Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 10:21 (GMT +7)
Nhà đầu tư lo mất Tết sau 'lùm xùm' của FLC và Tân Hoàng Minh
Thứ 7, 15/01/2022 | 10:03:40 [GMT +7] A A
Việc ông chủ FLC bán chui cổ phiếu và Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm đã khiến nhiều cổ phiếu liên quan tụt dốc, hàng chục nghìn NĐT thiệt hại nặng.
Vụ việc “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã khiến giá cổ phiếu FLC giảm liên tục trong 4/5 phiên của tuần này. Trong đó, phiên gần nhất 14/1, thị giá FLC đã "nằm im" tại mức giá sàn 16.100 đồng/cổ phiếu trong toàn bộ thời gian giao dịch, dư bán gần 65 triệu đơn vị. Không chỉ FLC, hàng loạt cổ phiếu “họ FLC” cũng đồng loạt giảm hết biên độ ngay từ đầu phiên, dư bán giá sàn "chồng chất" hàng chục triệu đơn vị nhưng cũng không thể khớp do bên mua "trắng xóa".
Theo đại diện của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), công tác bóc tách, hực hiện hủy kết quả giao dịch đối với lệnh liên quan 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà ông Trịnh Văn Quyết “bán chui" hôm 10/1 đã cơ bản hoàn tất. Nhiều nhà đầu tư đã được trả lại tiền sau khi mua cổ phiếu của ông Quyết bán ra vào ngày 10/1.
Anh Nguyễn Châu – một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết, anh đã được trả lại 241 triệu đồng nhờ lệnh mua 10.000 cổ phiếu FLC của anh hôm 10/1 đã bị hủy.
"Tôi thấy đúng là may mắn lớn, mấy hôm mất ăn mất ngủ, tưởng mất tết, không ngờ lại được hoàn lại tiền. Nếu các cơ quan chức năng không hủy lệnh thì cũng không biết phải xử lý số cổ phiếu đó thế nào, bán không được, giữ cũng không xong", anh Châu chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng may mắn được trả lại tiền sau khi mua cổ phiếu FLC. Trong phiên giao dịch ngày 10/1, có 135 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, ngoài lô cổ phiếu 74,8 triệu đơn vị bị hủy, còn lại hơn 60 triệu cổ phiếu không phải đối ứng từ ông Trịnh Văn Quyết sẽ vẫn được công nhận giao dịch bình thường. Như vậy, cùng là người mua cổ phiếu FLC trong phiên đầu tuần thì sẽ có người cười vì được trả lại tiền còn có người sẽ khóc vì đến nay khi cổ phiếu về tài khoản đã bốc hơi hơn 30% giá trị.
Anh Phạm Thắng, một nhà đầu tư F0 ở Hà Nội cho biết, anh đã mua 3.000 cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 với giá 24.100 đồng/cổ phiếu nhưng đến hiện tại vẫn chưa nhận được tin nhắn từ công ty chứng khoán về hủy lệnh giao dịch. Khả năng cao số cổ phiếu đó đã không "trúng" với lượng bán ra của ông Trịnh Văn Quyết, đồng nghĩa anh sẽ phải gánh khoản lỗ hiện đã 33% tương ứng 24 triệu đồng và còn có thể lỗ sâu hơn trong những phiên tới nếu không thoát hàng được.
“Tôi rất buồn và lo lắng. Lần đầu mua cổ phiếu FLC không ngờ bị ăn trái đắng vậy, mỗi ngày đều thấy tiền trong tài khoản vơi đi nhanh chóng. Bây giờ chỉ mong bán được để cắt lỗ mà trắng bên mua nên cũng chả bán được. Năm nay chắc mất Tết rồi”, anh Phạm Thắng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng chục nghìn nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu “họ FLC” như: ROS, AMD, HAI, KLF, ART… vẫn như đang “ngồi trên lửa”, do mức lỗ ngày càng tăng trong khi không thể bán được những cổ phiếu này vì lệnh bán giá sàn lên tới hàng trăm triệu đơn vị mà không có người mua. Giá các cổ phiếu đã giảm 20%-30% chỉ trong vài ngày, khiến nhà đầu tư thua lỗ hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng.
Tuần qua, thị trường chứng khoán liên tục “rung lắc”, không chỉ do ảnh hưởng của thông tin ông chủ FLC “bán chui” cổ phiếu, việc bỏ cọc đấu giá đất "vàng" ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, làm cho nhà đầu tư hoang mang, mất niềm tin. Trong phiên giao dịch ngày 13/1, những “lùm xùm” từ FLC và Tân Hoàng Minh đã khiến nhóm cổ phiếu bất động sản bị hiệu ứng domino, hàng loạt mã khác cũng bị xả ồ ạt với lượng dư bán sàn ở nhiều mã lên tới cả chục triệu đơn vị với hơn 120 mã giảm sàn. Tới phiên giao dịch 14/1, lực bán bắt đầu giảm, dòng tiền bắt đáy xuất hiện đã giúp nhiều mã thoát khỏi giá sàn, tuy nhiên, giá của đa phần các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản vẫn còn khoảng cách khá xa so với phiên đầu tuần.
“Tôi không mua mã nào nhà FLC nhưng mấy mã tôi “ôm” cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường chung. Có sáng ngủ dậy thấy tài khoản mất đi cả chục triệu. Phiên cuối tuần, nhiều mã đã thoát sàn, hi vọng sang tuần thị trường sẽ tốt lên”, anh Hiếu, một nhà đầu tư nói.
Nói về những thiệt hại của nhà đầu tư khi bị "kẹp hàng" sau vụ "đánh úp" của ông chủ FLC, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: “Mọi người nên giành phần lớn danh mục của mình theo trường phái đầu tư giá trị. Việc mua bán theo hô hào của các hội nhóm đang rủi ro rất cao”. Đây có thể xem là lời khuyên quý báu mà nhà đầu tư cần lưu ý để có thể tồn tại trên thị trường chứng khoán, nơi có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít "cạm bẫy".
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()