Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 23:33 (GMT +7)
Nhà ở xã hội tăng giá chóng mặt, cơ hội nào cho người thu nhập thấp?
Thứ 4, 06/11/2024 | 14:02:55 [GMT +7] A A
Nhà ở xã hội đang được rao bán trên dưới 50 triệu đồng/m2, thậm chí nhiều căn đã cũ vẫn có mức giá 2-3 tỷ đồng. Dường như khái niệm nhà ở xã hội đã không còn dành cho người có thu nhập thấp.
Người thu nhập thấp không thể mua được nhà ở xã hội
Mức tăng giá chóng mặt của chung cư và nhà đất ở Hà Nội thời gian gần đây khiến không ít người có nhu cầu về nhà ở phải từ bỏ giấc mơ sở hữu nhà. Một trong những "lối thoát" còn lại là tìm đến các dự án nhà ở xã hội, song chặng đường cũng rất gập ghềnh, khó đi.
Có trong tay 1,5 tỷ đồng từ tiền tiết kiệm trong gần 10 năm làm việc, vợ chồng anh Vũ Khánh Hưng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) dự định mua nhà ở Hà Nội. Cách đây 2 năm, anh chị tìm hiểu một dự án chung cư ở Mỹ Đình với giá 33 triệu đồng/m2. Với mức giá này, anh chị sẽ phải vay ngân hàng thêm khoảng 1 tỷ đồng mới có thể sở hữu 1 căn 2 phòng ngủ. Lo ngại gánh nặng tài chính trả nợ ngân hàng sẽ rất mệt mỏi, anh chị quyết định tạm dừng tìm nhà, chờ giá nhà xuống thấp hơn sẽ mua.
Gần đây, với sự biến động tăng vọt của giá nhà đất, anh Vũ Khánh Hưng chuyển hướng tìm hiểu mua nhà ở xã hội, chấp nhận ở xa trung tâm cũng được. Cứ nghĩ nhà ở xã hội thì giá cả cũng ở mức bình thường, thế nhưng khi tiếp cận, vợ chồng chị đã không khỏi giật mình.
"Môi giới dẫn chúng tôi đi xem một số căn hộ tại khu nhà ở xã hội Đại Kim Building (phố Trần Hoà, Hoàng Mai). Khu nhà này đã đủ điều kiện để mua bán vì đã đưa vào sử dụng được hơn 5 năm. Một căn hộ 70m2 ở đây có mức giá khoảng 3,6 tỷ đồng. Những căn trên 100m2, thiết kế 3 phòng ngủ đều có mức giá khoảng 5,5 tỷ đồng. Giá được các chủ nhà ở đây rao bán đều quanh mốc khoảng 52 triệu đồng/m2. Năm 2016, khi mở bán, khu nhà ở xã hội Đại Kim này chỉ có mức giá 16 triệu đồng/m2", anh Hưng chia sẻ.
Giá nhà ở xã hội cao ngất ngưởng là thực tế đang diễn ra hiện nay, khảo sát qua một số thông tin mua bán tại một số dự án nhà ở xã hội cũ thì hầu hết đều nằm quanh mức giá khoảng 50 triệu đồng/m2. Đơn cử tại dự án nhà ở xã hội ECOHOME 1 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), các căn hộ có diện tích từ 50 - 80 m2, mức giá dao động từ 48 - 52 triệu đồng/m2. Tại dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, giá còn cao hơn nhiều dao động từ 60 - 70 triệu đồng/m2… Hầu hết các dự án nhà ở xã hội này, cách đây khoảng 5 - 7 năm, giá thời điểm mở bán đều khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2, đến nay giá đã tăng 3 - 5 lần và đang dần tiệm cận giá nhà ở thương mại.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, với mức tăng giá như hiện nay thì chắc chắn không có người thu nhập thấp nào mua được nhà ở xã hội.
"Ví dụ như thời điểm mở bán dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, với mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 thì một căn hộ 70m2 đã có giá 1,5 tỷ đồng. Với số tiền đó thì bao giờ người thu nhập thấp tiết kiệm được mà mua chứ chưa nói đến việc giá nhà đất đang tăng chóng mặt như hiện nay. Giá nhà đất nhảy múa đang tạo ra hệ lụy rất lớn cho an sinh xã hội. Nhà ở xã hội cũ mà cũng có mức giá 50 - 60 triệu đồng/m2 thì phải nói thật người có thu nhập khá cũng không mua nổi, chứ nói gì đến thu nhập thấp", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Trông chờ vào nguồn cung nhà ở xã hội
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất 6 giải pháp để khuyến khích các chủ đầu tư quan tâm thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp.
Thứ nhất, tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm đối với từng địa phương, từng lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là quy hoạch các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở.
Cần đảm bảo quy hoạch các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN ổn định dài hạn, đảm bảo việc xây dựng và phát triển thành các khu đô thị phù hợp, có đầy đủ các cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông thuận tiện. Nếu có điều chỉnh các quy hoạch vùng, khu vực của cấp trên cần cân nhắc, tính toán ngay các quy hoạch của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN có liên quan, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án.
Thứ hai, chính quyền các địa phương cần khẩn trương rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án theo từng chủ thể, từng lĩnh vực; nắm bắt và xác định rõ các nguyên nhân các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc triển khai chậm để kịp thời tháo gỡ thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc vượt quá thẩm quyền để đề xuất với các cơ quan liên quan, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để có các biện pháp cơ cấu lại toàn bộ thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Thứ ba, thực hiện tốt Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đảm bảo việc xác định giá đất đai dần theo quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo quyền lợi của người có quyền sử dụng đất, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư và quyền lợi của nhà nước.
Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; cần xác định các nguyên tắc để đảm bảo việc xác định giá đất theo giá thị trường, tính toán đầy đủ tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án vào giá trị dự án.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư phù hợp; bàn giao mặt bằng "sạch" trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN để rút ngắn thời gian chuẩn bị, giảm chi phí cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thứ tư, cần cụ thể hóa, chi tiết hóa và hướng dẫn đầy đủ về các thủ tục, các quy trình để các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dễ dàng tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước khi thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thứ năm, Chính phủ, chính quyền các địa phương cần nhanh chóng xác định rõ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ của 4 ngân hàng lớn, nhằm giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm và kích cầu nhu cầu mua bán bất động sản.
Đồng thời, cần thực hiện truyền thông rộng rãi các gói hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở, cho vay xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho các đối tượng ưu tiên đang được Ngân hàng chính sách xã hội triển khai.
Thứ sáu, đẩy mạnh công cuộc số hóa các cơ quan công quyền, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính số để đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn trong giải quyết các thủ tục liên quan đến triển khai các dự án bất động sản.
"Nhà nước cần triển khai nhanh các chính sách cụ thể như làm thế nào để thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn hỗ trợ, điều chỉnh các quy định liên quan đến thủ tục pháp lý… Bởi nếu không thì chẳng doanh nghiệp nào muốn làm nhà ở xã hội cả. Làm nhà ở thương mại biên lợi nhuận lên tới 40 - 50%, trong khi làm nhà ở xã nhà nước chỉ khống chế có 10% mà thủ tục lại quá lâu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()