Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:44 (GMT +7)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Mang sắc biển Hạ Long về quê
Chủ nhật, 11/02/2024 | 09:27:00 [GMT +7] A A
Không phải chờ đến tập truyện ký "Đảo chìm", người ta mới phát hiện ra nhà thơ Trần Đăng Khoa là người rất yêu biển mà ngay từ thời viết “Góc sân và khoảng trời”, Khoa đã rất thích ra Quảng Ninh. Mà mỗi lần ra Quảng Ninh, Trần Đăng Khoa đều viết về Hạ Long. Yêu biển đến nỗi chú bé Khoa năm xưa mơ ước đưa biển về bầu trời trên mái nhà mình.
Vậy là từ chỗ chỉ viết loanh quanh ở trong sân ra đến cái vườn rồi mới ra đến khoảng trời mênh mông, nhà thơ đã đi đến khoảng trời của biển cả, khoảng trời của nhân loại. Và mọi khoảng xanh của bầu trời, của biển cả cũng đều được nhà thơ quy chiếu về khoảng xanh của bầu trời trên góc sân nhà.
Quảng Ninh được coi là quê hương thứ hai của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nhà thơ kể: Gia đình tôi một nửa ở Quảng Ninh. Và như thế, những vui buồn của tôi có nhiều liên quan với Quảng Ninh. Ông anh ruột tôi, nhà thơ Trần Nhuận Minh, ra Hòn Gai từ năm 1962, khi ấy còn thuộc khu mỏ Hồng Quảng. Em gái tôi sau này cũng ra Hòn Gai học cấp 3, rồi sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm thì về Cẩm Phả dạy phổ thông trung học. Hai con bà chị ruột tôi cũng ở Cẩm Phả và khá đông các cháu. Chính anh Minh là người mở đường cho tôi đến với văn chương qua các tác phẩm văn học mà anh cho tôi đọc.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh còn nhiều lần đưa em trai ra Quảng Ninh tiếp xúc với bạn bè trong giới văn chương. Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: Anh Minh nhà tôi chơi thân với anh Lý Biên Cương, khi đó là phóng viên Báo Quảng Ninh. Anh Cương quê gốc ở Nam Sách (Hải Dương). Lần đầu anh đến nhà tôi, tôi có ứng tác 4 câu thơ đùa tặng anh: “Anh đi xe lết cao cao/ Dựng xe ngoài cửa, anh vào nhà em/ Mắt anh đeo cặp kính đen/ Xe anh cũng chẳng có đèn, có chuông”. Sau này có nhà báo viết là tôi làm thơ về nhà thơ Phạm Hổ. Không phải, Phạm Hổ tôi gọi là chú, coi như cha. Quê tôi dạo ấy gọi xe đạp là “xe lết”, tôi không hiểu vì sao. Vì thế, anh Cương về nhà tôi, đưa tôi ra Hòn Gai chơi từ năm 1968. Sau đó, hè năm 1969, anh Cương đưa tôi ra Quảng Ninh lần hai. Lần này hai anh em đi qua Đông Triều (tôi viết bài “Cầu Cầm”) ghé qua Mạo Khê thăm anh Minh, rồi về Uông Bí gặp các nhà thơ ở đây. Vui lắm!
Ra Hòn Gai, tôi có đến Báo Quảng Ninh chơi và đi nói chuyện thơ ở một số nơi. Tôi không nhớ lúc đó mình mới 11 tuổi đầu thì nói những gì, chỉ cảm nhận là các cô, các chú rất ưu ái, rộng lượng và yêu thương mình như cha mẹ yêu con. Sau đó, anh Nguyễn Sơn Hà (Nhà văn Nguyễn Sơn Hà công tác tại mỏ Cọc Sáu những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, sau chuyển về quê ở Thanh Hoá, nay đã mất - PV) lại đưa về Cọc Sáu, Cẩm Phả (tôi viết bài “Lời của Than” ở đây), thành ra tôi viết trong chuyến đi này được khá nhiều, gom thành tập cùng vài chục bài khác, đã được tái bản đến 70-80 lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Riêng ở Cu Ba, bài “Cầu Cầm” còn được một hoạ sĩ vẽ thành tranh rất đẹp...
