Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 01:38 (GMT +7)
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và những trang viết về Vùng mỏ
Thứ 3, 20/06/2023 | 09:55:27 [GMT +7] A A
Nguyễn Thị Ngọc Tú là cái tên quen thuộc trên văn đàn suốt 4 thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Bà từng là giáo viên, sau chuyển xuống Quảng Ninh làm báo Vùng mỏ. Tại đây, bà kết duyên cùng với Nguyễn Ngọc Chánh, một nhà báo miền Nam tập kết ra Bắc. Ngoài làm báo, Nguyễn Thị Ngọc Tú còn là một nhà văn viết khỏe với 8 tiểu thuyết, 6 tập truyện, 1 tập thơ và nhiều bút ký văn học.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú sinh năm 1942 quê gốc ở Hà Nội. Thuở trẻ, bà làm nghề dạy học ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Sau đó bà làm biên tập viên báo Vùng mỏ. Đầu năm 1980, bà về làm công tác biên tập ở tuần báo Văn nghệ. Công việc của một nhà báo đã giúp ích rất nhiều cho bà khi viết văn. Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã chia sẻ về văn chương: “Tôi không coi viết là nghề. Bởi là nghề thì dù không muốn cũng phải làm. Tôi chỉ viết khi thích, khi có những điều thôi thúc trong đầu, cho dù lúc đó đang bận hay đang họp, tôi cũng nghĩ và cố viết lấy vài dòng. Tôi thích những chuyến đi và ham ghi chép. Ghi chép những cái mình thấy, cái mình nghĩ. Mỗi chuyến đi tôi thu lượm được nhiều điều hữu ích. Những điều đó giúp cho việc viết”.
Tiểu thuyết đầu tay của bà là “Huệ” được đặt theo tên con gái của mình. Theo PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, thành công của tiểu thuyết đầu tay “Huệ” (NXB Văn học ấn hành năm 1964) và môi trường công tác của phóng viên báo Vùng mỏ đã giúp con đường nghệ thuật của Nguyễn Thị Ngọc Tú thêm dài rộng. Năm 1966, Nguyễn Thị Ngọc Tú xuất bản tập truyện “Người hậu phương” cùng nhiều phóng sự, bút ký mang đậm chất văn học trên các báo. Phần lớn các tác phẩm này được viết ở Khe Hùm (nay thuộc phường Hà Phong, TP Hạ Long), nơi sơ tán của Báo Vùng mỏ.
Cũng tại đây, Nguyễn Thị Ngọc Tú đã sinh cho văn đàn Việt Nam một nữ nhà văn kiêm nhà biên kịch: Nguyễn Thị Thu Huệ. Có lẽ, cũng vì thế mà Khe Hùm là địa danh được nhắc đến nhiều trong sáng tác của Nguyễn Thị Ngọc Tú. Kết thúc nhiều truyện ngắn trong tập “Người hậu phương”, nhà văn thường đề nơi viết: “Khe Hùm, ngày... tháng... năm...”. Sau này, trong hồi ký bà cũng nhắc đến Khe Hùm: “Tháng 4/1967, tôi đem con nhỏ (8 tháng tuổi) từ vùng mỏ Quảng Ninh sơ tán về Lim (Tiên Du, Bắc Ninh - PV) sau một đêm bom ác liệt gần như hủy diệt khu vực Khe Hùm, nơi báo Vùng mỏ tôi đang công tác sơ tán” (Kỷ niệm về “Đất làng”).
Một chuyện khá vui là khi nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú viết xong tiểu thuyết Đất làng khoảng 200 trang đã gửi bản thảo cho nhà văn Hoàng Quốc Hải đọc và ông chỉ nói “cần phải đi thực tế để viết về nông nghiệp”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải (một người cũng từng làm Báo Vùng mỏ) đã giới thiệu Ngọc Tú đi viết về hợp tác xã tiên tiến thời bấy giờ. Khi đó cô con gái Thu Huệ mới 2 tuổi. Ban ngày Nguyễn Thị Ngọc Tú đi lấy tư liệu và tối thì ngủ với mẹ và chị gái nhà văn Hoàng Quốc Hải. Kết quả là tiểu thuyết Đất làng (500 trang) ra đời khác hoàn toàn với bản thảo ban đầu. Đất làng là tiểu thuyết dài đầu tiên của Nguyễn Thị Ngọc Tú. “Thế nhưng cái ám ảnh nhất, ấn tượng nhất lại là tiểu thuyết Ảo ảnh trắng viết về một cái bệnh viện, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực từ thời bao cấp” - nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét.
Về cái lần chia tay Quảng Ninh của hai mẹ con Nguyễn Thị Ngọc Tú, nhà văn Hoàng Quốc Hải có viết trong hồi ức: “Chiến tranh đến vùng mỏ ngày một ác liệt, đầu năm 1967, Ngọc Tú viết thư về Hà Nội báo cho tôi biết, tạm thời chị đưa con sơ tán về Bắc Ninh ở với bà ngoại và em gái. Tú nhờ tôi về Quảng Ninh đón mẹ con Tú, bởi anh Chánh phải trực báo không đi được. Tôi nhớ bữa ấy qua phà Bãi Cháy tới giữa sông Cửa Lục thì mấy tốp máy bay Mỹ ào tới. Đó là vùng cảng than, lại gần căn cứ hải quân và nhà máy điện nữa. Cùng một lúc chúng bắn phá hai nơi: Khu vực hải quân và nhà máy điện. Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rú kinh hoàng. Mọi người hốt hoảng, tôi giành bế bé Thu Huệ, ôm gọn cháu ở trong lòng để che chắn và bảo Tú ngồi thấp xuống”.
