Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:15 (GMT +7)
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) Nhà sàn Bác Hồ và câu chuyện "chú Kiến"
Thứ 6, 19/05/2023 | 07:41:32 [GMT +7] A A
Ngôi nhà sàn nằm trong Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ từng sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ năm 1958 đến năm 1969. Nhà sàn Bác Hồ là một phần quan trọng trong quần thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Nơi đây không chỉ là Di tích quốc gia đặc biệt của dân tộc ta mà còn là nơi để luôn nhắc nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương ngời sáng về đạo đức, hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước; là biểu tượng cao đẹp đầy tự hào của dân tộc Việt Nam trước bạn bè quốc tế; cho lớp lớp thế hệ thanh niên hôm nay biết gìn giữ giá trị tinh thần vĩ đại ấy, để học tập và làm theo Bác.
"Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm mát bóng dừa", những câu thơ quen thuộc, xúc động trong bài thơ "Thăm cõi Bác xưa" của nhà thơ Tố Hữu đã như tái hiện thật đầy đủ và đẹp đẽ về Nhà sàn Bác Hồ.
Nằm ẩn mình giữa vườn cây trái xanh mát, từ khi Bác mất, ngôi nhà sàn đã tiếp đón nhiều đoàn chính khách, các nguyên thủ quốc gia, đồng bào cả nước và du khách quốc tế đến viếng thăm mỗi khi có dịp về Hà Nội.
Hướng về chiến khu
Mỗi dịp tháng 5 đều có hai ngày đặc biệt: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và ngày Nhà sàn Bác Hồ chính thức được đưa vào sử dụng (17/5). Năm nay kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Bác và tròn 65 năm kể từ ngày Người chọn nhà sàn là nơi để sống và làm việc.
Cuối tháng 12/1954, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Được tổ chức bố trí ở và làm việc trong Phủ Toàn quyền Đông Dương, tức Phủ Chủ tịch, một công thự rất rộng rãi và bề thế ở Quảng trường Ba Đình nhưng Bác đã từ chối.
Với bản tính giản dị, yêu thiên nhiên, Bác chọn nơi ở cũng thuộc khuôn viên Phủ Chủ tịch nhưng chỉ trong một ngôi nhà nhỏ từng là chỗ làm việc của những người thợ điện trong Phủ Toàn quyền cũ. Người đã ở trong ngôi nhà này từ khi trở về Hà Nội tới tháng 5/1958.
Trong thời gian 9 năm kháng chiến, ở chiến khu Việt Bắc, Bác đã ở trong nhiều ngôi nhà sàn bằng tre, nứa của đồng bào dân tộc, ở cùng đồng bào và được đồng bào nuôi giấu, che chở.
Chính vì thế Bác vẫn luôn đau đáu, gìn giữ những tình cảm sâu nặng ấy với người dân Việt Bắc, và Người đã đề xuất với các đồng chí phục vụ: Bác muốn làm một căn nhà sàn ở bên bờ ao trong Phủ Chủ tịch để ở và làm việc.
Mùa hè năm 1958, kế hoạch xây dựng ngôi nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch được giao cho Đoàn 5 Cục Doanh trại (nay là Cục Kiến thiết cơ bản) Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam thi công công trình. Và người được giao trọng trách thiết kế là Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh - khi ấy ông đang là Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thủy lợi (nay là Bộ Xây dựng).
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh là một trong 8 người Việt Nam tốt nghiệp khoa Kiến trúc khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1926-1931).
Năm 1950, ông được điều về làm lãnh đạo Vụ Kiến trúc Bộ Giao thông Công Chính - tổ chức thiết kế kiến trúc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở ATK (an toàn khu) đã cùng kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện soạn thảo đề cương kiến trúc phục vụ kháng chiến.
Ông cũng chính là người thiết kế lễ đài Ba Đình để đón Bác cùng phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ trở về thủ đô ngày 1/1/1955.
Bác Hồ đã bàn kỹ với kiến trúc sư từng chi tiết lớn nhỏ về ngôi nhà. Bác muốn làm một ngôi nhà sàn giống như nơi Người từng sinh sống cùng đồng bào Việt Bắc. Bác còn căn dặn làm nhà bằng gỗ bình thường, còn gỗ tốt nhóm 1 để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học.
Đội thi công đã khẩn trương thiết kế, xây dựng và hoàn thành đầu tháng 5/1958 với quyết tâm có nhà sàn vào đúng dịp sinh nhật Người.
Trước sinh nhật hai ngày, 17/5/1958, Bác Hồ đã chuyển sang ở tại ngôi nhà này cho tới ngày 17/8/1969 khi Người trở bệnh nặng. Từ ngày 18/8/1969, theo đề nghị của các bác sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống ở và làm việc tại nhà 67, ngôi nhà nhỏ ở phía sau nhà sàn.
Câu chuyện chú Kiến
Đi dưới hàng xoài mát xanh và thật bình yên trong vườn Bác, chị Nguyễn Thị Thu Thủy - cháu của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về ông nội và những gì chị đã chứng kiến trong suốt 29 năm trực tiếp công tác tại Nhà sàn Bác Hồ.
