Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:58 (GMT +7)
Nhạc sỹ Hồng Đăng: Gia tài âm nhạc đồng hành cùng dân tộc
Thứ 5, 24/03/2022 | 07:37:04 [GMT +7] A A
Nhạc sỹ Hồng Đăng để lại gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 700 ca khúc các thể loại. Với tài năng nghệ sỹ, với tâm thức liêm chính, ông đã thực sự góp phần tạo nên biến chuyển cho âm nhạc Việt Nam.
Nhắc đến nhạc sỹ Hồng Đăng, người yêu nhạc có thể nhớ ngay đến “Hoa sữa,” “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ tôi,” “Lênh đênh”… nhưng thực tế, gia tài âm nhạc của ông có đến hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại như ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... trong đó nhiều sáng tác còn chưa được nhiều người biết đến.
Gia tài âm nhạc đồ sộ
Nhạc sỹ Hồng Đăng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, nghệ thuật, khoa cử. Ông nội là cử nhân Phan Đăng Dư, bác ruột là chí sỹ yêu nước Phan Đăng Lưu. Thân sinh của nhạc sỹ là ông Phan Đăng Tài thông thạo 7 ngoại ngữ, từng giữ chức Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, sau công tác tại Báo Nhân Dân. Nhạc sỹ Hồng Đăng còn có một người anh em họ là giáo sư, tiến sỹ khoa học Phan Đăng Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian.
"Truyền thống gia đình, cá nhân ông được đào tạo bài bản và sự rung động nhạy cảm trong tâm hồn nghệ sỹ là 3 yếu tố giúp âm nhạc của ông khác biệt và vô cùng tuyệt vời," Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhìn nhận.
"Nhạc sỹ Hồng Đăng là một tên tuổi gạo cội, một nghệ sỹ uyên bác, khiêm nhường và có đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Di sản âm nhạc của nhạc sỹ Hồng Đăng để lại rất phong phú đa dạng. Nói về ông, người ta nghĩ ngay đến “Hoa sữa,” “Biển hát chiều nay”… nhưng đó chỉ là một vài nét chấm phá trong sự nghiệp âm nhạc mà ông để lại. Các tác phẩm của ông sẽ "ngấm" dần trong đời sống dân tộc, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của văn hóa nước nhà..." tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ khẳng định.
“Âm nhạc của ông có chiều sâu, vừa hàn lâm, vừa trữ tình, đậm đà bản sắc văn hóa. Sáng tác của Hồng Đăng không bao giờ mang tính phong trào khẩu hiệu, ngay cả tác phẩm đề tài chính trị cũng được ông nghệ thuật hóa để vừa có ý nghĩa biểu cảm cao, vừa mang giá trị tư tưởng sâu sắc,” ông Nguyễn Thế Kỷ nhận định.
Ông nói thêm rằng giới nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc cần tìm hiểu thêm về gia tài âm nhạc của Hồng Đăng và các tác phẩm của ông cần được công chúng biết đến nhiều hơn nữa thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật biểu diễn.
Cùng quan điểm đó, nhà thơ, nhạc sỹ, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha cho rằng hậu thế còn nhiều điều chưa biết về tác phẩm của nhạc sỹ Hồng Đăng, một người hiền tài trọn vẹn đúng nghĩa của hai từ này. "Những đóng góp của nhạc sỹ Hồng Đăng cho nền âm nhạc Việt Nam là không thể phủ nhận, với tài năng nghệ sỹ, với tâm thức liêm chính, ông đã thực sự góp phần tạo nên biến chuyển cho âm nhạc Việt Nam từ thời mở cửa đến nay," ông Nguyễn Thụy Kha khẳng định.
“Những năm tháng ở Trường Sơn, cứ mỗi lần sinh nhật Bác, tôi đều hát cho đồng đội ‘Quà tháng Năm dâng Người’ của nhạc sỹ Hồng Đăng để cùng chia sẻ nỗi nhớ thương Bác. Những năm tháng ấy, Hồng Đăng cùng các nhạc sỹ Chu Minh, Tân Huyền, An Chung, Văn Dung bươn chải Trường Sơn. Để rồi sau những hợp xướng ‘Lửa rực cháy’ (1960) phỏng thơ Tố Hữu, thanh xướng kịch ‘Sông Hồng ngàn năm’ (1964) với kịch bản của Dương Viết Á, hợp xướng ‘Trận địa gang thép’ (1968), tổ khúc hợp xướng 5 chương ‘Đêm lửa Trường Sơn’ (1972) như một bức tranh âm thanh hoành tráng về ‘hành lang thép’ này,” nhà thơ Thụy Kha bình luận.
Bên cạnh việc sáng tác, nhạc sỹ Hồng Đăng còn là một nhà sư phạm tài ba. Các sách giáo khoa âm nhạc như “70 bài xướng âm” (1962), “Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng” (1968-1978), “200 bài xướng âm cơ bản” (1973) cho đến nay vẫn là những bộ sách "gối đầu giường" của nhiều giáo viên, sinh viên các trường âm nhạc.
