Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:04 (GMT +7)
Các nhạc sĩ Đỗ Hòa An, Lê Đăng Vệ Nửa thế kỷ sáng tác âm nhạc về Vùng mỏ, về đất nước
Thứ 7, 21/10/2023 | 14:35:59 [GMT +7] A A
Năm 2022 Quảng Ninh có 2 nhạc sĩ Đỗ Hòa An và Lê Đăng Vệ được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Đây là 2 nhạc sĩ đầu tiên nằm trong tổng số 7 tác giả Quảng Ninh đã đoạt giải thưởng danh giá này cho đến nay. Số lượng tác phẩm đoạt giải là có hạn, nhưng gia tài sáng tác của họ là hàng trăm ca khúc đã đi cùng mảnh đất, con người Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Nhạc sĩ Đỗ Hòa An tên thật là Đỗ Văn Đồng, sinh năm 1951 tại Phú Thọ. Năm 1971 tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), ông về Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh công tác. Đến năm 1990 ông tham gia giảng dạy âm nhạc tại Cung Thiếu nhi Quảng Ninh. Từ năm 1995 ông là giảng viên âm nhạc tại Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (nay là Trường Đại học Hạ Long). Đến nay ông đã sáng tác trên 700 ca khúc với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi.
Giải thưởng Nhà nước lần này được trao cho cụm công trình của nhạc sĩ Đỗ Hòa An, gồm có 4 ca khúc: “Hạ Long biển nhớ”, “Mặt trời trên Khuê Văn Các” (phổ thơ Thi Sảnh), “Trụ biển” và “Mộ gió” (phổ thơ Trịnh Công Lộc). Trong đó ca khúc “Hạ Long biển nhớ” ra đời không lâu sau khi ông tốt nghiệp và về Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh, gắn với một giai đoạn khó khăn vì cơm áo đời thường của nghệ sĩ. Tuy vậy, chính những lần đi xiếc cá thuê ở biển để lo sinh kế gia đình, với khung cảnh lãng mạn, giàu chất thơ của Hạ Long đã ngấm vào người nhạc sĩ trẻ và đi vào một cách tự nhiên, bay bổng trong những lời ca của “Hạ Long biển nhớ”. Ca khúc có lời ca dễ nhớ, dễ thuộc, giai điệu tha thiết như gửi gắm tình yêu với biển, với Hạ Long, cho tới nay đã nhận được sự yêu mến của rất nhiều người.
Các ca khúc còn lại được ông sáng tác giai đoạn sau này, đều từng đoạt giải cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Khác với khúc tình ca của “Hạ Long biển nhớ”, ca khúc “Mộ gió” và “Trụ biển” nói về những người lính bảo vệ vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, mang “chất” riêng mạnh mẽ, vừa hào hùng, vừa bi tráng, khiến người nghe “nổi da gà”. Còn “Mặt trời trên Khuê Văn Các” nói về trường đại học đầu tiên của nước ta, ca khúc giúp “khoe” giọng, nên được nhiều giọng ca trẻ chọn để tham gia các cuộc thi hát ở Thủ đô Hà Nội.
Cả cuộc đời sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Hòa An vẫn luôn giữ thói quen thẩm định ca khúc dựa vào cảm xúc. Ông bảo, ông thường tự đánh đàn rồi hát thử, nghe phải cảm thấy cái tâm trong lòng mình rực cháy lên hoặc là phải cảm thấy cái gì đó mãnh liệt giống như thế thì ca khúc mới đến được với người nghe.
Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ sinh năm 1950, quê gốc ở Hà Nam, từng công tác ở Bưu điện Quảng Ninh. Ông sáng tác ca khúc cho phong trào văn nghệ quần chúng từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Ca khúc của ông đề cập tới nhiều đề tài, trong đó ông đặc biệt sáng tác nhiều về Quảng Ninh, về vùng than, vùng biển Hạ Long nơi ông sinh ra và lớn lên rồi gắn bó cả cuộc đời.
Nói về 2 ca khúc được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022, nhạc sĩ Lê Đăng Vệ cho biết: Quãng năm 2014, khi ấy là dịp 27/7, tôi đọc trên Báo Văn nghệ có đăng bài thơ của Vư-sốt-xky là một nhà thơ Nga, do nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch. Tôi thấy bài thơ có tính nhạc nên đã đem phổ thành ca khúc “Bên mộ chiến sĩ vô danh”. Còn với ca khúc “Bài ca Tổ quốc” ra đời năm 2015, khi ấy nhà thơ Trương Thiếu Huyền đưa cho tôi xem tập thơ thiếu nhi, trong đó tôi thích một bài thơ không phải của thiếu nhi nên tôi trao đổi với Huyền để phổ nhạc bài thơ này.
Các nhạc sĩ Lê Đăng Vệ và Đỗ Hòa An đều đã có chặng đường sáng tác âm nhạc hơn nửa thế kỷ. Những ca khúc được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT kể trên chỉ là số ít trong hàng trăm ca khúc mà họ đã viết trong cuộc đời sáng tác của mình. Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ chia sẻ: "Chủ yếu chúng tôi viết về Quảng Ninh, về mảnh đất mình sinh ra, gắn bó, sau đó thì một số ca khúc được mở rộng hơn về đề tài, cũng có sự phổ biến rộng rãi hơn…".
Cảm hứng về Quảng Ninh là nguồn đề tài không vơi cạn, đặc biệt đề tài về than và biển luôn xuyên suốt trong sáng tác của các nhạc sĩ với đam mê cháy bỏng. Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ còn sáng tác ca khúc “Tình yêu biển và than” như một lời tự sự chân tình: Tình yêu tôi hai nửa cuộc đời/ Bên là Than, một bên là Biển/ Nắng gió tầng cao, mưa ướt lò sâu/ Người thợ lò ngày đêm vất vả/ Mơ về em, biển bát ngát xanh màu…
Cả hai nhạc sĩ Lê Đăng Vệ, Đỗ Hòa An bây giờ đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, tuy vậy họ vẫn gắn bó với đời sống âm nhạc của Quảng Ninh và cả nước theo những cách khác nhau. Với sáng tác, họ vẫn khát khao dấn thân, kiếm tìm để tiếp tục có những sáng tạo, đổi mới phù hợp với cảm xúc, trải nghiệm cá nhân và sự thay đổi trong đời sống âm nhạc đương đại hiện nay. Còn trong đời thường, nhạc sĩ Lê Đăng Vệ duy trì quán "Cà phê Vệ" tạo thành một không gian cho nhiều đối tượng yêu mến âm nhạc được thỏa niềm đam mê. Bao năm qua, nhạc sĩ - thầy giáo Đỗ Hòa An vẫn bền bỉ một tình yêu với lớp học trò nhỏ thông qua việc truyền cho các em những ca khúc mới sáng tác, những kinh nghiệm trong luyện thanh, hơn thế còn là định hướng cho các em về tương lai, để các em có dũng khí đi tiếp trên con đường nghệ thuật có vinh quang nhưng cũng không ít gian nan...
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()