4
18
/
1100365
Nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp – Nỗi trăn trở của địa bàn kinh tế trọng điểm
longform
Nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp – Nỗi trăn trở của địa bàn kinh tế trọng điểm
Là một địa bàn kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước, tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều dự án đầu tư sản xuất, đặc biệt là ngành khai khoáng, hiện Quảng Ninh đang có hơn 430.000 công nhân. Với số lượng công nhân lao động lớn, nhu cầu về nhà ở cho người lao động của tỉnh hiện rất cao.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa nhanh, các đô thị được mở rộng về không gian, phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng đô thị; đã và đang hình thành nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Việc hình thành các khu nhà ở, khu đô thị trên đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thu hút và phát triển đa dạng loại hình nhà ở, nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở; đáp ứng yêu cầu hạ tầng, nhà ở ngày càng cao của người dân, từ đó thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển đô thị, phát triển KT-XH chung của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít người dân, công nhân lao động vẫn còn khó khăn về đất ở, nhà ở cần có sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Công ty than Nam Mẫu là đơn vị đầu tiên của TKV xây chung cư kiểu mẫu cho công nhân với nhiều hạng mục phục vụ người lao động như: bể bơi, phòng tập thể dục, phòng chơi bi-a...

Trước vấn đề đó, Quảng Ninh nhiều năm trăn trở tìm các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Đề án chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ về phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Năm 2017, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020. UBND tỉnh mới có chỉ đạo cụ thể về thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo, ưu tiên quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở công nhân. Các KCN tập trung đều dành quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân.

Kết quả trong giai đoạn 2010-2020 đã có nhiều dự án được đầu tư phát huy hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội. Tiêu biểu, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, với 2.720 căn hộ, đáp ứng chỗ ở gần 8.000 công nhân (khoảng 7.600 công nhân độc thân và 400 hộ gia đình). Các đơn vị trong Tổng Công ty Đông Bắc đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng diện tích đất trên 10,6 ha, tổng số trên 1.000 căn chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân hầm lò. Khu công nghiệp Hải Yên ở TP Móng Cái đầu tư xây dựng được 4 khối nhà ở tập thể 5 tầng, với tổng số 696 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.000 công nhân.

Khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long, KCN Hải Yên, TP Móng Cái liền kề khu sản xuất nên rất thuận tiện cho người lao động nghỉ ngơi, làm việc.

Hiện các KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Đông Mai, KCN Việt Hưng, KCN Cái Lân đang thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân, gồm: Dự án nhà ở công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai (TX Quảng Yên) có quy mô 9,1ha, tổng số 960 căn hộ chung cư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 7.500 công nhân; Dự án thiết chế Công đoàn tại đồi Thủy Sản, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) có quy mô 1,2ha, tổng số 250 căn hộ chung cư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 công nhân; Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà - Giai đoạn 1 có quy mô 18,84ha, tổng số 1.408 căn hộ chung cư và 304 căn nhà liền kề, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 12.000 công nhân.

Về nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai 3 dự án nhà ở cho các đối tượng người có thu nhập thấp; công nhân viên, người lao động. Trong đó, có dự án nhà ở xã hội tại Kim Sơn, Đông Triều do Công ty CP Gốm màu Hoàng Hà làm chủ đầu tư với tổng số 589 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 1.700 người. Hiện, dự án đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xây dựng xong 50 căn nhà liền kề, ước tính khoảng 7.000 m2 sàn. Dự án Khu nhà ở xã hội Sunhome cảng hàng không tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn với tổng số có 300 căn hộ, đến nay cũng đã hoàn thành 100 căn hộ và bố trí cho cán bộ, công nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn vào ở. Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn FLC đang đầu tư dự án khu nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% khu đô thị Hà Khánh rộng 2ha, với 927 căn hộ. Cùng với đó, tỉnh đã quy hoạch 9 địa điểm đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hạ Long; dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị theo quy định để kêu gọi đầu tư.

CNLĐ Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long, KCN Hải Yên Móng Cái được sống và sinh hoạt trong khu tập thể công nhân với đầy đủ các thiết chế, vui chơi sinh hoạt.

