba em giã
thật rền
khăn gấp đợi sáng, ôm mái tóc
đêm nay mắt cửa chong đèn
(Bùa mê)
Và khát khao nhớ:
Phạc Thạ rộn tiếng cười con gái
Đi nương về em xuống bến
gội đầu
Theo lưới cá mảng ai xuôi thác
Bóng áo chàm trên bãi mế
hái dâu
(Thăm quê nội)
Một điều nữa cũng rất đáng nói, đó là Nguyễn Tiến Khang đam mê thơ Đường đến lạ. Anh mơ ước làm sao có được tuyển tập thơ Đường nguyên bản tiếng Hán. Tôi tin không phải anh muốn trở thành nhà nghiên cứu thơ Đường mà là anh muốn có nguyên bản để mà đọc, mà dịch, mà thử sức mình. Một người bạn vì quý cái sự đam mê thơ phú của anh, trọng cái nỗi khát khao của anh, nhân chuyến xuất ngoại sang Trung Quốc, đã lặn lội kiếm tìm khắp thành Bắc Kinh để mua tặng anh trọn bộ thơ Đường. Nguyễn Tiến Khang cặm cụi đọc, cặm cụi dịch, âm thầm làm việc như vốn anh vẫn thế...
Hoài Giang
Ý kiến (0)