Tất cả chuyên mục

Chuẩn bị đón Tết 1980, Cục Chính trị Đặc khu Quảng Ninh đã tổ chức đón Đội ca nhạc xung kích tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh) tới phục vụ bộ đội thường trực chiến đấu trên tuyến đảo Đông Bắc. Chính trong chuyến đi này nhạc sĩ Đức Miêng có được tác phẩm đi cùng năm tháng, đó là ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa”.
Nhạc sĩ Đức Miêng kể: “Đội ca nhạc xung kích của bọn mình có 12 người, bằng quân số một tiểu đội, đã đi biểu diễn hơn một tháng trên tuyến đảo vùng biển Đông Bắc Quảng Ninh. Chúng mình đi cùng tàu tiếp tế hậu cần của bộ đội, tàu đến đảo nào chúng mình biểu diễn ở đảo đó. Cứ theo tàu đó mà bọn mình đi khắp các đảo của Quảng Ninh có bộ đội đóng quân. Mỗi khi nghĩ về biển, mình thường hình dung tới khung cảnh hùng vĩ của biển cả khi tới biểu diễn ở các đảo: Cái Bầu, Ngọc Vừng, Cô Tô, Thanh Lân, Vĩnh Thực, Phượng Hoàng... Bộ đội xem tiết mục nào cũng hoan hô đòi trình diễn lại lần thứ hai, mặc dù so với bây giờ nghệ thuật khi đó không được như ý muốn. Năm đó chiến sự biên giới vẫn căng như hồi biển đảo vừa rồi, người hậu phương và người ở đảo gặp nhau thì thích lắm. Đàn, hát, ngâm thơ, gì trên sân khấu bộ đội cũng thích. Bọn mình hồi đó cũng chỉ có mấy bộ dây đàn ghi ta để tặng bộ đội…”.
![]() |
Ngày 6-1-2015, nhạc sĩ Nguyễn Đức Miêng được tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Ba. |
Ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa” được hình thành từ câu chuyện có thật mà nhạc sĩ Đức Miêng “chớp” lấy. Tại một đảo, khi đội biểu diễn thì ca sĩ Hồng Hạnh gặp được bạn trai cùng quê là Bưởi, đại đội trưởng. Cuộc biểu diễn đã trở thành cuộc hội ngộ liền anh, liền chị ở giữa biển khơi. Đêm văn nghệ cùng gặp gỡ rồi chia tay giữa ca sĩ Hồng Hạnh và đại đội trưởng Bưởi là chất liệu sinh động để nhạc sĩ Đức Miêng sáng tác ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa” với nhân vật đại đội trưởng Bưởi và người yêu là Kim Dung (nguyên mẫu ca sĩ Hồng Hạnh).
Những lời ca giản dị mà sâu lắng của “Quan họ nơi đảo xa” đã làm xao xuyến thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam 35 năm qua:
- “Sáng xuân nay anh giữ trời trong xanh, biển lặng, quê nhà có em lo, gửi cho anh hoa đào quê hương Quan họ sáng tươi màu trong nắng đẹp ngát hương xuân…”.
“Sáng xuân nay những đoàn quân đang ra trận, đi giữ gìn biên cương, gửi cho anh đây chiếc nón ba tầm trăm mến ngàn thương…”.
“Đảo quê hương anh giữ trời trong xanh biển lặng cho Đất mẹ muôn màu hoa. Đảo quê hương bao đời vui sóng vỗ đêm ngày như tiếng mẹ à ru…”.
- “Ai người tiếng hát vang trên sóng biển khơi lúc chiều về. Ơi người tiếng hát vang trên sóng biển khơi, hỏi người là người Quan họ có nhớ biển không…”.
- “Em gửi theo những cánh chim điệu dân ca tới thăm anh nơi biên giới, súng chắc tay anh canh giữ đất trời…”.
