Tất cả chuyên mục

Là nghệ sĩ, Đức Trí hiểu rằng anh phải chấp nhận chuyện người ta nói về mình điều này, tiếng kia mặc dù anh “luôn cần đời sống riêng của mình để ở một nơi mình trân trọng nhất và không muốn ai chạm vào”. Điều đó có thể thấy rõ qua việc anh rất kín tiếng về chuyện riêng tư và thường tỏ vẻ không hài lòng khi ai đó đặt câu hỏi liên quan.
Có đam mê mới thành công
Bằng chính trải nghiệm của bản thân, Đức Trí tin rằng đam mê quyết định tất cả. Anh bảo mình là người có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, nhưng khi cha mẹ cho đi học đàn thì lại đánh đàn rất dở, không đánh được các bài cổ điển trong chương trình học nên anh đã tập trung vào những điều mình đam mê như nghe nhạc, sưu tầm băng đĩa và cũng tham gia chơi ban nhạc. Đến khi hết lớp 12, như một cái duyên, Đức Trí lại thi vào trường nhạc.
![]() |
Nhạc sĩ Đức Trí |
“Lúc đó, tôi mới học lại những thứ kinh điển, cộng với kinh nghiệm của bản thân đã tích lũy nên có thể hiểu “vốn” âm nhạc của tôi được xây nhiều hơn từ môi trường sống bên ngoài và được giải thích bằng những kiến thức đã học được từ trường lớp. Và kết quả đó là đi từ đam mê đến học thuật nên tôi tin rằng đam mê sẽ quyết định hơn là tài năng. Tất nhiên, tài năng là điều kiện thuận lợi cho người ta đi đến thành công, nhưng có khi nó chỉ đóng góp thấp hơn 50%. Đam mê sẽ giúp người ta phát triển tài năng nhiều hơn, với riêng tôi, đam mê chiếm đến 70%”.
Đức Trí bảo mình mê nhạc đến nỗi tất cả những thứ xung quanh anh đều liên quan đến nhạc, những đồng tiền anh làm ra cũng chỉ tốn cho nhạc. Anh kể, từ những năm 1996-1997 khi có dịp đi diễn ở châu Âu, sau khi ghé tiệm sách - đĩa - nhạc anh đã tiêu mất 1000USD (lúc đó giá trị rất lớn). Lúc ấy, một đêm diễn anh chỉ được trả 200USD cho 4-5 show, nguyên chuyến đi tổng cộng được 1-2 ngàn đô la vậy là hết.
Thời điểm đó, ở Việt Nam chưa có ai dùng Internet, để tiếp cận được với công nghệ thông tin phục vụ cho âm nhạc, anh đã đi học một lớp về lập trình mạng, Internet ở Đại học Sư phạm. Và để tiếp xúc với Internet, anh đã gọi qua nhà cung cấp ở Mỹ để vào Internet và tháng đầu tiên đó anh đã phải trả cước điện thoại tới hơn 1000USD.
“Thông qua đó tôi muốn nói rằng, phải khát khao, mê làm một cái gì đó chứ đừng đợi người ta có rồi mình mới làm. Điều đó là mấu chốt để thành công. Một số bạn trẻ có hỏi tôi: họ mê du học và muốn biết làm sao để đi được, tôi có nói rằng: không ai tạo ra cơ hội cho chúng ta cả mà chính chúng ta tự tạo cho mình. Bản thân tôi đã đi du học bằng cách tự tìm hiểu trường, tự viết thư qua trao đổi, tự kiếm người bảo trợ về chuyên môn, tự lo kinh phí và tự đi. Còn nếu chờ, có thể suốt đời cơ hội không đến” - Đức Trí chia sẻ.
Vậy một người có phẩm chất như thế nào thì Đức Trí sẽ hết lòng, hết sức dẫn dắt họ? Anh nói ngay: “Đó là người có đam mê và nhiệt huyết. Trước đây, người ta hay coi trọng yếu tố tài năng. Tôi từng gặp nhiều người có tài năng nhưng họ thiếu đam mê nên không tạo ra được gì đáng kể cả. Còn tôi tin, sự đam mê sẽ xây dựng cho họ một nền tảng tài năng, hoặc một nền tảng kiến thức cần thiết”.
Tôi không phải là phù thủy
Công sức của Đức Trí đóng góp cho sự thành danh, thành công của Hà Hồ không cần phải bàn cãi, nhưng anh hiểu điều đó không có nghĩa là anh có quyền năng của một phù thủy để vù một cái có thể “nặn một ma-nơ-canh thành nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam được”, mà anh gọi đó là sự cộng hưởng, tức là 1+1 cho kết quả nhiều hơn 2. “Vậy nên, gặp một nhà sản xuất khác Hà cũng có thể thành công nhưng chưa chắc nó giống với thành công ngày hôm nay bởi sự cộng hưởng khác nhau. Nếu không có sự cộng hưởng sẽ dễ thất bại” - Đức Trí chia sẻ.