Với những đóng góp to lớn cho âm nhạc, năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các ca khúc: "Biển hát chiều nay," "Hoa sữa," "Quà tháng Năm," "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" và hợp xướng "Lửa rực cháy."
Một người hiền tài, một nhân cách lớn
Năm 1982, kịch bản phim hoạt hình “Có một sớm gà trống không gáy” của nhà thơ Thụy Kha đã được dựng thành phim với âm nhạc của Hồng Đăng. Từ đó, hai người quen nhau và trở nên thân thiết.
Ở Đại hội Hội Nhạc sỹ Việt Nam lần thứ IV, nhạc sỹ Hồng Đăng được bầu là Phó Tổng Thư ký thường trực của Hội và kiêm vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. Khi ấy, nhà thơ Thụy Kha vừa phục viên và được nhạc sỹ Hồng Đăng đưa về làm việc tại tạp chí.
Năm 1994, nhà thơ Thụy Kha cùng nhạc sỹ Hồng Đăng thực hiện chương trình "Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam" rền vang Nhà hát Lớn Hà Nội suốt 4 đêm liền. Đó là một dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp và cả tình bạn của hai người.
“Chúng tôi luôn hợp nhau trong suốt quá trình công tác, đã sống với nhau hết lòng và ông Hồng Đăng sẽ còn sống mãi trong tôi,” nhà thơ Thụy Kha xúc động chia sẻ.
Chia sẻ về tác phẩm của "người nhạc sĩ hiền tài", nhà thơ Thụy Kha cho biết, cá nhân ông thích “Biển hát chiều nay,” theo nhà thơ, đó là một ca khúc mang triết lý nhân loại, gửi thông điệp rằng nhân loại nên quên đau thương đi để tiến tới tương lai: "Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển hát tình ca/ Biển kể chuyện quê hương.”
Nghệ sỹ ưu tú Minh Thu là người thể hiện rất thành công ca khúc này. Chính nhạc sỹ Hồng Đăng cũng từng khẳng định rằng “Biển hát chiều nay” rất hợp với chất giọng của Minh Thu
“Giai điệu ca khúc luôn khiến tôi thấy tự hào, hạnh phúc, thấy dịu đi những bức bối bon chen đời thường. Mỗi khi hát 'Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng,' trong tôi dạt dào tình cảm với sóng biển, với con thuyền, với từng hạt cát… Tất cả đều là tài sản của quốc gia, dân tộc. Tôi thấy mình thêm quý trọng từng tấc đất non sông,” nghệ sỹ chia sẻ.
Với thế hệ sau, nhạc sỹ Hồng Đăng luôn là người anh, người thầy chân thành, tận tụy. Đó là lời khẳng định của nhạc sỹ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
"Ngoài là một người anh, người chú, ông còn là một người thầy về âm nhạc của chúng tôi. Ông viết sách về phối khí, về tính năng nhạc cụ trong trường nhạc mà rất nhiều thế hệ đã học. Được quen biết nhạc sỹ Hồng Đăng từ lúc ông làm Phó chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, sau này tôi cũng nối tiếp ông làm công tác ở hội, tôi thấy rằng cần phải học tập ông nhiều hơn nữa," nhạc sỹ Đức Trịnh nói.
Năm 2021, ông được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội của Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam). Ca khúc "Hoa sữa" của ông được nhiều người yêu thích, nhưng với nhiều thế hệ những người Hà Nội, "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" mới thực sự là ca khúc của Hà Nội, gắn bó và yêu thương.
Nhà báo Đỗ Thu Hà, người có nhiều kỷ niệm với ông bồi hồi tưởng nhớ "đó là ca khúc trong trẻo thương yêu nhất về mùa hè Hà Nội, về tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ..." Đúng rồi, có tuổi thơ Hà Nội nào mà chưa từng văng vẳng trong lòng, chưa từng hát ca khúc này "Trưa nay qua đường phố quen gặp những tiếng ve đầu tiên/Chợt nghe tâm hồn xao xuyến/ Điệp khúc tiếng ve triền miên/ Tiếng ve đu cành sấu/ Tiếng ve náu cành me/Tiếng ve vẫy tuổi thơ/ Tiếng ve chào mùa hè/Và gọi cơn gió mát/Những đêm đầy trăng thanh/Tiếng ve như lời hát đan giữa vòm cây xanh...:
Âm nhạc và nhân cách của nhạc sỹ Hồng Đăng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Trong bài “Hoa sữa” của ông có câu: “Có lẽ nào em lại quên anh?” Chắc chắn, những người yêu nhạc sẽ không bao giờ quên nhạc sỹ tài hoa, hiền hậu Hồng Đăng./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()