Dù việc phát triển nhà ở xã hội luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhưng đến nay chưa đạt được kết quả như mong muốn, hiện mới chỉ đáp ứng được rất ít nhu cầu của người dân có thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các KCN, CCN và còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Tỷ lệ diện tích nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị hoàn thành mới đạt 74%. Tỷ lệ diện tích nhà ở cho công nhân hoàn thành đạt 30,2% so với mục tiêu đề ra trong chương trình phát triển nhà ở. Trong khi dự báo trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nhà ở cho các đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh cần khoảng 6.700 căn hộ, với tổng diện tích trên 536.000m2.

CNLĐ Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà, KCN Hải Hà được làm việc và sinh hoạt trong môi trường làm việc hiện đại với nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn trăn trở vì chưa có nhà ở cho công nhân.

Nguyên nhân của sự chậm trễ trên được chỉ ra là do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thông qua ngân hàng chính sách địa phương thấp nên các doanh nghiệp, tổ chức không mặn mà đầu tư nhà ở cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp. Mặt khác, do nhiều thủ tục, nội dung phức tạp nên trong thực hiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tập trung không đồng đều, chủ yếu tập trung tại địa bàn TP Hạ Long. Ngoài ra, các KCN, khu sản xuất trên địa bàn tỉnh khá phân tán, nhỏ lẻ, người dân còn có khả năng thu xếp nhà ở khu vực đô thị, ven đô với mức thấp nên việc thu hút, huy động doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội tập trung còn hạn chế.

Nhà ở CNLĐ Công ty CP Viglacera Hạ Long

Chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong KCN chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhà ở công nhân, chủ yếu sử dụng lao động địa phương tại chỗ, có trường hợp thuê nhà trọ của người dân với quy mô lớn cho công nhân ở, rất thiếu tính chuyên nghiệp. Trong khi đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Trình tự thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách xã hội đối với các cá nhân có thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội còn rườm rà, phức tạp, khó tiếp cận được để vay vốn...

"CNLĐ KCN Texhong Hải Hà khao khát thoát khỏi các khu nhà trọ"

K

CN Texhong Hải Hà được đầu tư và đi vào hoạt động nhiều năm nay. Hiện tại trong KCN đang có 16 nhà máy hoạt động, với gần 13.000 công nhân. Theo định hướng phát triển của tỉnh, huyện và chủ đầu tư KCN, tới đây sẽ tiếp tục có thêm nhiều dự án đầu tư sản xuất đi vào hoạt động nữa. Như vậy, nhu cầu sử dụng lao động sẽ tiếp tục tăng cao.

Thực tế hiện nay số công nhân lao động làm việc trong KCN phần lớn là người lao động từ tỉnh ngoài đến, do hiện tại trong KCN chưa có nhà ở đáp ứng nhu cầu của người lao động nên công nhân phải thuê trọ nhà dân rất nhiều, điều kiện an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh đều không được đảm bảo. Ai đã từng một lần đến các khu nhà trọ của công nhân mới thấy khát khao mong có được nhà ở xã hội của họ lớn đến thế nào.

Công nhân lao động trong KCN chủ yếu là lớp thanh niên trẻ, họ đều đang ở độ tuổi cần lập gia đình để “an cư, lạc nghiệp” nhưng vì nơi ăn, chốn ở chưa đảm bảo nên tâm lý của người lao động không được ổn định, không gắn bó với doanh nghiệp.

Trong những năm qua, tỉnh cũng đã có chỉ đạo và có những cơ chế, chính sách liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất vốn vay để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động được tiếp cận vốn vay mua nhà, đồng thời bố trí quỹ đất xây nhà trong KCN Texhong Hải Hà. Chúng tôi được biết đến nay dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chủ đầu tư chưa triển khai.

Đất có, chủ trương của Trung ương, tỉnh có, nhu cầu của người lao động rất cần kíp rồi, vì vậy đề nghị tỉnh sớm chỉ đạo các cấp ngành, đôn đốc doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà ở công nhân trong KCN cũng như xây dựng các thiết chế phục vụ người lao động.

“Có nhà ở tôi sẽ ở lại để thành người Quảng Ninh”

V

ợ chồng tôi quê ở Điện Biên, đã làm việc tại Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà được vài năm. Hai vợ chồng tôi có mức thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Công ty còn thực hiện nhiều chế độ chính sách ưu đãi cho NLĐ nên chúng tôi rất yên tâm với công việc hiện tại. Chúng tôi luôn làm việc tích cực để dành dụm tiền mua nhà.