"Hồi chị em tôi còn bé, mẹ tôi xung phong đi dạy học ở tận Hải Dương. Năm 12 tuổi, vì là chị cả cho nên tôi được về Hà Nội ở với ông bà nội và bố trong ngôi nhà trên phố Bà Triệu. Ông không kể đã thiết kế nhà sàn như thế nào. Ông chỉ đi chụp ảnh nhà sàn mang về cho tôi xem và cũng có nói ông là người thiết kế", chị Thủy chia sẻ.
Chị Thủy nhớ lại câu chuyện được nghe ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác Hồ - PV) kể rằng: "Ngay khi làm xong nhà sàn, Bác mời tất cả mọi người đến liên hoan bánh kẹo để cảm ơn, cái tên Chú Kiến đã ra đời trong sự kiện ấy. Khi mọi người đến đông đủ, chuẩn bị đứng vào chụp ảnh kỷ niệm thì ông nội tôi mới đến. Bác vẫy tay: "Chú Kiến, chú Kiến vào đây"; và cho ngồi hàng đầu ngay trước nơi Bác đang đứng.
Các bác, các chú lúc đó giải thích rằng Bác đặt tên cho ông nội tôi là Kiến, có nghĩa là kiến trúc sư, cũng là kiến bò chậm, đến muộn. Mọi người nhắc nhớ nhau như thế, và giống như rất nhiều người may mắn được Bác đặt tên, ông nội tôi cũng cảm thấy vô cùng tự hào, vui sướng.
Sinh ra ở Lạng Sơn nhưng thời gian ông Nguyễn Văn Ninh ở đó rất ít. Tốt nghiệp Trường Bưởi (Hà Nội) rồi sau đó thi và theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ra trường ông vào Huế, làm việc ở cung đình.
Đến năm 1938, ông chuyển tới Đà Lạt, rồi Sài Gòn và tham gia kháng chiến, sau đó khi bị ốm mới chuyển cả gia đình ra bắc.
"Ông nội tôi là người rất tuyệt vời. Bà tôi ốm phải nằm liệt bao năm, ông tự chăm sóc bà là chính vì con cái đều ở xa, mỗi bố con tôi ở cùng ông bà. Tôi vẫn còn nhớ ông tôi người nhỏ nhắn, hiền lành và hết lòng vì vợ con", chị Thủy xúc động chia sẻ.
Khi chúng tôi hỏi: "Là cháu nội của ông Ninh, chị có được ưu tiên gì không?", chị Thủy thẳng thắn: "Khi mới vào làm việc ở Nhà sàn Bác Hồ, tôi cũng có cảm giác buồn vì lúc ấy đang thanh niên. Nhưng sau đó tôi nhận thức được rằng không phải ai cũng được làm ở đây, đấy là một niềm vinh dự lớn. Tôi thấy vinh dự, tự hào, cho nên lúc nào cũng chỉ biết cố gắng".
Nhà sàn Bác Hồ có những nét kiến trúc giống những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Tày-Thái nơi núi rừng Việt Bắc. Công trình có quy mô nhỏ với chiều dài 10,5m, rộng 6,2m, cao hai tầng. Tầng dưới là nơi Bác thường làm việc vào mùa hè, cùng Bộ Chính trị họp bàn quyết định những vấn đề quan trọng của cách mạng, của đất nước; cũng là nơi Bác tiếp khách thân mật. Tầng trên có hai phòng, một phòng làm việc và một phòng ngủ của Bác.
Trang nghiêm mà không thần bí, tĩnh lặng mà thấy an vui, mát lành mà vẫn ấm áp là những cảm nhận của mọi người khi đến thăm Nhà sàn Bác Hồ. Nhà được lợp ngói bẻ gốc, rường cột xuyên xà đều bằng gỗ dổi chứ không phải gỗ quý, đúng yêu cầu phải tiết kiệm mà Bác đã nhấn mạnh với chú Kiến Nguyễn Văn Ninh và đội thi công.
Chú Kiến Ninh đã thể hiện được năng lực chuyên môn tốt khi tạo ra được hồn cốt cho ngôi nhà cũng như rất tinh tế khi sử dụng gỗ dổi, bởi không chỉ lĩnh hội được tinh thần chỉ đạo phải tiết kiệm của Bác, mà còn sử dụng hiệu quả loại gỗ tuy không quý nhưng lại là loại gỗ có dầu, thoang thoảng hương thơm rất dễ chịu, có vân đánh bóng cũng lên nước mầu sáng đẹp.
Chung quanh ngôi nhà là khu vườn rợp bóng cây xanh; phía trước là ao cá, nơi Bác vẫn thường ra nghỉ ngơi, thư giãn và cho cá ăn.
Có thể nói, Nhà sàn Bác Hồ là một điểm nhấn kiến trúc Việt rất đẹp, bình dị và gần gũi trong không gian kiến trúc kiểu Pháp của Phủ Chủ tịch.
Và cảm xúc những ngày tháng 5 của mỗi chúng ta được gửi gắm trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước, mang theo niềm nhớ thương tha thiết hướng về Người: "Sáng tháng 5 trời trong xanh quá/ Bốn phương về tụ Ba Đình… Những bước chân bồi hồi xao xuyến/ Cháu con trở về bên Người/ Hãy đừng để lệ rơi/ Bác đang ngủ kia mà/ Người vừa mới đặt mình".
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()