Dù đã chia tay Quảng Ninh về Bắc Ninh rồi Hà Nội công tác nhưng Quảng Ninh vẫn là nỗi nhớ niềm thương mà Nguyễn Thị Ngọc Tú đã trải lên trang viết. Viết về Quảng Ninh, bà không giấu nổi giọng tự hào: “Con đường đất đỏ chạy qua những quả đồi trọc trơ trụi kia là con đường đến nhà máy điện. Ở đấy có con sông Uông, sông Bạch Đằng và xa hơn nữa là biển cả” (Quán bên đường). Vùng than hiện ra như một miền đất hứa, đầy mới mẻ và háo hức: “Em cũng biết những câu chuyện về nhà máy điện và các mỏ than của tỉnh mình qua các bài cô giáo giảng. Nhà cô ở mãi tận Cẩm Phả, Cửa Ông, nhà cô toàn những người đi làm công nhân mỏ nên cô biết nhiều chuyện lắm. Cô đem cho các em xem một hòn than to bằng quả bưởi. Hòn than đen lấp lánh. Cô còn kể cho các em nghe về những anh công nhân lò suốt ngày đêm làm việc trong lòng đất” (Quán bên đường).
Đọc Nguyễn Thị Ngọc Tú, độc giả nhận ra cái không khí lao động sản xuất chiến đấu đang hừng hực ở Vùng mỏ lúc bấy giờ. Không khí ấy đánh thức thời tuổi trẻ của bà cụ Duyên: “Chiều xuống, khi những toa tàu rộn rã đưa công nhân đi làm ca ở mỏ về và tiếng còi tầm nổi lên là bà lại mong chị Hiên về, để nghe chị ấy kể chuyện nhà, chuyện xưởng. Cùng với câu chuyện của chị, bà thấy mình như trẻ lại và quay về những ngày làm việc hối hả, ở bên những tầng than cao ngờm ngợp, đen lánh, bụi mù” (Bà cụ Duyên).
Có thể nói, không gian Vùng mỏ được khúc xạ qua lăng kính Nguyễn Thị Ngọc Tú thành không gian nghệ thuật có tầm bao quát rộng: “Sóng biển về chiều vỗ ầm ầm lên những ghềnh đá xa, tiếng sóng cứ lan rộng mãi ra trên khắp bầu trời thành phố mỏ” (Một tư thế). Nó rộng mở ngay trong cái bi hùng: “Bây giờ cả thành phố vắng ngắt, trống rỗng chỉ còn có nhà máy là vẫn bình thản, tỏa lên trời những nền khói xám và tiếng máy vẫn rộn rang như tiếng đập của trái tim trong một cơ thể bị thương”. Không gian ấy làm cho con người như nhỏ bé hơn nhưng không thể đè bẹp được ý chí nghị lực của những người thợ mỏ: “Đứng trên tầng cao, chị nhìn thấy trong những làn mưa trắng xóa, nhiều bóng người nón áo lướt thướt đang chạy vun vút. Những bóng người nhỏ xíu ấy lúc thì tụm lại, lúc thì tản ra. Có những cái bóng chạy vòng theo các con đường quanh co dẫn xuống moong sâu. Có những người leo lên tầng cao đứng bên những cái máy khoan. Phía dưới công trường than trụ nhiều người đang di chuyển các đường ray, xe goòng” (Những ngày mưa).
Trong tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 3, Nguyễn Thị Ngọc Tú đã viết: “Những chuyến đi thực tế cùng sống với những người đang sản xuất chiến đấu giúp tôi nhận biết, tác phẩm hay và có ích đâu phải chỉ viết về những đề tài lớn, những nhân vật có tên tuổi mà chính vì đã nói lên được những điều sâu sắc về con người về những nỗi đau và niềm vui mà mỗi con người đều có thể soi bóng vào trong đó”. Và quả thực những năm tháng ở Quảng Ninh đã giúp bà có được nhiều tác phẩm hữu ích để mỗi thế hệ sau này “soi bóng” vào để hiểu hơn về cuộc sống của thế hệ đi trước ở Vùng mỏ thân yêu.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú qua đời năm 2013 nhưng tác phẩm của bà thì còn được nhiều bạn đọc nhớ mãi. “Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú nghiêm trang, bức thiết và giàu lòng chia sẻ, hoàn toàn xa lạ với cách tập trung khai thác những hủ lậu, nhỏ nhen, ki bo của những người nhà quê và biến chúng thành đối tượng của sự châm biếm, hài hước. Chính vì thế, tên tuổi và tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Tú để lại ấn tượng tốt đẹp và sâu nặng cho tất cả những ai quan tâm đến vùng quê văn hóa và vùng quê tinh thần của chúng ta” - nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét về cố nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()