Tất cả chuyên mục

Trong vài năm gần đây, âm nhạc Quảng Ninh đã chứng kiến sự nở rộ của rất nhiều ca khúc viết về đề tài biển đảo.
Thành tựu ấy cũng có nguồn gốc từ bệ phóng truyền thống. Đã có một thời rất nhiều nhạc sĩ Trung ương đến Quảng Ninh sáng tác và sau này không ít người trong số họ đã trở thành những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc cả nước. Họ không phải là những người sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh nhưng đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển âm nhạc của vùng đất này. Không ít nhạc sĩ trong số đó có sáng tác hay về biển đảo Quảng Ninh như: Nhạc sĩ Hoàng Quý với “Đêm trăng trên Vịnh Hạ Long”, Trần Chung với “Trên biển trời Đông Bắc”, nhạc sĩ Nguyễn Cường với “Hò biển”, “Mái đình làng biển”, “Tôi về đây nghe sóng” và “Du thuyền trên sóng Hạ Long”, nhạc sĩ Tân Huyền với “Hạ Long đêm”, nhạc sĩ Xuân Giao với “Bình minh Hạ Long”, nhạc sĩ Đức Minh với “Xôn xao sóng nước Vân Đồn” và “Chiều Hạ Long”, nhạc sĩ Vũ Thiết với “Khúc tráng ca biển” và “Lời sóng hát” (cả 2 bài đều phổ thơ của Trịnh Công Lộc) v.v..
![]() |
Ca sĩ Ngọc Anh thể hiện ca khúc “Hạ Long thu sang” của nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm. |
Kế thừa truyền thống đó, gần đây, mảng ca khúc về biển đảo do các nhạc sĩ Quảng Ninh sáng tác đã gặt hái được nhiều thành công. Nhiều ca khúc thể hiện chủ đề biển đảo được các nhạc sĩ viết với nhiều hình thức đa dạng cùng với sự tìm tòi nghệ thuật phong phú như: “Điện ra đảo” và “Đá hát động Thiên Cung” của nhạc sĩ Xuân Nhật, “Nỗi nhớ khơi xa” và “Ký ức biển” của nhạc sĩ Vũ Việt Hồng, “Trụ biển” của nhạc sĩ Đỗ Hoà An, “Cơn mưa từ dưới biển mưa lên” của nhạc sĩ Thế Phùng, “Đêm trên đảo” của nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm v.v..
Không chỉ phát triển về diện rộng, những sáng tác âm nhạc về biển đảo ở Quảng Ninh còn đi sâu về chất lượng nghệ thuật và đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhạc sĩ Xuân Nhật, Lê Nguyên Thêm, Đỗ Hoà An có tác phẩm in trong tập 100 ca khúc về biển đảo Việt Nam do NXB Âm nhạc Dihavina ấn hành. Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ có tác phẩm “Từ Hạ Long mơ về Thăng Long” in trong tuyển tập 1000 năm Thăng Long. Nhạc sĩ Vũ Việt Hồng ra mắt DVD “Biển Đông dậy sóng” và album “Hạ Long sớm”. Một số nhạc sĩ Quảng Ninh đã được cử đi Trường Sa sáng tác, số khác lại có tác phẩm đoạt giải thưởng âm nhạc như: Ca khúc “Biển mẹ Âu Cơ” của nhạc sĩ Vũ Đức Tạo đoạt giải khuyến khích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ca khúc “Tuổi trẻ trên biển quê hương” của nhạc sĩ Xuân Nhật đã đoạt giải ba cuộc thi “Đây biển Việt Nam”, “Trụ biển” của nhạc sĩ Đỗ Hoà An đoạt giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Lý giải về sự nở rộ của các ca khúc viết về biển đảo, nhạc sĩ Xuân Nhật, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ninh cho rằng, khi Biển Đông dậy sóng viết về biển đảo đã thành một phong trào lớn của mọi lĩnh vực văn chương nghệ thuật chứ không riêng gì âm nhạc. Ở Quảng Ninh, các nhạc sĩ có phần nhạy bén và dễ rung động hơn với đề tài này vì tỉnh nhà có biển rộng, nhiều đảo, họ được sống, được tiếp xúc với môi trường này từ lâu rồi.
Chính vì thế mà khi viết về biển đảo, những ca khúc của các nhạc sĩ Quảng Ninh không bị lẫn vào những sáng tác của các tác giả trong cả nước. Nhiều ca khúc tìm được đời sống riêng như: “Chèo thuyền trên Vịnh Hạ Long” của nhạc sĩ Đỗ Hoà An, “Huyền thoại Hạ Long” của nhạc sĩ Xuân Nhật, “Hạ Long thu sang” và “Giữ mãi Hạ Long xanh” của Lê Nguyên Thêm v.v.. Những ca khúc này đứng được một phần cũng nhờ nội dung ca từ thường rộng mở, khoẻ khoắn thể hiện cái mênh mang sóng nước như: “Hạ Long biển nhớ” của nhạc sĩ Đỗ Hoà An, “Đá hát động Thiên Cung” của nhạc sĩ Xuân Nhật, “Đêm Hạ Long” của nhạc sĩ Nguyễn Thành Long v.v.. Một số nhạc sĩ khác như: Lê Huy Hoà, Ngọc Xuân, Xuân Quang, Bá Quảng, Lê Chí Phúc, Đặng Xuyên cũng có sự thể nghiệm mới với những ca khúc viết về biển đảo.
Viết về đề tài biển đảo cũng làm cho các sáng tác có sự chuyển biến về nghệ thuật, rộng mở hơn rất nhiều. Nhạc sĩ Xuân Nhật cho rằng: “Tuy các sáng tác này vẫn mạnh về tuyên truyền, hướng đến tính quần chúng nhiều hơn là tính nghệ thuật nhưng không phải vì thế mà coi nhẹ nghệ thuật. Một số nhạc sĩ chú trọng ca từ, giai điệu đồng thời vẫn cập nhật được sự hiện đại, xử lý ca khúc, hoà âm phối khí theo một tiết tấu nhanh, thổi vào hơi thở mới, chú trọng tiết tấu sôi động”.
Có lẽ, sự rộng mở, phong phú của đề tài biển đảo cũng đã kéo theo cái sự rộng mở trong tư duy sáng tác, giúp thoát khỏi lối mòn. Đó là lý do giúp nhiều tác phẩm viết về biển đảo ở Quảng Ninh đã đứng vững được trong làng âm nhạc hiện nay.
Phạm Học
Ý kiến ()