Hoàng Dạ Thư - con gái cả nhà thơ - cho biết những năm gần đây, bà sống cùng gia đình cô ở TP HCM. Bà mắc bệnh alzheimer nên không còn minh mẫn.
Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường gặp nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lần cuối ba năm trước. "Khi ấy, bà không nhận ra ai nhưng cơ thể vẫn khỏe mạnh, hay cười. Những bạn gái chơi với Lâm Thị Mỹ Dạ một thời vẫn hay nhớ về nụ cười ấy, về một nhà thơ tài năng, hồn hậu, xinh đẹp", nhà văn Trần Thị Trường nói.
Lâm Thị Mỹ Dạ nổi tiếng trên thi đàn từ năm 1971 ở tuổi đôi mươi, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài Khoảng trời, hố bom. Tác phẩm từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn cấp ba.
Bà viết bài thơ từ sự ám ảnh về số phận những chiến sĩ mở đường thời kháng chiến chống Mỹ. Năm 1970, trong chuyến thực tế đường 10, nhà thơ gặp một đội thanh niên xung phong đang làm đường, trong đó có một phụ nữ lớn tuổi người Quảng Ninh. Cô đã giải ngũ ba năm nhưng về đến nhà thì cả gia đình bị bom chết, ngôi nhà chỉ còn lại cái hố sâu hoắm. Sau mấy ngày ở nhờ nhà bà con, cô lại khoác ba lô vào chiến trường.
Hai năm sau, Lâm Thị Mỹ Dạ trở lại con đường đó, hỏi đến đơn vị của người kia thì không còn ai biết nữa. Sau chuyến đi trở về nhà, nhà thơ ra sông giặt quần áo, bỗng sững sờ trước hình ảnh khoảng trời in trong đáy nước. Ám ảnh về hố bom trỗi dậy. Lâm Thị Mỹ Dạ bỏ cả quần áo, về nhà viết bài thơ.
Bà nhập ngũ năm 1966, chứng kiến nhiều đau thương, mất mát trên chiến trường. Lâm Thị Mỹ Dạ từng nói về thơ: "Thơ vừa là nơi gây cho mình nhiều vết thương, mà cũng vừa là nơi xoa dịu, nhưng cũng không hẳn là một khu vườn chữa bệnh. Vì nếu như vậy, ai cũng nhảy vào đó. Thơ như cuộc đời đầy tràn vết thương. Trên đường đi vào thể nào cũng bị cào rách nát. Nhưng khi đến được thì đó là đích cuối cùng".
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà nhận định: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng.". Nhà thơ Ngô Văn Phú nói: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính".
Năm 2005, một tập thơ gồm 56 bài do bà tự tuyển chọn được Nhà xuất bản Curbstone (Mỹ) dịch sang tiếng Anh và phát hành. Năm 2007, bà được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các tập thơ: Đề tặng một giấc mơ (1988), Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983).
Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau bà làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Ý kiến ()