Để giải thích về sự cộng hưởng như một cái duyên đó, anh cũng tin rằng Hà Hồ có khả năng “điều khiển” những người đàn ông làm việc cùng với cô như nhiều người khác từng nhận xét. Từng cộng tác với nhiều ca sĩ nữ nhưng anh thấy chưa lần nào mang lại sự thành công nhiều như với Hà Hồ bởi họ không có được sự khéo léo như ở cô. Đức Trí cho biết: “Thực tế, đôi lúc làm việc trong âm nhạc, nghệ sĩ tính của tôi hiện lên rõ nhất - không có quan niệm về thời gian trong đầu, không “chơi” với đồng hồ. Những người như vậy cần một trợ lý để quán xuyến công việc. Trong lúc tôi chưa có được người như thế thì Hà đã “lấp chỗ trống” ấy rất tốt. Ở Hà có một vỏ lý trí bên ngoài điều khiển lớp cảm xúc bên trong mà ít người có được”.
Hay nhất là tự hát bài do mình sáng tác
Đức Trí là một nhạc sĩ sáng tác, nên lắm lúc nghĩ rằng khi thấy ca sĩ sáng tác bài hát chắc hẳn anh sẽ không vui, nhưng anh lại bảo đó là chuyện hay và ở trên thế giới ca sĩ tự sáng tác cho mình hát là chuyện bình thường. Và theo Đức Trí, sáng tác ca khúc dễ lắm, chỉ cần một lời thơ cũng có thể ngân nga thành một lời hát được, và nếu biết đánh đàn sơ sơ thì càng dễ hơn.
“Ca sĩ sáng tác cũng giống như nhạc sĩ sáng tác thôi vì đều là nghệ sĩ cả, có khác là do nhiều ông nhạc sĩ không hát được nên nhìn theo kiểu khác thôi. Còn nếu anh viết dở hơn người ta thì thất nghiệp là phải rồi (cười). Với tôi thì chuyện đó không ảnh hưởng gì, mỗi một bông hoa đều có một mùi hương thơm, màu đẹp khác nhau. Hoa cúc dại cũng có giá trị của nó chứ đâu nhất thiết phải là hoa hồng mới tốt. Sáng tác một ca khúc không khó nhưng để sáng tác ra một ca khúc có tỷ lệ thành công cao thì khó. Hay nhất là ca sĩ hay nhạc sĩ tự sáng tác và hát bài của mình” - Đức Trí đúc kết.
Khi được hỏi về người ca sĩ tự sáng tác mà anh thích nhất, Đức Trí cười, nói: “Câu này hơi nhạy cảm nên tôi sẽ không trả lời, bởi vì lời của tôi hay bị trở thành… nhận định. Tôi thích thì tôi sẽ giữ cho riêng mình”.
Muốn giữ kín đời sống riêng
Là nghệ sĩ, Đức Trí hiểu rằng anh phải chấp nhận chuyện người ta nói về mình điều này, tiếng kia mặc dù anh “luôn cần đời sống riêng của mình để ở một nơi mình trân trọng nhất và không muốn ai chạm vào”. Điều đó có thể thấy rõ qua việc anh rất kín tiếng về chuyện riêng tư và thường tỏ vẻ không hài lòng khi ai đó đặt câu hỏi liên quan.
Nhưng trước câu hỏi rằng sao anh làm việc, quen nhiều cô đẹp mà vợ anh không đẹp như thế, Đức Trí cười, trả lời: “Đầu tiên, tôi không bình luận về câu hỏi này rằng nó đúng hay sai, nhưng rõ ràng, đã là nghệ sĩ thì ai cũng mê cái đẹp vì nó mang lại cho người ta cảm xúc. Nếu cái đẹp đó tôn lên giá trị của người nghệ sĩ thì tại sao lại không? Và cái đẹp thì cảm nhận của mỗi người mỗi khác, có người thấy cái cũ kỹ, đơn giản là đẹp, có người thấy màu mè, cầu kỳ mới đẹp. Tất nhiên, đừng để cái đẹp đó làm mất đi giá trị của người nghệ sĩ, đừng vì cái đó mà đánh đổi giá trị của bản thân”.
Đức Trí cũng cho hay là trong nhà anh “không cần thêm một nghệ sĩ nữa”, nên điều anh thích nhất ở bà xã là sự khác nhau bởi anh nghĩ “điều đó tạo nên sự cộng hưởng”. Bà xã anh cũng không muốn mình khi làm gì cũng bị người khác bình phẩm, đó là lý do mà hiếm khi nào công chúng thấy được hình ảnh hai vợ chồng anh xuất hiện chỗ đông người.
Theo Vnmedia
Ý kiến (0)