Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia buồn khi hay tin Sơn Tùng qua đời. "Ông là một con người đặc biệt, một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sức sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Trước khi mất, nhà văn bị tai biến 11 năm. Ông liệt nửa người, mất hoàn toàn khả năng tự sinh hoạt nhưng trí óc vẫn minh mẫn, được vợ con chăm sóc. Gia đình ông sống trong căn nhà tập thể ở ngõ Văn Chương. Ông có hai người con trai, không ai theo nghiệp bố.
Trước khi phải nằm một chỗ, ông đang thực hiện dở cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ấp ủ viết một cuốn nữa về quê hương Nghệ An. Bản thảo có tên Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn, được viết dựa trên nhiều nguồn tư liệu. Trong đó, có tư liệu ghi lại từ cuộc gặp gỡ, trò chuyện của nhà văn Sơn Tùng với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột của Hồ Chủ tịch).
Anh Bùi Sơn Định - con trai thứ của nhà văn - là người thay cha tập hợp bản thảo từ những tư liệu ông lưu giữ. Dù chỉ nằm yên một chỗ, nói vài từ đơn giản, trí nhớ nhà văn vẫn minh mẫn. Con trai thường đọc bản thảo trực tiếp cho ông nghe hoặc ghi âm lại để ông nghiền ngẫm. Dù không thể giải thích tường tận, ông có thể gật, lắc với những điều đúng sai mà con trai nói.
Sơn Tùng sinh năm 1928 ở Nghệ An. Trước khi trở thành nhà văn, Sơn Tùng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tháng 4/1971, ông bị thương nặng trở về với 14 mảnh đạn trên mình: liệt tay phải, vỡ vai trái, mắt phải còn 1/10, ba mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được. Mất 81% sức khỏe, xếp hạng thương tật 1/4 (hạng thương binh nặng nhất), song ông vẫn cầm bút viết. Từ 1974 đến năm 2010, với bàn tay chỉ còn ba ngón cầm bút được, ông đã viết hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, văn xuôi.
Trong dịp nhà văn nhận danh hiệu "Anh hùng Lao động" năm 2011, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn - nhà thơ Hữu Thỉnh - từng phát biểu về ông: "Tên tuổi Bùi Sơn Tùng từng có lúc là biểu tượng của thế hệ thanh niên, được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cử đi dự Festival thanh niên sinh viên thế giới thời chống Pháp. Đến kháng chiến chống Mỹ, Sơn Tùng lại từ giã hậu phương để vào chiến truờng viết báo và chiến đấu. Bị thương nặng, ông được đưa ra Bắc điều trị và trở thành thương binh - bệnh nhân ngoại trú cả đời. Từ đây, là cả một chặng dài với nghị lực phi thường, Sơn Tùng phấn đấu và rèn luyện để phục hồi trí nhớ, phục hồi sức sáng tạo".
Ý kiến ()