Nhưng với giá thị trường hiện nay và mức thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng thì rất khó để chúng tôi mua được đất làm nhà ở. Tôi cũng đã được nghe phổ biến nhà nước, tỉnh có cơ chế hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, người có thu nhập thấp nên rất mong ở KCN Texhong Hải Hà sớm có nhà ở cho công nhân lao động, có nhà ở xã hội để chúng tôi được mua với giá phù hợp. Có nhà, có việc làm ổn định chúng tôi sẽ yên tâm gắn bó ở đây và thành người Quảng Ninh.

“Đề nghị sớm triển khai Dự án xây nhà ở của Tổng LĐLĐ Việt Nam”

T

ôi được biết, hiện có hơn 5.000 CNLĐ đang làm việc ở KCN Cái Lân, TP Hạ Long. Để tạo điều kiện an cư cho người lao động, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý chủ trương cho Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai Dự án nhà ở cho công nhân tại lô đất N0 thuộc dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản, thành phố Hạ Long. Dự án phục vụ nhu cầu nhà ở cho khoảng 1.200 - 1.500 công nhân. Chúng tôi rất mong ngóng về dự án này. Tuy nhiên, mong ngóng đã lâu mà dự án vẫn chưa được triển khai.

Vì thế, chúng tôi rất mong tỉnh Quảng Ninh đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam có giải pháp tháo gỡ khó khăn, sớm xây dựng dự án để người lao động có nơi an cư, cũng như đáp ứng yêu cầu của một khu công nghiệp kiểu mẫu mà tỉnh đang hướng tới. Đồng thời, tránh tình trạng do không có nơi ở ổn định công nhân sẽ nhảy việc, hoặc bỏ về quê do không thể tiếp tục sống mãi cảnh ở trọ.

Làng công nhân mỏ -ước mơ của người lao động”

T

hời gian qua, việc chăm lo, bố trí nhà ở, đầu tư xây dựng các khu tập thể cho công nhân lao động theo mô hình hộ độc thân tại doanh nghiệp ngành Than trên địa bàn tỉnh đã phục vụ tốt nhu cầu về nhà ở cho những công nhân chưa lập gia đình. Từ đó đảm bảo điều kiện ăn ở và sinh hoạt văn hóa, giải trí của người lao động. Tuy nhiên, nhà ở cho các hộ gia đình hiện rất ít, trong khi nhu cầu của thợ mỏ thì cao.

Được biết, năm 2020, Tập đoàn đã có chủ trương xây dựng “Làng công nhân mỏ” nhằm tạo điều kiện về nhà ở cho công nhân lao động giai đoạn 2019 - 2030, giải quyết kịp thời nhà ở cho hộ gia đình thợ lò. Vì thế, đa số các thợ lò đều mong mỏi dự án sớm thành hiện thực để thợ lò được công tác lâu dài, nhất là trong điều kiện sản xuất và huy động lực lượng của ngành Than đang ngày càng khó khăn.

“Dự kiến khởi công nhà ở cho công nhân KCN Đông Mai vào tháng 1/2022”

K

CN Đông Mai có 23 dự án đăng ký nhưng có 8 dự án đang hoạt động với tổng số gần 10.000 CNLĐ; trong tương lai khi tất cả các dự án đăng ký đi vào hoạt động, dự tính số lao động sẽ tăng lên 50.000 người. Vì thế để đáp ứng yêu cầu nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân cũng như đảm bảo kế sách nguồn nhân lực lâu dài cho KCN Đông Mai, Tổng công ty Viglacera đã được UBND tỉnh phê duyệt lựa chọn làm nhà đầu tư dự án xây nhà ở cho công nhân và chuyên gia. Dự án có tổng diện tích 9,18 ha, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nhà chung cư và nhà liền kề. Căn hộ chung cư gần 1.000 căn sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 5.500 người; 90 căn liền kề, mỗi căn 3,5 tầng, có diện tích một mặt sàn 80m2. Dự án đến nay đã được giải phóng mặt bằng xong từ 2 tháng trước, dự kiến khởi công tháng 1/2022 và hoàn thành sau 4,5 năm.

Chắc chắn, khi dự án được đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng yêu cầu về chỗ ở và nguồn nhân lực cho KCN Đông Mai tốt hơn. Chúng tôi mong muốn, quá trình thực hiện dự án sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tốt nhất của tỉnh, cơ quan ban, ngành và địa phương.


Thực hiện: Ngọc Lan - Thanh Hằng - Thu Chung 

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt