Bạn có thể nói thêm về tác phẩm của mình đoạt giải thưởng “Cây bút vàng” lần này? Nó có phải là tác phẩm tâm đắc nhất của bạn?
- Tác phẩm của tôi đoạt giải “Cây bút vàng” lần thứ IV (2018 - 2021) là truyện ngắn “Pảng Cò Moong”, lấy bối cảnh vùng cao Tây Bắc những năm 80 của thế kỷ trước. Truyện phản ánh hiện thực nhức nhối về những hủ tục lâu đời, tệ nạn ma túy và mua bán người. Trên cái nền hiện thực khốc liệt ấy, tình yêu vẫn nảy nở, dù dang dở nhưng rất đáng nâng niu, trân trọng. Thông qua truyện ngắn này, tôi đã cố gắng khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Đây là một trong đứa con tinh thần mà tôi đã thai nghén rất lâu, trăn trở, trau chuốt kỹ càng, tỉ mỉ trước khi gửi dự thi. Vài lần, tôi đã mơ thấy cảnh Nến nắm chặt tay Thòng treo lửng lơ bên miệng vực sâu hun hút có đàn quạ đen háu đói đang chao liệng đen đặc - một cảnh trong phần kết truyện.
Truyện ngắn, thơ, tản văn, truyện thiếu nhi và lấn sang cả tiểu thuyết vì sao bạn không thể “đứng yên” một chỗ? Tác động tương hỗ giữa các loại hình này như thế nào?
- Mỗi thể loại văn học đều có một chức năng riêng và mang những giá trị bình đẳng. Một câu thơ hay vẫn đáng quý hơn một cuốn tiểu thuyết dở. Tôi bắt đầu sáng tác từ thơ, đến tản văn, truyện ngắn, truyện dài thiếu nhi và sau cùng là tiểu thuyết. Có lẽ đó là quy luật tự nhiên, hợp với “tạng” của tôi, nghĩa là chinh phục từ dung lượng ngắn đến dài. Tôi nghĩ, các thể loại văn học về cơ bản đều có mối quan hệ gắn kết, bổ sung lẫn nhau để góp phần giúp người viết tạo nên những tác phẩm hoàn chỉnh.
Nói về “Tuyết đỏ”- cuốn tiểu thuyết đầu tay của bạn, nhiều bạn đọc ấn tượng với kết cấu song hành hai mạch truyện là, hành trình điều tra phá án với người kể chuyện là Trung úy Phan Hà cùng với tự truyện của nhân vật Thiên Di như chương II là “Chỉ cần anh không buông tay” thì chương III là “Manh mối đầu tiên”… Vì sao bạn chọn kết cấu này, vì câu chuyện cần phải kể như vậy, hay đơn thuần chỉ vì muốn tạo sự thay đổi, tránh nhàm chán cho độc giả?
- Kết cấu truyện lồng truyện cũng không còn mới vì đã được nhiều nhà văn sử dụng rồi. Cái quan trọng là vận dụng nó như thế nào để đảm bảo sự nhuần nhuyễn, hài hòa và tạo được hiệu ứng nghệ thuật. Trong tiểu thuyết “Tuyết đỏ”, tôi lựa chọn kết cấu “hai trong một” với mong muốn làm cho câu chuyện trở nên nhiều sắc màu, giàu cung bậc cảm xúc và li lì, hấp dẫn hơn, tránh sự xuôi chiều đơn điệu, từ đó kích thích trí tò mò của độc giả. Một bên là hành trình phá án gai góc, căng thẳng và đầy lý tính. Bên còn lại là những ký ức tình yêu sướt mướt, ủy mị, đầy cảm tính. Cái khó khăn mà tôi gặp phải khi triển khai viết là làm cách nào để hai mạch truyện ấy “khắc nhập, khắc xuất” linh hoạt, có lúc hòa quyện ăn khớp, nhịp nhàng, lại có khi phải tách biệt rõ ràng, mạch lạc. Với cuốn tiểu thuyết đầu tay này, tôi chỉ hy vọng giản dị rằng bạn đọc sẽ “chịu khó” đọc hết từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng.
Các chủ đề trong tác phẩm của bạn rất đa dạng, vì sao bạn không tập trung vào hình tượng chiến sĩ công an - lĩnh vực am hiểu sâu? Khi viết về chiến sĩ công an phá án, bạn có tạo ra một mẫu hình tượng nhân vật nào không?
- Bởi cuộc sống đời thường và công việc của tôi vốn dĩ khuôn thước, chỉn chu. Nên trong văn chương, tôi muốn “phá bỏ những giới hạn” của chính mình để khám phá và chấp nhận thử thách. Tôi thử sức với nhiều đề tài để “đo lường” khả năng bản thân đến đâu nhằm hiểu rõ thế mạnh và khuyết điểm.
Tôi đang cố gắng dành nhiều thời gian, tâm huyết cho mảng đề tài Công an nhân dân - lĩnh vực mà tôi được đào tạo và đang công tác. Bên cạnh đó, tôi vẫn sẽ tiếp tục khai thác những đề tài khác. Viết văn là cách để chúng ta cùng lúc được sống trong nhiều cuộc đời. Là một cây bút trẻ, tôi không ngại việc nỗ lực “làm giàu” đề tài, bút pháp, kỹ thuật...
Sau cuốn “Tuyết đỏ”, thật vui khi một vài bạn văn thân thiết góp ý là tôi nên tiếp tục series về những câu chuyện phá án của Trung úy Phan Hà và đồng đội.
Là thế hệ GenZ, viết văn đối với bạn là cuộc dạo chơi hay thực sự là “phu chữ”?
- Từ khi còn là một cậu bé ngồi trên lưng trâu, tôi đã ôm ấp giấc mơ trở thành một nhà thơ, nhà văn. Tôi đến với văn chương bằng một niềm đam mê cháy bỏng. Tôi không xem viết văn là cuộc chơi giải trí, cũng không coi đó là nghề “phu chữ” nặng nề. Đối với tôi, văn chương là điểm tựa, là liều thuốc giảm đau xoa dịu những tổn thương tâm hồn giữa cuộc sống xô bồ, khắc nghiệt. Văn chương giữ giùm tôi những kỷ niệm, những tâm sự, những dự cảm và cả những bí mật riêng tư. Mỗi lần cầm bút là một lần thấy mình đang làm một điều gì đó có ý nghĩa nho nhỏ, vừa khấp khởi hân hoan, vừa rưng rưng xúc động. Tôi tin rằng, như một định luật vật lý, khi ta đến với văn chương bằng tình yêu thì văn chương sẽ chạm vào trái tim ta một tình yêu tương tự. Nếu không viết văn, hẳn cuộc đời của tôi sẽ khô khan, tẻ nhạt và vô định lắm.
Là một chiến sĩ công an hẳn công việc rất bận rộn, vậy Lộc lấy đâu ra thời gian để viết mà lại có thể viết nhiều đến vậy? Có bao giờ Lộc ngạc nhiên với chính sức lao động của mình?
- Công việc của tôi rất bận rộn. Vậy nên, để tiết kiệm thời gian cho văn chương, tôi đã “tinh giản” hầu hết các trò tiêu khiển khác. Tôi không chơi các trò chơi điện tử và ít tham gia tụ tập “chém gió”. Được cái này thì phải chấp nhận mất cái kia thôi. Ai đó từng nói: “Không muốn thì tìm cớ, muốn thì tìm cách”. Để duy trì mạch cảm xúc, tôi rèn luyện thói quen viết đều đặn mỗi ngày tầm 1 trang trong khoảng 1 đến 2 tiếng. Làm một phép tính đơn giản thì một năm, cứ cho là mất 65 ngày “lười biếng” thì tôi vẫn viết được tổng cộng chừng 300 trang, tương đương 2 cuốn sách mỏng. Con số ấy rất bình thường và khiêm tốn. Vậy nên, tôi không những không ngạc nhiên với sức lao động của mình mà còn đặt ra mục tiêu phải năng suất và chất lượng hơn nữa. Tôi chỉ sửng sốt và ngao ngán với chính mình khi có những tuần nhận được thông báo tự động về thời gian sử dụng điện thoại trung bình mỗi ngày lên tới...7 tiếng. Tôi tự nhắc mình nếu dùng thời gian sử dụng điện thoại cho văn chương thì sẽ làm được nhiều điều hơn nữa.
Trong thời đại 4.0, điều gì làm bạn ám ảnh nhất và suy nghĩ nhất?
- Điều mà tôi ám ảnh và suy nghĩ nhiều nhất trong thời đại 4.0 này là hội chứng “ném đá hội đồng” trên Facebook. Trước những thông tin một chiều, những sự việc chưa tường tận đúng - sai, đen - trắng mà có những người đã tự cho mình cái quyền phán xét, lăng mạ, chửi bới, móc mỉa. Đôi khi, chỉ một lời xúc phạm cũng có thể khiến trái tim một người mang vết sẹo cả đời.
- Cảm ơn Lộc về cuộc trao đổi thú vị này.
Ý kiến ()