Sau những lần ra Quảng Ninh thăm anh trai, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có nhiều sáng tác thơ về Quảng Ninh như: “Cầu Cầm”, “Lời của Than”, “Hạ Long”, “Em về Hồng Gai”, “Bãi Cháy”... Ông quan niệm Quảng Ninh là vùng đất đặc biệt, là quê hương thứ hai của mình, nơi có người anh yêu văn chương đưa sách về cho ông đọc và đưa ông đến với văn chương.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể tiếp: Tôi còn qua lại Quảng Ninh vào những năm 1970, 1971, khi đó anh Minh đã là cán bộ Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh. Tôi về và ở tập thể Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh tại Bãi Cháy. Tôi viết bài “Hạ Long”, năm 1971, có câu ca ngợi vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long “Hiện lên rực rỡ lúc trời nổi giông” là viết ở đây, trụ sở của Hội Văn học nghệ thuật trên đồi cao Bãi Cháy nhìn xuống Vịnh Hạ Long.
Trần Đăng Khoa đã có nhiều phát hiện mới khi viết về Vịnh Hạ Long. Ông kể: Ra Hạ Long, đêm đêm tôi nhìn ra Vịnh, thấy đèn như sao trời hóa ra là đèn của bà con ngư dân đi đánh cá. Thế rồi về nhà, nhớ Hạ Long, đêm, tôi ngước lên nhìn sao trời ở quê, thấy như đèn đánh cá. Rồi lại thấy mây bay như những cánh buồm trên Vịnh Hạ Long. Tôi tưởng trên nóc nhà tôi cũng là Hạ Long, cũng là biển, cũng là Hòn Gai đấy chứ. Và tôi viết: “Lấp lóe lửa chài sao hiện ra/ Mây bay lóng lánh cánh buồm xa/ Em mang sắc biển về quê đó/ Sắc biển xanh trên những mái nhà”. Đấy ra Quảng Ninh, tôi mang biển về bầu trời trên mái nhà.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng có những bài thơ đầu tiên của mình đăng trên Báo Quảng Ninh. Đó là bài “Em về Hồng Gai” năm 1968. Nhà thơ nhớ lại: Năm đó tôi tròn 10 tuổi. Tôi nhớ bài này tôi viết ở nhà anh Cương, hôm ấy có bác Như Mai đến chơi. Nhà anh Cương ở gác 2 phố Thương Mại, trước cửa trụ sở Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh bây giờ. Tôi nhớ trong bài có câu: “Thị xã/ Có chiếc cầu vào nhà máy/ Xây cao trên đầu/ Có sắc núi Bài Thơ/ Ngả vào từng cốc nước/ Hoa dâu da/ Nở trắng từng ô cửa sổ...”. Thoạt đầu tôi còn viết: “Có sắc núi Bài Thơ/ Ngã vào từng cốc nước”. Bác Như Mai bảo tôi chữ “ngã” không đẹp. Bác nói đúng. Chữ “ngã” rất trẻ con. Đúng là thơ trẻ con. Tôi chữa thành “ngả”. Hoa dâu da không biết bây giờ có còn không? Còn “Chiếc cầu vào nhà máy” là chiếc cầu vào Nhà máy Cơ khí Hòn Gai, từ cạnh sân vận động Hồng Gai, bom Mỹ phá sập rồi và TP Hạ Long sau này cũng không khôi phục lại. Bây giờ các bạn trẻ đọc câu thơ này, có khi lại nghĩ là lão Khoa già rồi đâm lẩn thẩn, cái cầu ấy làm gì có...
Thực ra, mỗi lần đến với Quảng Ninh nhà thơ Trần Đăng Khoa không chỉ viết về biển mà còn viết về than. Ông viết về than cũng rất tinh tế nhưng vẫn qua lăng kính hồn nhiên của trẻ thơ: "Than ơi!/ Bạn từ đâu ra/ Mà bạn đen thế?/ - Tôi từ đáy bể/ Mắt tôi có ngọc trai".
Từ sông Kinh Thầy đến với biển Hạ Long, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã để lại dấu ấn cho mảnh đất này với những câu thơ giàu cảm xúc và hình ảnh. Và rồi ông lại mang hình ảnh biển Hạ Long về quê, mang đi muôn nơi như một đại sứ quảng bá di sản kỳ quan thế giới, chỉ khác, ông quảng bá bằng thơ.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()