Nghiên cứu do GS.TS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima (Nhật Bản) với đồng nghiệp, gồm Trợ lý Giáo sư TS Nguyễn Văn Quân, TS Lã Hoàng Anh, cùng GS.TS Takami Akiyoshi và Thạc sĩ Vũ Quang Lâm tại Đại học Y khoa Aichi thực hiện, được công bố trên tạp chí Cancers về tiềm năng chống ung thư máu của các hợp chất momilactone A và B (MA và MB) chiết xuất từ lúa gạo, hồi đầu tháng 10.
Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra tiềm năng tiêu diệt các tế bào ung thư máu bao gồm lơ xê mi cấp tiền tuỷ bào và đa u tuỷ xương của Momilactones A, B (MA, MB) cùng hỗn hợp của chúng (MAB) với tỷ lệ 1:1. Cụ thể, MB và MAB cho thấy khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vượt trội so với thuốc chữa ung thư phổ biến là doxorubicin và arsenic trioxide (ATO), tương đương với all-trans retinoic acid (ATRA).
Bằng các thí nghiệm chuyên sâu, GS Trần Đăng Xuân và cộng sự đã làm rõ cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư của momilactone. Cụ thể, các hợp chất này có thể thúc đẩy quá trình tự chết của tế bào ung thư bằng cách điều hòa các protein liên quan (p-38, BCL-2, và caspase-3). Ngoài ra, momilactone có thể ngăn chặn chu kỳ tế bào tại pha G2 bằng cách kích hoạt protein p-38 và ức chế hoạt động của phức hợp CDK1 và cyclin B1. Bằng cách đó, momilactone làm tế bào ung thư không thể phân chia được. Đặc biệt, momilactone cho thấy ảnh hưởng không đáng kể đến tế bào khoẻ mạnh.
Việc phát hiện đặc tính gây độc tế bào chống lại tế bào ung thư của momilactone được kỳ vọng là tiền đề cho các nghiên cứu và phát triển của các loại thuốc điều trị ung thư hiệu quả dựa trên momilactone trong tương lai.
Nhóm cho biết sẽ tiếp tục các nghiên cứu về khả năng tiếp cận sinh học và khả dụng sinh học thông qua các thử nghiệm trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo.
Trước đây, một số nghiên cứu từng chỉ ra tiềm năng chống ung thư của momilactones, tuy nhiên, cơ chế hoạt động gây độc tế bào chưa được xem xét kỹ lưỡng. Sở dĩ các nghiên cứu chuyên sâu về hợp chất này vắng bóng trên thế giới do hợp chất "đắt hơn vàng 30 nghìn lần" này không có sẵn trên thị trường, cũng như khó khăn trong việc phân lập và tinh chế.
Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima do GS Xuân đứng đầu là một trong số ít các phòng thí nghiệm trên thế giới có thể tinh chế momilactones từ các nguồn tự nhiên.
Trong công bố hồi tháng 1/2019, nhóm tìm thấy và phân lập thành công hai hợp chất này từ trấu và gạo trắng. Từ 20 kg vỏ trấu, sau gần 3 tháng, khoảng 300 mg MA và 200 mg MB (chiếm khoảng 1/100 -150 nghìn trọng lượng vỏ trấu) được tách chiết. Hợp chất này từng được trang điện tử Carbosynth.com, một công ty chuyên về các sản phẩm hóa sinh nổi tiếng của Anh bán với giá 1.25 triệu USD cho 1g (đắt gấp 30 nghìn lần giá trị 1g vàng). Trong các nghiên cứu sau đó, hai hợp chất quý này cũng cho thấy có khả năng ức chế tiểu đường, béo phì.
Ý kiến ()