Khoảng 20 năm trước, tại TP Bắc Giang, tôi từng nghe nhà thơ, nhà báo Xuân Hồng kể về chuyến biểu diễn này. Khi ấy Xuân Hồng là Trung sĩ, phụ trách đội văn nghệ của Trung đoàn 288 của Đặc khu Quảng Ninh và được “tháp tùng” Đội ca nhạc xung kích Hà Bắc trong suốt chuyến biểu diễn. Trong đó tôi nhớ mãi chuyện những người lính tràn xuống biển dầm chân trong nước lạnh để chia tay anh chị em văn nghệ. Nhiều diễn viên không cầm được nước mắt. Có ca sĩ vừa cất lời hát: “Người ơi, người ở đừng về”, thì chỉ hát được “Người ơi…” rồi nghẹn nấc, không sao hát được nữa. Ca sĩ trẻ nhất của Đội ca nhạc xung kích là Hồng Bắc thì bảo: Đừng vẫy tay nữa, các anh thấy mình còn vẫy, thì còn đứng dầm dưới nước lạnh vẫy lại…
![]() |
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Miêng (người ngồi giữa Ban giám khảo) trong Hội thi Hát đối đáp Dân ca Quan họ đầu xuân. |
Nhạc sĩ Đức Miêng cho biết, sau chuyến lưu diễn, Đội ca nhạc xung kích Hà Bắc đã được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen. Cho đến nay “Quan họ nơi đảo xa” vẫn được nhiều đơn vị nghệ thuật của tỉnh Bắc Ninh dàn dựng thành tiết mục đi hội diễn. Mới nhất, cuối năm 2014, tại Hội thi Tiếng hát học sinh sinh viên toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh đã đạt Huy chương Bạc với tiết mục ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa”. Trong lễ tổng kết Hội thi này, NSND Trần Hiếu thay mặt Ban Giám khảo đã đánh giá rất cao tác phẩm “Quan họ nơi đảo xa” cũng như sự diễn xuất tiết mục này của Trường Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh.
Tâm sự với tôi, nhạc sĩ Đức Miêng ước muốn, một dịp nào đó, ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa” sẽ được biểu diễn ở huyện đảo Trường Sa.
Khi nói về sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Đức Miêng luôn đánh giá “Quan họ nơi đảo xa” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình. “Quan họ nơi đảo xa” đã đến với công chúng như bản tình ca về cô gái hậu phương với người lính tiền tiêu biên giới, hải đảo. Bản tình ca đôi lứa hoà quyện với tình yêu quê hương, đất nước. Bởi thế ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa” luôn được công chúng đón nhận, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo.
Chuẩn bị đón xuân Ất Mùi 2015, nhạc sĩ Đức Miêng được vinh dự đón nhận Huân chương Lao Động hạng Ba vì những đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật, âm nhạc quê hương Quan họ.
Nhạc sĩ Đức Miêng sinh ngày 19-1-1953 tại làng Vân Trung, xã Tân Chi, Tiên Sơn, Bắc Ninh, quê gốc tỉnh Thái Bình. Chàng trai quê gốc đất chèo lại say đắm với dân ca quan họ cũng là điều đặc biệt. Nhạc sĩ Đức Miêng cống hiến không mệt mỏi vì nghệ thuật nói chung, vì dân ca Quan họ nói riêng. Trước khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Đức Miêng đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Văn hoá nghệ thuật, Trung tâm Văn hoá tỉnh Bắc Ninh.
Nói dân ca quan họ, cùng với các ca sĩ nổi tiếng như Xuân Trường, Quý Tráng, Thuý Cải, Khánh Hạ, Thuý Hường… thì không thể không nói đến nhạc sĩ Đức Miêng. Nhạc sĩ Đức Miêng đã sáng tác hơn 200 bài hát, trong đó 140 bài dân ca quan họ được dàn dựng và công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Trong những tác phẩm ấy, ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa” là một trong những tác phẩm của anh được phát sóng nhiều nhất.
Trương Thiếu Huyền - Trần Thị Thảo
Ý kiến ()