Tất cả chuyên mục

Tính đến nay, gần một nửa số kịch bản được Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh dàn dựng, biểu diễn là của Trần Đình Ngôn. Trong đó, không ít vở rất có tiếng vang, giành được giải cao trong các kỳ Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc.
Trò chuyện với tôi, nhà biên kịch Trần Đình Ngôn bộc bạch, rằng ông là người nặng duyên nợ với Chèo Quảng Ninh...
- Ông nhớ mình đã góp cho Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh bao nhiêu tác phẩm để dàn dựng, biểu diễn không, thưa ông?
+ Cỡ chừng chục vở gì đấy. Có thể kể ra các vở như: “Bài hát của tình yêu”, “Tiếng đàn bầu”, “Cầu phúc”, “Lá đắng của tình yêu”, “Tâm đức Phật hoàng”. Năm 1979, vở chèo “Tiếng sóng Bạch Đằng” do tôi viết kịch bản đã được Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh dàn dựng và biểu diễn ở rất nhiều nơi. Sau đó còn được Đài Tiếng nói Việt Nam thu lại và phát sóng. Các vở chèo “Tiếng hát người Dao”, “Ngôi sao Hạ Long”, “Tiếng vọng rừng xanh” cũng là những tác phẩm giúp tôi có được huy chương bạc (cho tác giả sân khấu) tại Hội diễn sân khấu toàn quốc trong các năm 1979, 1985, 2000…
- Nghe ông liệt kê các vở diễn ấy, tôi thấy có vẻ như hình ảnh người thợ mỏ ít được nói đến?
+ Rất đúng. Anh cứ xem lại những vở chèo của Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh đã dựng (kể cả của tôi và những người khác) mà xem, chỉ có hai, ba vở nói về thợ mỏ. Với đoàn chèo của Vùng mỏ, như thế là một sự thiếu hụt rất lớn. Trước kia đã thiếu, giờ đây đề tài người thợ mỏ thời hiện đại này lại càng thiếu. Đây là khoảng trống vắng cần các kịch tác gia, lãnh đạo đoàn cũng như anh chị em diễn viên quan tâm hơn nữa…
- Tôi nghĩ, đấy cũng là một đề tài cùng với nhiều đề tài khác như: Biển, rừng, nhân vật lịch sử, địa chỉ du lịch tâm linh v.v.. Ông nghĩ sao về hướng đi đưa chèo thành sản phẩm phục vụ du khách?
+ Tôi nghĩ đây là cách làm rất tốt của Quảng Ninh. Nó vừa tạo thêm đất sống cho chèo vừa tạo thêm thu nhập cải thiện đời sống cho diễn viên, lại vừa gắn kết, quảng bá được cho du lịch Quảng Ninh. Tuy nhiên, chèo làm gì thì làm, như đã nói ở trên, xin đừng bỏ quên, bỏ bẵng nhiệm vụ phục vụ đời sống công nhân, nhân dân lao động Vùng mỏ…
- Đúng là chèo sống được phải nhờ công chúng. Ông đánh giá như thế nào về khán giả của Chèo Quảng Ninh?
+ Tôi xin nói ngay là nơi khán giả yêu chèo nhất không phải là đất chèo như Thái Bình, Nam Định hay Hải Dương đâu, mà là Quảng Ninh. Chưa thấy ở đâu công chúng lại yêu chèo như ở đất này. Lại nhớ, mỗi lần hội diễn ở Quảng Ninh, tôi đã chứng kiến cảnh khán giả chen nhau đến xem chật hết cả rạp, không còn một ghế trống…
- Chèo Quảng Ninh hôm nay so với những năm trước đây có gì khác biệt, thưa ông?
+ Công bằng mà nói, Chèo Quảng Ninh bây giờ đang vào diện yếu hơn so với giai đoạn trước và yếu hơn so với làng chèo trong cả nước. Những tên tuổi lớp trước đã nghỉ hưu cả. Những diễn viên trẻ có tài năng nổi bật thực sự đang thiếu hụt. Nhưng tôi luôn tin vào đội ngũ diễn viên của đoàn. Còn nhớ trước đây cứ mỗi lần người ta định giải thể, xoá tên là đoàn chèo lại bứt phá và khẳng định được mình…
- Ông có thể nói cụ thể hơn?
+ Thì đấy, cứ mỗi lần như thế, Chèo Quảng Ninh lại có những vở diễn gây được tiếng vang lớn tại các kỳ hội diễn, được lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh, ghi nhận, đánh giá cao. Người ta lại có lý do để giữ lại đoàn chèo. Theo tôi, hơn nơi nào hết, chèo vẫn rất cần phải duy trì và phát triển ở Quảng Ninh. Nói thế là bởi, trong quá trình giao thoa văn hoá, vùng đất mở như Quảng Ninh luôn luôn đón nhận những luồng gió mới, gió lành cũng có mà gió không lành cũng có. Cần phải dùng nghệ thuật dân tộc, trong đó có chèo để chống lại văn hoá ngoại lai không lành mạnh. Việc này quan trọng hơn với Quảng Ninh, bởi nếu không thì văn hoá ngoại lai sẽ xâm lấn sâu vào cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ...
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc ông có thêm những vở chèo hay.
Phạm Học (Thực hiện)
![]() |
Ý kiến ()